TQ từng xây "tường biên giới" to và đẹp, nhưng thất bại. TT Trump cũng nên chuẩn bị tinh thần?

Hồng Anh |

Ngay từ khi phát động chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump đã ví von bức tường mà ông muốn xây dọc biên giới phía Nam của nước Mỹ với Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc...

* Bài viết được đăng trên trang Bloomberg, thể hiện quan điểm của tác giả Michael Schuman và không thể hiện quan điểm của tòa soạn.

Ông Schuman là tác giả của nhiều cuốn sách như "The Miracle: The Epic Story of Asia's Quest for Wealth" (tựa tiếng Việt: Châu Á Thần kỳ) và "Confucius and the World He Created" (tạm dịch: Khổng Tử và Thế giới do ông tạo nên).


"Bức tường biên giới" của Trung Quốc

Ngay từ khi phát động chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump đã ví von bức tường mà ông muốn xây dựng dọc biên giới phía Nam của nước Mỹ với Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc.

Trong bối cảnh chính phủ Mỹ hiện nay đang trải qua đợt đóng cửa dài nhất từng có trong lịch sử do những bất đồng và bế tắc xung quanh vấn đề ngân sách xây tường biên giới, có thể ông Trump và các nghị sĩ Dân chủ sẽ muốn nhìn nhận lại câu chuyện về "pháo đài" Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, và lý do nó đã thất bại trong lịch sử.

Bức tường Vạn Lý Trường Thành là công trình nhân tạo được xây dựng từ thời Nhà Minh (1368-1644). Quá trình xây dựng chủ yếu diễn ra trong nửa cuối thế kỷ 16.

Hiện nay, rất nhiều người cho rằng công trình này chỉ là một dự án cơ sở hạ tầng lớn để bảo vệ vùng biên giới phía Bắc của Trung Quốc khỏi những thế lực ngoại bang có ý định xâm lăng. Tuy nhiên, trong thực tế, việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành có liên quan đến những cuộc đấu đá trong nội bộ hệ thống chính trị của Nhà Minh.

Vấn đề an ninh và kiểm soát biên giới là một trong những mối bận tâm lớn nhất của triều đình Trung Quốc từ thuở nước này còn sơ khai. Những bộ tộc từ vùng thảo nguyên phía Bắc như Hung Nô, Thổ Nhĩ Kỳ, Nữ Chân, Mông Cổ, v.v thường xuyên đe dọa đánh chiếm Trung Quốc. Vào thế kỷ 13, Thành Cát Tư Hãn của Đế chế Mông Cổ đã xâm chiếm hoàn toàn Trung Quốc.

Thế nhưng, vùng biên giới phía Bắc của Trung Quốc lại trải dài trên vùng địa hình rất khắc nghiệt, khiến cho việc bố trí lực lượng phòng thủ trở nên vô cùng khó khăn.

Các hoàng đế Trung Quốc đã thử nhiều cách khác nhau để đảm bảo an toàn tại vùng biên giới, từ việc mua chuộc các bộ tộc thảo nguyên, cho đến việc điều đồng binh lính... tuy nhiên, tất cả đều không thể giải quyết vấn đề triệt để, khi những bộ lạc mới liên tục xuất hiện.

Thất bại của triều đại Nhà Minh

Đến thời Nhà Minh, thì những vấn đề trên càng trở nên phức tạp hơn nữa khi được kết hợp với sự cao ngạo, chia rẽ nội bộ và thiếu quyết đoán. Triều đình Nhà Minh là một nơi rất hỗn loạn, khi các phe phái thù địch luôn luôn đả kích nhau một cách trực diện. Trong đó, vấn đề an ninh biên giới thường bị lôi ra trong những cuộc đấu đá này.

Khi đoạt lại được Trung Quốc từ tay các hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn, Nhà Minh đã nghiêng hẳn về đường lối cứng rắn trong chính sách chống lại những nước láng giềng phía Bắc và thường từ chối cho họ cơ hội được giao thương với Trung Quốc.

Tuy nhiên, người Mông Cổ lại phụ thuộc rất nhiều vào các thương vụ với Trung Quốc để có được số ngũ cốc và vật dụng mà họ cần để sống sót trên vùng thảo nguyên khắc nghiệt. Bởi vậy, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài tấn công Trung Quốc và lấy đi những thứ họ cần.

