Số ca nặng gia tăng
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2, Tp.HCM cho biết, trong tuần qua, tính từ 20-26/6, bệnh viện ghi nhận có số ca bệnh nhi bị sốt xuất huyết nội trú xuất viện là 167 ca (trong đó có 31 ca nặng) và số ca sốt xuất huyết điều trị ngoại trú là 484 bệnh nhi.
Theo ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa Truyền Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hiện tại, bệnh viện tiếp nhận trung bình 100 ca một ngày. Trong đó, ca nặng là 15-17%. Những bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng thường nằm trong nhóm trẻ thừa cân béo phì, bệnh nền…
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM, từ đầu năm đến nay đã hơn 4500 bệnh nhi khám ngoại trú do sốt xuất huyết, và điều trị nội trú chiếm hơn 2000 trường hợp.
Hiện tại, bệnh viện điều trị cho 125 ca bệnh nhi sốt xuất huyết, trong đó có 5 ca nặng phải thở máy. Các bác sĩ cho biết, nguy cơ bệnh viện quá tải, khó khăn trong công tác điều trị chăm sóc trẻ sẽ diễn ra trong thời gian tới đây.
Ca sốt xuất huyết nặng cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Đại diện bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM cho biết, đơn vị này đang điều trị cho 130 bệnh nhi trong đó, có 30 trường hợp nặng, 2 trường hợp thở máy. Đại diện bệnh viện cho biết, do diễn biến dịch sốt xuất huyết phức tạp, có khuynh hướng tăng cao và đạt đỉnh vào quý 3 năm 2022.
Điều đáng nói, số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, tháng 6 và tháng 6/2022 trung bình mỗi tháng có hơn 100 ca sốt xuất huyết nặng và sốc, trong khi đó cùng kỳ năm 2019 chỉ khoảng 20 trường hợp.
Bác sĩ Qui cho biết, hiện nay, để giảm tải bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng thì, người dân phải ý thức được việc làm sao để môi trường sống không có muỗi, nhất là các vùng nông thôn, phải thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm, đậy lu vại tránh nước đọng, không để muỗi chích, dùng hòa chất diệt muỗi, ngủ phải có mùng.
Đặc điểm muỗi chích khi trời rạng tối chứ không phải tối, Khi ngủ ban ngày trẻ cần có mùng để hạn chế muỗi chích
“Một khi trẻ bị sốt xuất huyết, phụ huynh phải thật bình tĩnh để theo dõi cho trẻ, thật ra một số trường hợp sốt nhẹ vẫn có thể theo dõi nhà, vấn đề là mình theo dõi như thế nào để giúp trẻ hạ sốt tốt nhất, thông thường, khi bị sốt xuất huyết, trẻ sốt cao 3-4 ngày đầu, dù được cho uống thuốc nhưng không bớt.
Nguyên tắc điều trị là phụ huynh vẫn phải hạ sốt cho trẻ. Phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol, và theo chỉ dẫn của bác sĩ”, bác sĩ Qui cho biết thêm.
Cần linh động tìm nguồn thuốc
Cũng theo bác sĩ Qui, khi trẻ bị sốt, phụ huynh có thể hạ nhiệt, lau mát, không tự ý sử dụng thuốc hạ sốt có tác dụng phụ gây xuất huyết tiêu hóa, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu… Cho trẻ uống nước cam, uống nước nhiều vitamin C, mua nước khoáng, nước dừa uống, trẻ dễ uống hơn.
Ngoài ra, quan trọng theo dõi ở nhà, để ý các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ như đau bụng, nôn ói nhiều, chảy máu mũi, ói ra máu, đi cầu phân đen, trẻ lừ đừ, hoặc sờ tay thấy lạnh thì phải nhập viện.
Trong trường hợ trẻ bị sốt xuất huyết nặng, sau khi nhập viện trẻ cần được bác sĩ theo dõi điều trị theo phác đồ riêng cho từng bệnh nhi, được theo dõi đặc biệt hàng ngày. Vào môi trường bệnh viện, trẻ được chăm sóc chu đáo, trẻ có thể chuyền dịch trong trường hợp không ăn uống được.
Thông thường sốt kéo dài 7 ngày, phụ huynh nên động viên cho con ăn một chút như cháo, nui, mì hoặc uống sữa nhiều năng lượng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, mới đây, Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Trường Sơn đã vào Tp.HCM trực tiếp làm việc với Sở Y tế Tp.HCM.
Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Tp.HCM phối hợp với Cục Y tế dự phòng tiếp tục tập huấn cho đội ngũ y tế cơ sở để tham mưu cho chính quyền địa phương tham gia vào công cuộc phòng, chống dịch SXH.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng cần xây dựng hoạt động tuyên truyền, tập huấn về cách nhận biết bệnh SXH, những ca nặng cho hệ thống y tế tư nhân. Đặc biệt, là ở các phòng khám, phòng mạch trên địa bàn Thành phố này, bởi đây là những đơn vị tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên.
Ngoài ra, trước nguy cơ số ca sốt xuất huyết diễn tiến nặng, đối phó với tình trạng thiếu thuốc điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng tìm nguồn cung thuốc, vật tư, y tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục cấp phép, nhập khẩu thuốc để kịp thời cung ứng cho các cơ sở y tế.
Đồng thời, các cơ sở y tế cũng cần linh động tìm kiếm nguồn thuốc thay thế, sử dụng phác đồ điều trị thay thế để công tác điều trị được hiệu quả nhất, giúp bệnh nhân tốt nhất.