Tổng thống Nga Vladimir Putin và Giám đốc ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina
Nga thiếu nguồn lao động
Telegraph cho biết, Điện Kremlin đang phải chi tiêu nhiều cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và nước này đã buộc phải bán dầu với giá chiết khấu cho các nước như Ấn Độ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, xuất hiện một vấn đề nổi cộm khác, trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất mà nền kinh tế Nga phải đối mặt. Sau lệnh tổng động viên và một cuộc "di cư" của nhân tài Nga do lo sợ về tác động của chiến sự, Moscow được cho là không có đủ nhân lực để lấp đầy vào số các vị trí công việc đang có.
Ngân hàng Goldman Sachs mô tả tình trạng này gây ra những ràng buộc nhất định đối với nền kinh tế Nga, thậm chí vượt xa các hạn chế liên quan đến lệnh trừng phạt đối với tài sản hoặc công nghệ (của phương Tây). Với tỉ lệ cứ hơn 2 vị trí tuyển dụng của Nga mới có 1 nhân sự, thị trường việc làm ở nước này khan hiếm gấp đôi so với ở Anh.
Theo một nhà kinh tế học, các công ty đã liên tục phàn nàn về việc thiếu những người trẻ sẵn sàng đảm nhận các vị trí việc làm. Và đó là vấn đề khiến ngay cả người đứng đầu ngân hàng của nước này cũng phải ra cảnh báo.
Liam Peach tại Capital Economics cho biết: “Bất kể điều gì xảy ra đối với chiến sự ở Ukraine, tác động của việc thu hẹp lực lượng lao động đối với nền kinh tế Nga là vô cùng tiêu cực."
Ảnh: AP
Vấn đề khiến Nga đau đầu
Tổng thống Vladimir Putin đã mô tả thách thức về nhân khẩu học của Nga là một trong số những vấn đề khiến cho ông phải trăn trở đã ông cũng đã trao đổi cởi mở về vấn đề này. Trong một cuộc nói chuyện với các quan chức hàng đầu của Điện Kremlin, ông Putin thừa nhận rằng giới lãnh đạo hàng đầu của đất nước hiện liên tục thảo luận về tình trạng thiếu nhân sự.
Trong cuộc họp có sự tham dự của các giám đốc kinh tế hàng đầu của Điện Kremlin và giám đốc ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina, ông Putin cho biết các công ty đã tích trữ lao động sau khi chiến dịch quân sự ở Ukraine diễn ra.
Để giữ chân nhiều nhân tài, nhiều chủ doanh nghiệp đã yêu cầu cắt giảm giờ làm cho công nhân. Các chủ doanh nghiệp vui vì họ giữ được nhân tài và những người lao động vui bởi họ có tiền trong ngân hàng khi thời kỳ suy thoái kinh tế bắt đầu.
Tuy nhiên các chuyên gia nói rằng chính sách đó đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay với tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân sự trong các ngành cần thiết.
Bộ truyền thông của Nga đã thừa nhận rằng khoảng 10% lực lượng lao động công nghệ thông tin của họ đã rời khỏi đất nước vào năm 2022 và không quay trở lại.
Những khó khăn mà nền kinh tế Nga phải đối mặt đã được phơi bày trong một báo cáo do ngân hàng trung ương công bố vào đầu năm nay, trong đó cảnh báo rằng khoảng một nửa số công ty đang gặp phải tình trạng thiếu nhân công.
Tổng thống Putin. Ảnh: Sputnik
Những rủi ro đang gia tăng
Trước tình trạng thiếu nhân công, một số ngành nghề phải tăng lương nhằm giữ chân nhân sự. Trong ngành công nghiệp chế biến - từ hóa dầu đến thực phẩm - hiện đã tăng trung bình khoảng 20%.
Theo một số doanh nhân Nga, những ước tính đó đôi khi cũng là khiêm tốn. "Đôi khi, chúng tôi buộc phải trả công gấp đôi," nguồn tin này cho hay.
Mức lương tối thiểu cũng sẽ tăng 18,5% trong năm tới – nhiều hơn 10% so với kế hoạch đã đề ra. Mức tăng lương hiện tại được đánh giá là đang ở mức nhanh nhất trong khoảng một thập kỷ.
Bà Nabiullina, thống đốc ngân hàng trung ương Nga, đã báo hiệu tình trạng thiếu hụt nhân công và mối đe dọa lạm phát đi kèm đồng nghĩa với việc các nhà hoạch định chính sách khó có thể giữ lãi suất ngân hàng ở mức 7,5% trong thời gian dài.
“Những rủi ro liên quan đến lạm phát từ thị trường lao động đang gia tăng,” bà nói, "Tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng có thể dẫn đến tăng trưởng năng suất lao động tụt hậu so với tăng trưởng tiền lương thực tế."
Capital Economics tin rằng nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục thiếu hụt lao động, ngay cả với dân số 145 triệu người.