Kho báu khổng lồ
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Maria Nava-Froelich, thị trưởng của thành phố Calipatria, bang California, Mỹ chứng kiến các lớp bùn nổi lên ở rìa biển hồ Salton. Được nuôi dưỡng bởi dòng sông Colorado đang dần cạn kiệt, vùng biển nội địa lớn nhất của bang đang bị thu hẹp, làm phát tán bụi thuốc trừ sâu và làm suy giảm quần thể cá, đe dọa các loài chim di cư.
Tuy nhiên, dưới lớp bùn đó, lại là một kho báu khổng lồ. Một lượng lớn lithium nằm sâu hơn một dặm bên dưới lớp bùn ở sa mạc phía bắc Mexico và phía đông San Diego – đủ để đáp ứng mọi nhu cầu của Mỹ và thậm chí có thể xuất khẩu nếu được khai thác với quy mô lớn.
Điều đó khiến bà Nava-Froelich và những người khác ở hạt Imperial đang phải sống trong cảnh nghèo khó này mơ về cơn sốt vàng tiếp theo ở California khi Washington đang chạy đua khai thác kim loại quý với Bắc Kinh.
Nhu cầu về lithium trên toàn thế giới - kim loại được sử dụng để sản xuất pin cho mọi đồ dùng, từ xe điện đến máy bay chiến đấu, được dự đoán sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030. Điều này đã thu hút sự quan tâm lớn ở Bắc Kinh và Washington. Và California, nơi được coi "Thung lũng Lithium" là tấm vé VIP của Mỹ đến với nền kinh tế xanh.
Bà Nava-Froelich
Vào tháng 3, Thống đốc California Gavin Newson, trong chuyến thăm đến Calipatria, đã gọi thành phố này là "Saudi Arabia mới về trữ lượng lithium".
Việc Mỹ đang có những bước đi đầu tiên nhằm chấm dứt bán xe chạy bằng xăng và bang California - thị trường ôtô lớn nhất cả nước, đặt mục tiêu áp dụng quy định này vào năm 2035, đã khiến giá lithium tăng cao.
Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk gọi việc khai thác lithium là "giấy phép in tiền". Sự thống trị của Trung Quốc đối với khoáng sản chiến lược này đã khiến Mỹ phải chạy đua để bắt kịp ngành công nghiệp. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Bắc Kinh hiện nắm giữ 3/5 nguồn cung cấp hóa chất lithium và 3/4 sản lượng pin lithium-ion trên thế giới.
Một số mỏ lithium khác đã được xác định ở Mỹ: ở Arkansas, Nevada, North Carolina và Utah. Nhưng mỏ duy nhất hiện đang hoạt động, ở Nevada, chiếm chưa đến 1% sản lượng toàn cầu. Điều đó khiến Mỹ phải đối mặt với những thách thức lớn.
Trung Quốc cũng không đứng yên khi nước này tiếp tục áp đặt các hạn chế đối với các kim loại chiến lược và mở rộng dấu ấn của mình trên toàn thế giới, bao gồm khoản đầu tư 1,4 tỷ USD vào một nhà máy khai thác lithium ở Bolivia được công bố vào tháng trước.
SCMP cho biết, việc phát hiện các quặng ở Mỹ không phải việc khó khăn. Tuy nhiên trở ngại ở dây là xây dựng ngành công nghiệp, điều chỉnh công nghệ và đầu tư một cách khôn ngoan. Theo ước tính của công ty tư vấn Benchmark Mineral Intelligence, chuỗi cung ứng pin toàn cầu sẽ cần khoảng 514 tỷ USD vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu dự kiến.
Dự án được kì vọng
Calipatra được thành lập vào năm 1919 và đa trải qua thời kỳ hoàng kim trong những năm 1950, 1960 khi hệ thống cấp nước, tưới tiêu phát triển giúp biển hồ Salton trở thành nơi thu hút khách du lịch, gồm cả những ngôi sao từ Hollywood.
Nông nghiệp vẫn là động lực phát triển kinh tế chính của khu vực, nhưng hạt Imperial đang đối diện với tình trạng cạn kiệt nguồn nước. Trong khi đó cơ sở hạ tầng, khách sạn, đường xá của thành phố xuống cấp nghiêm trọng. Dân số của thành phố Calipatria giảm 15% trong năm 2010-2020.
Người dân Calipatria cũng từng nhiều lần vỡ mộng khi các dự án lớn được xây dựng trong khu vực này. Để dự án được triển khai với hiệu quả như kì vọng, chính quyền bang đã thành lập Ủy ban Lithium của Thung lũng vào năm 2020 để thiết lập các loại thuế đối với hoạt động khai thác lithium trước khi "cơn sốt tài nguyên" quét qua nơi này.
Trong đó, 80% nguồn tiền thu được sẽ tài trợ cho các dự án địa phương. Phần còn lại sẽ giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại biển hồ Salton cũng như giải quyết các vấn đề sức khỏe mà người dân địa phương gặp phải.