Cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi ở Áo đã làm thay đổi cục diện chính trị ở nước này theo chiều hướng như đã từng xảy ra cách đây 17 năm. Đó là chính trường và xã hội thiên lệch hẳn về phía cánh hữu.
Người dân cho thấy họ không muốn để chính phủ liên hiệp giữa Đảng Xã hội Dân chủ Áo (SPOE) của thủ tướng Christian Kern với Đảng Nhân dân Áo (OEVP) của Bộ trưởng Ngoại giao Sebastian Kurz.
Đảng Tự do Áo (FPOE) với chiều hướng quan điểm cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa thắng lớn và tạo nên bất ngờ chính như cách đây 17 năm, chắc chắn sẽ trở lại cùng cầm quyền sau 17 năm. Chiến thắng của đảng OEVP và đảng FPOE đã làm nước Áo thiên lệch hẳn về phía cánh hữu.
Sau Hungary và Ba Lan, nước Áo trở thành mối lo ngại mới của EU. Ông Kurz với chỉ có 31 tuổi nhiều triển vọng trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Áo và đối thủ chính trị thuộc diện kỳ phùng địch thủ với Thủ tướng Đức lâu năm Angela Merkel và tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Ba vấn đề
Nếu nói về cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn này ở nước Áo thì không thể không đề cập tới ba điều.
Thứ nhất, vấn đề người nhập cư, người tị nạn và người nước ngoài chi phối gần như hoàn toàn cuộc bầu cử. Tâm lý của dân chúng bị tác động quá mạnh bởi nỗi lo ngại và sợ sệt về mất an ninh và ổn định cũng như bị thua thiệt về lợi ích vật chất bởi người tị nạn, người nhập cư và người nước ngoài. Những chủ đề nội dung ấy vốn là lãnh địa được cánh hữu và cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa thâm canh triệt để ở khắp châu Âu. Đảng FPOE thắng lớn nhờ đó.
Người dân Áo đi bỏ phiếu. Ảnh: AP
Thứ hai, đảng OEVP và ông Kurz đắc cử nhờ thành công với việc biến những chủ đề nội dung nói trên vốn đặc trưng cho đảng FPOE thành điểm nhấn trong cương lĩnh vận động tranh cử của họ. Ở châu Âu, người ta gọi đó là "lấy trộm chủ đề tranh cử".
Ông Kurz tuy tuổi trẻ nhưng đã thể hiện tài cao ở chỗ chớp thời cơ để nắm vai trò lãnh đạo đảng OEVP, rồi thúc đẩy việc làm cho chính phủ liên minh với đảng SPOE tan rã để tiến hành tổng tuyển cử mới trước thời hạn và trong vận động tranh cử lại chiếm lĩnh sân chơi chính trị truyền thống của đảng FPOE.
Ông tận dụng đảng để đi lên như bà Merkel ở Đức, phát động được phong trào đổi mới chính trị xã hội như ông Macron ở nước Pháp và đồng thời sành sỏi những thủ thuật dân tuý như phe cánh của ông Donald Trump ở nước Mỹ.
Thứ ba, kết quả cuộc bầu cử quốc hội này ở Áo lại một lần nữa khẳng định thực trạng và xu thế là các đảng lớn xưa nay thay nhau cầm quyền ở các nước lớn nhỏ trên khắp châu Âu tiếp tục thất thế. Nó cho thấy các lực lượng cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa vẫn rất mạnh mẽ ở châu Âu.
Chỉ riêng trong năm 2017 này, phe cánh ấy đã ngấp nghé bên ngưỡng cửa quyền lực nhà nước ở Hà Lan và Pháp, đã trở thành đảng phái chính trị lớn thứ 3 trong quốc hội Mỹ và giờ sẽ tham gia nhiếp chính ở Áo - sau khi đã từng như thế từ năm 2000 đến 2006 ở nước này.
Quyết định nặng tình cảm hơn lý trí
Kết quả như thế của cuộc bầu cử quốc hội ở Áo đặt ra câu hỏi lớn cho nước Áo là chuyển biến chính trị này có cực đoan quá và có thật sự thích hợp đối với nước Áo hay không?
Quyết định bằng tình cảm nhiều hơn là lý trí của cử tri đã giúp ông Kurz thành công lớn trong canh bạc quyền lực đầu tiên của mình nhưng cầm quyền khác với vận động tranh cử và liên minh cầm quyền với đảng FPOE giống như chơi với con dao hai lưỡi.
Khi xưa, chính đảng OEVP của ông Kurz rồi cuối cùng cũng đã bị thất bại trong cùng cầm quyền với đảng này ở nước Áo. Cử tri Áo đã đầu tư lòng tin vào ông Kurz như cử tri Pháp đã làm với ông Macron. Họ sẽ thất vọng khi thấy ông Kurz không nhanh chóng đưa lại được những thay đổi cụ thể và cơ bàn như cử tri Pháp hiện đã bắt đầu thất vọng về ông Macron.
Đối với EU cũng có câu hỏi lớn được đặt ra là sẽ phải đối phó như thế nào với việc nội bộ bị phân hoá thêm khi những thành viên thiếu thân thiện và hay gây bất hoà với EU như Hungary và Ba Lan giờ có thêm đồng hành mới, cũng như khi phe cánh cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa được khích lệ mạnh mẽ nhờ kết quả cuộc bầu cử quốc hội ở nước Đức và nước Áo.