Năm 2018, dự trữ vàng của Nga "vượt mặt" TQ: Có tấm khiên này, Nga không còn sợ Mỹ trừng phạt?

Hồng Anh |

Ngân hàng Trung ương Nga đã đẩy mạnh đầu tư vào dự trữ vàng thỏi trong vòng 1 thập kỷ qua, đặc biệt là trong năm 2018, trong bối cảnh Mỹ và phương Tây liên tiếp ra đòn trừng phạt.

Trong năm 2018 vừa qua, Nga đã chính thức "vượt mặt" Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư dự trữ vàng thỏi, khi nước này chiếm ngôi vị quốc gia có lượng vàng dự trữ lớn thứ 5 thế giới của Trung Quốc, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nga.

Với sự ủng hộ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong suốt 10 năm qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã tích cực đầu tư mua vàng thỏi, vốn được coi là công cụ hữu hiệu giúp Nga phòng tránh rủi ro và chống lại những tác động tiêu cực của đồng USD.

Năm 2018, Nga càng đẩy mạnh đầu tư mua vàng nhiều hơn khi lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà nước này giảm sút từ sau các lệnh trừng phạt đối với các thực thể của Nga được Washington ban hành vào tháng 4. Các lệnh trừng phạt này được coi là đòn giáng mạnh nhất nhằm vào Moskva, kể từ sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014.

Ngoài ra, cũng do các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Mỹ, Nga đã quyết tâm "quay lưng" với đồng USD và chuyển sang giao dịch bằng đồng nội tệ và các loại ngoại tệ khác như đồng Nhân dân tệ hay Euro, đồng thời đẩy mạnh dự trữ vàng.

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga, trong năm ngoái nước này đã mua vào khoảng 301,7 tấn vàng, phá kỷ lục 246,9 tấn vàng được mua vào trong năm 2017.

Tính đến ngày 1/1/2019, Ngân hàng Trung ương Nga đang nắm giữ 2.328 tấn vàng, tăng thêm 302 tấn so với trữ lượng 2.026 tấn vàng tại thời điểm cùng kỳ năm 2018. Hiện nay Nga chỉ đứng sau Mỹ, Đức, Pháp và Italia trong bảng xếp hạng các quốc gia sở hữu trữ lượng vàng lớn nhất thế giới.

Ở vị trí thứ 6, Trung Quốc hiện đang sở hữu khoảng 2.043 tấn vàng. Tính từ mức 2.029 từ hồi tháng 10/2016 tới tháng 12/2018, trữ lượng vàng của Trung Quốc có mức gia tăng không đáng kể và chỉ tăng đúng 1 lần.

Năm 2018, dự trữ vàng của Nga vượt mặt TQ: Có tấm khiên này, Nga không còn sợ Mỹ trừng phạt? - Ảnh 2.

Tổng thống Putin. Ảnh: Reuters.

"Đặt cược" vào vàng thỏi

Reuters trích lời một số chuyên gia trong lĩnh vực cho biết, một trong những lí do khiến Nga đặt cược nhiều vào vàng thỏi là do loại tài sản này không thể bị đóng băng hoặc liệt vào danh sách đen.

"Dường như [chính phủ] đang muốn đa dạng hóa các loại tài sản dự trữ thay cho các loại tài sản của Mỹ (như đồng USD hay trái phiếu kho bạc)", Reuters dẫn lời một nhà sản xuất vàng của Nga.

Tháng 5/2018, Tổng thống Putin từng tuyên bố rằng "sự độc quyền của đồng USD trên thị trường không đủ tin cậy, điều đó rất nguy hiểm đối với nhiều người".

Hiện nay Ngân hàng Trung ương Nga đang mua vàng sản xuất nội địa từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, quy mô đầu tư vào vàng thỏi trong tương lai là bí mật nhà nước, và chưa có nguồn tin chính thức nào tiết lộ về kế hoạch dự trữ vàng trong tương lai của Nga. 

Như vậy, trong năm 2019, Moskva có thể duy trì tốc độ khoảng 14%/năm như hiện nay hoặc tăng tốc, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố khác.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga đã mua vào một trữ lượng vàng đáng kể từ các nhà sản xuất nội địa. Được biết, sản lượng vàng sản xuất trong nước của Nga cũng đang tăng trưởng, nhưng với tốc độ chậm hơn so với tốc độ mua vào của ngân hàng nhà nước, theo các nguồn tin trong ngành.

Ngân hàng Trung ương đã từ chối bình luận về thông tin trên.

Hiện nay Nga là nhà sản xuất vàng lớn thứ 3 trên thế giới. Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Tài chính Nga, trong 10 tháng đầu năm 2018, nước này đã sản xuất được 265 tấn vàng thỏi.

Bất chấp "bão" trừng phạt, kinh tế Nga vẫn tăng trưởng

Báo cáo về tầm nhìn kinh tế thế giới năm 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 8/1 vừa qua cho thấy nền kinh tế của Nga vẫn tiếp tục trụ vững dù bị các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây siết chặt, trong đó nổi bật nhất là tỉ lệ lạm phát thấp và ổn định, và sản lượng dầu tiếp tục tăng lên trong năm 2018.

Ngoài ra, trong năm ngoái, nền kinh tế Nga vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 1,6% dù phải chịu nhiều đòn trừng phạt nhờ giá dầu tăng.

Bên cạnh đó, trước những áp lực không có dấu hiệu suy giảm của Mỹ, gần đây Nga còn mạnh tay "cắt" 100 tỉ USD trong dự trữ ngoại hối, và chuyển sang các đồng ngoại tệ khác thay thế. Theo Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, "tất cả những điều này đều là hậu quả của lối hành xử hung hăng - mà nói trắng ra là những chính sách kinh tế ngu ngốc mà Mỹ đang theo đuổi."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại