Ngày 26/6, tờ báo lâu đời và uy tín nhất của Pakistan là DAWN xuất bản bài viết "Cuộc chơi -chiến tranh của Trump" (Trump’s war games) của nhà báo Zahid Hussain.
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về nguy cơ một cuộc chiến tranh khu vực Trung Đông trong những ngày gần đây, cũng như quan điểm của Pakistan, một quốc gia Hồi giáo Nam Á về cuộc chiến này, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
10 phút trước cuộc đại chiến khu vực Trung Đông, ông Trump nghĩ gì?
Thế giới rõ ràng chỉ còn 10 phút trước khi chứng kiến một cuộc chiến tranh khu vực do Mỹ phát động nhằm vào Iran, rất may là Tổng thống Donald Trump, người nắm "chìa khóa" đã quyết định ngừng cuộc tấn công.
Có thể có một số lý do quan trọng khác đã khiến ông Trump quyết định rút lui, nhưng chắc chắn không phải là thái độ nhân đạo đối với khả năng hàng trăm người Iran sẽ thiệt mạng như ông tuyên bố.
Một người đàn ông ở Tehran đọc một tờ báo có hình Tổng thống Trump trên trang nhất.
Mối đe dọa của ông Trump về việc xóa sổ Iran có thể được phóng đại nhưng nguy cơ căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát ở hiện tại đang khó có thể đảo chiều. Một đám mây chiến tranh vẫn treo lơ lửng trên khu vực Trung Đông.
Màn biểu dương lực lượng quân sự của Mỹ trong khu vực và một đợt trừng phạt mới đối với Iran là những dấu hiệu đáng lo ngại. Sự thiếu hiểu biết lẫn nhau được cho là sẽ tiếp diễn và làm trầm trọng thêm tình hình ở một khu vực cực kỳ biến động.
Lời kêu gọi chiến tranh của ông Trump đã khiến địa chính trị rơi vào tình trạng tương tự như một "cơn sốt".
Một cuộc chiến mới của Hoa Kỳ ở Trung Đông nhằm vào Iran được hứa hẹn sẽ còn thảm khốc hơn nhiều nếu so với cuộc xâm lược ở Iraq. Nó chắc chắn sẽ kéo các thế lực lớn khác vào cuộc chiến.
Và nó sẽ là một canh bạc khổng lồ và tốn kém cho chính quyền của ông Trump. Ông Trump có thể đã lùi bước trước cuộc tấn công Iran vào những giây phút cuối cùng.
Nhưng không ai biết điều gì xảy ra tiếp theo với vị Tổng thống Mỹ "không thể đoán trước được hành vi" cũng như không thấy bất kỳ dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng.
Tướng IRGC Souleiman trong một cuộc họp với dân quân Shia Iraq.
Tấn công Iran, một cuộc chiến định hình đồng minh của Mỹ và chiến tranh tôn giáo?
Bất kỳ cuộc phiêu lưu quân sự nào chống lại Iran sẽ khiến Washington nhận được sự xa lánh bởi đồng minh Châu Âu, các quốc gia vốn đã bất bình với chính quyền của ông Trump về lập trường đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.
Châu Âu cũng như Trung Quốc và Nga đang đổ lỗi cho Trump vì đã thúc ép Iran hướng tới việc hủy bỏ một thỏa thuận hòa bình đang hoạt động.
Thái độ ủng hộ và thúc đẩy của Arab Saudi trong chiến dịch chống Iran của ông Trump là quá rõ ràng. Chiến tranh giữa Mỹ - Iran có thể làm bùng nổ cuộc chiến ủy nhiệm đang diễn ra giữa Arab Saudi và Iran và dẫn tới một cuộc chiến tranh tôn giáo dai dẳng ở Trung Đông.
Arab Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác theo Hồi giáo Sunni liên kết với Hoa Kỳ chống lại Iran và các nhóm Hồi giáo Shia, tình hình lúc này sẽ trở nên vô cùng phức tạp.
Các quan chức của Arab Saudi luôn coi Iran là 'kẻ thù nguy hiểm nhất'. Chiến dịch chống Iran cúng đã đưa Arab Saudi và Israel đến gần với nhau. Cả hai nước đã hoan nghênh quyết định của ông Trump về việc đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Ở ông Trump, họ đã tìm thấy một đồng minh hoàn hảo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc vương Arab Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud tại Riyadh năm 2017.
Yemen, Afghanistan và vai trò của Iran
Kịch bản xung đột đã được cả hai phía Mỹ-Iran chuẩn bị từ lâu, đặc biệt là sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015.
Các cuộc tấn công vào tàu chở dầu ở vịnh Oman và máy bay không người lái bị bắn rơi ở eo biển Hormuz là các động thái leo thang có thể khiến "giọt nước làm tràn ly".
Trong nỗ lực gây sức ép với Iran, chính quyền Trump hồi đầu năm 2019 đã tái kích hoạt một số lệnh trừng phạt đã được rút lại sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Trong một động thái chưa từng có, Washington cũng tuyên bố lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là một nhóm khủng bố.
Lần đầu tiên trong lịch sử, lực lượng an ninh của một quốc gia bị coi là tổ chức khủng bố. Lệnh trừng phạt mới nhất đối với các lãnh đạo và chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran có thể không ảnh hưởng nhiều, nhưng các động thái này nhằm thắt chặt hơn nữa "dây thừng" quanh cổ Iran.
Tất cả những hành động trừng phạt đó đã thất bại trong việc buộc Tehran phải đến bàn đàm phán và đồng ý với các điều kiện của Trump.
Chính phủ Iran tiếp tục thách thức bằng việc tuyên bố sẽ xem xét lại các cam kết của mình theo thỏa thuận hạt nhân đặc biệt là quá trình làm giàu uranium.
Trong khi đó, các cuộc tấn công tên lửa gần đây của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn chống lại Arab Saudi đã làm gia tăng thêm căng thẳng.
Từ một lực lượng vũ trang giáo phái, giờ đây với định hướng của Iran, lực lượng Houthi càng ngày càng giống lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
Saudi đã tham gia sâu vào cuộc chiến hủy diệt ở Yemen và gây thiệt hại lớn về nhân mạng. Cuộc khủng hoảng Yemen cũng đã tạo cơ hội cho Arab Saudi củng cố một liên minh chống Iran.
Sự phản ứng thái quá của các nước Arab đối với cuộc khủng hoảng Yemen dường như đã được kích hoạt bởi "mối đe dọa Iran".
Iran có kết nối với cuộc nổi dậy của Houthi, nhưng họ chắc chắn không phải là kẻ chủ mưu. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng Yemen bắt nguồn từ sự chia rẽ và lịch sử chính trị và bộ lạc nội bộ của nó.
Tuy nhiên, một số tuyên bố phát ra từ Tehran đã củng cố mối lo ngại về trò chơi quyền lực của Iran trong khu vực.
Thật thú vị, Israel đã ngầm ủng hộ chiến dịch can thiệp quân sự do Saudi dẫn đầu ở Yemen. Cả hai nước dường như thống nhất trong quan điểm của họ về sự can dự của Iran vào tình trạng bất ổn Yemen là "một động thái chiến lược để thống trị khu vực".
Sự leo thang của Mỹ chống lại Iran cũng có thể có ý nghĩa tương tự đối với các cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan đang diễn ra.
Iran có uy tín rất lớn ở Afghanistan và sự hỗ trợ của họ là vô cùng quan trọng để bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào thành công. Các quan chức Mỹ từ lâu đã cáo buộc Tehran cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Taliban.
Trong bài báo xuất bản 7/2018, tờ TIME cáo buộc Iran đang huấn luyện và trang bị cho lực lượng Taliban trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Afghanistan.
Xung đột cấp thế giới từ Iran thông qua Pakistan - Ấn Độ mà bùng nổ
Tình hình hiện tại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng với Pakistan. Mặc dù hành động cân bằng tinh tế của nước này trong ngoại giao đã giúp sự ổn định trong quá khứ nhưng nếu một cuộc chiến tranh tôn giáo diễn ra, Pakistan sẽ khó thoát khỏi "đám cháy bên cạnh".
Không bao giờ dễ dàng để tỉnh táo trong mê cung của chính trị và các trật tự luôn thay đổi của Trung Đông nhưng nó càng trở nên khó khăn hơn đối với Pakistan với viễn cảnh cuộc chiến tôn giáo giữa Arab Saudi và Iran đang nóng lên.
Pakistan và Afghanistan là nước láng giềng Nam Á của Iran nhưng họ sẽ khó tránh khỏi việc trở thành bàn đạp để tấn công Iran.
Một thách thức lớn đối với Pakistan là cần có lập trường vững chắc trước bất kỳ sự xâm lược nào của Mỹ nhắm vào Iran trong khi duy trì tính trung lập trong cuộc đấu tranh quyền lực của Arab Saudi và Iran ở Trung Đông.
Pakistan đã ở trong những tình huống tương tự những năm 1980 trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq và gần hơn là trong cuộc nội chiến Yemen.
Tuy nhiên tình hình lần này phức tạp hơn, do sự phụ thuộc ngày càng tăng về chính trị và kinh tế của Pakistan vào Arab Saudi và các nước Hồi giáo Sunni vùng Vịnh khác.
Bên cạnh đó, Pakistan cũng là một phần của lực lượng liên minh do Saudi dẫn đầu. Mặc dù được cho là một lực lượng chống khủng bố, nhưng thế giới thường nhìn họ như là một liên minh của Hồi giáo Sunni chống lại Iran, quốc gia Hồi giáo Shia.
Tham gia vào cuộc xung đột được cho là thảm họa đối với Pakistan, và khi quốc gia này yếu đi - kẻ địch của họ là Ấn Độ có thể sẽ khai thác điểm yếu đó.
Cuộc chiến tranh nhằm vào Iran, ban đầu có thể là chiến tranh tôn giáo ở Trung Đông, nhưng có thể sẽ là khởi đầu của một cuộc xung đột cấp thế giới với nhiều diễn viên trong một loạt các cuộc đụng độ vì quyền lợi.
Pakistan đã từ chối ủng hộ chiến dịch quân sự can thiệp vào Yemen bởi liên minh quân sự do Arab Saudi đứng đầu năm 2015.