Thế nhưng, chính những cuộc tấn công ấy đã càng củng cố thêm quan điểm chống lại bộ tộc Mông Cổ, và tính cấp bách trong vấn đề kiểm soát và an ninh biên giới.

Vậy nên triều đình Nhà Minh, vốn có nhiều chia rẽ trong nội bộ, đã nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề biên giới. Một số quan chức triều đình ủng hộ cách tiếp cận thiên về hướng ngoại giao, mà cụ thể là khôi phục giao thương nhằm giảm bớt áp lực lên bộ tộc Mông Cổ.

Nhưng tất nhiên là phe "diều hâu" trong triều đình không đồng ý với điều đó, và cho rằng yêu cầu giao thương của người Mông Cổ chẳng qua chỉ là một chiêu thức đánh lừa người Hán mà thôi.

TQ từng xây tường biên giới to và đẹp, nhưng thất bại. TT Trump cũng nên chuẩn bị tinh thần? - Ảnh 3.

Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images.

Các quan chức thuộc phe diều hâu thường ủng hộ áp dụng các biện pháp quân sự để đánh đuổi những kẻ xâm lăng khỏi biên giới. Thế nhưng việc đưa quân tới vùng hoang vu phía Bắc để đánh đuổi những người du mục rất tốn kém, hơn nữa còn khó tổ chức và không nhận được sự ủng hộ của số đông.

Ngoài ra, đề xuất của các quan triều đình vào thời điểm đó đều rất rắc rối, khi chúng còn liên quan tới những mưu đồ cá nhân của các vị có chức sắc nhằm giành được sự ưu ái của hoàng đế.

Cuối cùng, triều đình Nhà Minh chỉ còn lại duy nhất một lựa chọn: đó là xây dựng một hàng rào phòng thủ nhằm ngăn chặn các bộ tộc ngoại bang xâm lược. Như nhà sử học Arthur Waldron đã viết trong nghiên cứu có tên "Vạn lý trường thành của Trung Quốc: Từ lịch sử đến huyền thoại" của mình:

"Do không muốn giao thương với người Mông Cổ và cũng không thể đánh bại họ về mặt quân sự, vào giữa thế kỷ 16, Nhà Minh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xây tường để loại bỏ những người du mục ngoại bang".

Tất nhiên là chiến lược này cũng có tác dụng đối với các cuộc đột kích của người Mông Cổ... tất nhiên là chỉ ở những nơi có bức tường. Vấn đề là người Mông Cổ có ngựa, và họ có thể dễ dàng chuyển hướng tấn công sang những khu vực biên giới không có tường bảo vệ. Chính xác là vào năm 1550, một lực lượng lớn từ Mông Cổ đã tấn công vào vùng ngoại ô của Bắc Kinh.

Ngay lập tức, triều đình Nhà Minh đã phản ứng bằng cách hạ lệnh xây thêm tường biên giới, và kết quả chính là Vạn Lý Trường Thành như chúng ta thấy ngày nay.

Thế nhưng, điều bi kịch là bức tường đồ sộ, đẹp đẽ của Nhà Minh lại không thể hoàn thành được nhiệm vụ duy nhất của nó, đó là bảo vệ Trung Quốc khỏi các cuộc xâm lăng. Khi họ còn đang "loay hoay" với khối kiến trúc đồ sộ này, thì triều đại Nhà Minh đã sụp đổ vào năm 1644 dưới tay bộ tộc Mãn, và sau này cai trị Trung Quốc với tên gọi là Nhà Thanh.

Tất nhiên, điều này không phải là lỗi của bức tường biên giới, mà là do vết rạn nứt trong chính nội bộ Nhà Minh. Ngay từ đầu, chính sách cứng rắn đối với những tộc người ngoại bang đã là một sai lầm lớn, và Nhà Minh đã phải trả giá cho điều đó.

Điều này có vẻ rất quen thuộc, phải không? Suy cho cùng, thì bài học của Vạn Lý Trường Thành là dù có xây dựng được rào cản vật lý đắt đỏ và ấn tượng đến mấy, thì nó vẫn sẽ thất bại nếu không có các chính sách phù hợp để giảm thiểu những rủi ro ở dọc biên giới.

Triều đình Nhà Minh chưa từng nghiệm ra điều đó trong lịch sử, nhưng hy vọng là các quan chức trong chính quyền ông Trump sẽ sớm tỉnh ngộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại