Những con số khiến thiên hạ phải giật mình
Sau khi thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ" và đưa quân đội vào tham chiến tại miền Nam Việt Nam, lượng vũ khí và quân trang quân dụng để bảo đảm cho đội quân này tăng lên theo cấp số nhân và càng ngày càng lớn.
Theo các tài liệu thống kê để lại cho biết: Lượng đạn dược được chuyển đến Việt Nam trung bình khoảng 40.000 tấn/tháng trong năm 1966, một năm sau số lượng đã tăng lên gần gấp đôi đạt 75.000 tấn/tháng vào năm 1967.
Đầu năm 1968 số lượng vận chuyển đã tăng lên đến 90.000 tấn/tháng, đến giữa năm 1968 số lượng đã vượt quá 100.000 tấn/tháng.
Đấy mới chỉ là khối lượng đạn dược. Còn để phục vụ đầy đủ cho một đội quân nhà nghề "được trang bị tới tận răng" như quân đội Mỹ thì còn biết bao nhiêu thứ quân trang, quân dụng khác.
Từ các phương tiện chiến tranh như máy bay, xe tăng, pháo cối... cùng với khí tài vật tư dự trữ phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng trang bị cho đến lương thực thực phẩm, quân trang quân dụng, đồ dùng sinh hoạt... của mỗi người lính còn cao gấp nhiều lần con số đó.
Trong khi đó, theo yêu cầu của Bộ tư lệnh quân viễn chinh Mỹ tại Nam Việt Nam thì số lượng vật chất dự trữ phải đảm bảo đủ cho quân đội sử dụng ít nhất là 6 tháng.
Và đó chính là lý do bức bách mà Mỹ phải tiến hành xây dựng Tổng kho dự trữ chiến lược tại Long Bình - một địa điểm vừa thuận lợi cho quá trình tiếp nhận hàng hóa, đồng thời cũng có thể nhanh chóng tiếp tế cho cả 4 vùng chiến thuật và Biệt khu Thủ Đô.
Tổng kho và căn cứ Long Bình nhìn từ trên cao.
Với quy mô như vậy, Tổng kho Long Bình được xây dựng trên diện tích khoảng 24 km2 với hàng chục phân kho. Mỗi phân kho bao gồm hàng chục dãy nhà kho cả nổi cả chìm tùy theo loại hàng hóa mà nó chứa trong đó.
Các nhà kho nổi thường được làm bằng nhà thép tiền chế khẩu độ rộng với chiều dài từ vài chục đến hàng trăm mét. Còn các kho chìm dùng để chứa bom đạn, hóa chất... thì thường có mái vòm bằng tôn dày, sau đó đổ đất lên trên.
Xung quanh các nhà kho thường có lũy đất hoặc thùng phuy sắt đổ đất xếp chồng lên nhau bảo vệ. Một số hàng hóa cồng kềnh, nặng nề như máy bay trực thăng, xe tăng, xe thiết giáp - nhất là số cũ hỏng đem về đổi và sửa chữa thì để ở ngoài trời...
Để ra vào tổng kho (TK) có 12 cổng mở theo nhiều hướng khác nhau với hệ thống đường sá rất hiện đại. Hàng ngày có hàng ngàn chuyến xe trọng tải lớn ra vào song không bao giờ có hiện tượng ùn tắc xảy ra.
Với khối lượng hàng hóa tàng trữ trong kho lên đến hàng chục triệu tấn, TK Long Bình trở thành kho dự trữ chiến lược lớn nhất ngoài nước Mỹ của quân đội Hoa Kỳ và được quản lý bằng máy tính IBM 360/50- một trong những hệ thống máy tính hiện đại nhất thời đó.
Do tính chất quan trọng như vậy, TK Long Bình được bảo vệ hết sức cẩn mật và nghiêm ngặt. Xung quanh TK có hàng rào dây thép gai từ 7 đến 12 lớp; giữa các hàng rào dây thép gai đều bố trí mìn nhiều loại. Phía trong và ngoài hàng rào đều bị phát quang.
Phía trong hàng rào có đường dành cho xe tuần tra. Dọc đường tuần tra, cứ vài trăm mét lại có một tháp canh, trên đó được trang bị đèn pha cực mạnh để chiếu sáng ban đêm. Giữa các phân kho cũng có hàng rào dây thép gai.
Toàn bộ phần bên trong kho gần như không có cây xanh lớn, chỉ có loại cỏ Mỹ mà lá sắc như dao. Đảm nhiệm công tác bảo vệ kho thường xuyên là 2000 sĩ quan, binh lính.
Ngoài ra, còn một số đơn vị chiến đấu cũng có doanh trại trong khuôn viên kho nhưng được ngăn cách đặc biệt với kho hàng.
Có điều không hiểu sao trong khi các nhà kho xây dựng rất vững chắc, lâu bền thì nhà ở của sĩ quan, binh lính và nhân viên trong kho lại khá đơn giản và có vẻ ngắn hạn. Đó thường là loại nhà làm bằng gỗ xẻ lợp tôn.
Lính Mỹ tại Tổng kho và căn cứ Long Bình.
Các thanh gỗ kích thước 15 x 6 cm được lắp ghép thành khung nhà (chỗ nào là cột thì ghép 2-3 thanh bằng đinh rồi bắt bu- lông xuống nền bê tông), mặt trong vách dùng gỗ dán, mặt ngoài gỗ xẻ "lợp" như vẩy cá.
Giữa hai lớp là chất chống nóng khá giống mùn cưa. Sàn cũng bằng gỗ xẻ và trải một lớp nhựa mỏng. Nhà ở của sĩ quan thường là nhà 2 tầng, phòng có máy điều hòa nhiệt độ; còn binh sĩ và nhân viên thì ở nhà 1 tầng, khu vệ sinh chung.
Mặc dù được bảo vệ như vậy song TK Long Bình cũng đã bị đặc công Quân giải phóng (QGP) "hỏi thăm" nhiều lần và cũng tổn thất đáng kể. Một số trận đánh tiêu biểu như:
Trận đánh ngày 23.6.1966, phá hủy 40.000 viên đạn pháo.
Đêm 03.02.1967, làm nổ tung 40 dãy nhà kho, phá hủy 800.000 viên đạn pháo.
Ngày 13.8.1972, phá hủy 17 dãy nhà, thiêu hủy 15.000 tấn bom đạn, xăng dầu, diệt 300 địch.
Ngày 14.12.1972, phá hủy gần 200 xe quân sự.
Từ khi thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", quân đội Mỹ giảm dần sự hiện diện tại chiến trường miền Nam. Cho đến khi Hiệp định Pa- ri được ký kết, quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam thì TK Long Bình cũng từng bước được bàn giao cho quân lực Việt nam Cộng Hòa (VNCH).
Khi về tay VNCH, lượng hàng hóa trong kho vẫn còn tương đối phong phú nên quân lực VNCH vẫn khá dồi dào về nhiên liệu, đạn dược.
Các tài liệu lưu trữ cho thấy: Tháng 2.1973, quân lực VNCH đã sử dụng 78.000 tấn bom đạn - nghĩa là gần bằng những tháng cao điểm khi còn quân Mỹ. Trong cả năm 1973, VNCH sử dụng 326.000 tấn bom đạn, nhiều nhất từ trước đến lúc ấy.
Tuy nhiên, của kho không vô tận. Cùng với lượng viện trợ của chính phủ Mỹ giảm dần từ 1,4 tỷ USD/ năm xuống 700 triệu, rồi 300 triệu USD/ năm, lượng hàng hóa viện trợ cũng giảm sút nhanh chóng.
Theo hồi ký của TS Nguyễn Bá Cẩn, một trợ lý thân cận của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì từ năm 1973 trở đi, lượng hàng hóa, vật tư dự trữ trong TK Long Bình chỉ đủ đảm bảo cho quân đội 3 tháng thay vì 6 tháng như trước đây.
Mùa Xuân năm 1975, sau những thất bại liên tiếp tại địa bàn Quân khu I và II, ông Thiệu chủ trương "trì hoãn chiến" cố giữ lấy quân khu IV và vùng đất còn lại để tìm một giải pháp chính trị nên đã ra lệnh cho quân đội phân tán TK Long Bình về địa bàn Quân khu IV (Miền Tây Nam Bộ).
Tuy nhiên, công việc này được triển khai chậm và thiếu tính tổ chức nên không mấy hiệu quả và thất thoát nhiều.
Hãy nghe một sĩ quan VNCH thuộc Quân đoàn 4 hồi tưởng:
"Ngày 28.4.1975- Ban chỉ huy Trung đoàn đóng tại Trường Trung học Cần Giuộc. Phía trước là đồng ruộng, sau mùa gặt nên đất đã khô và trơ những gốc rạ.
TK Long Bình có lệnh phân tán quân trang quân dụng nên đã đưa xuống đây cả mấy chục chiếc GMC và xe JEEP các loại kèm theo một lệnh miệng: Mỗi xe chỉ có đầy bình xăng, sử dụng chiếc nào đến hết xăng là bỏ luôn.
Vừa xe, vừa gạo và quân trang chất thành những đống cao giữa trời, trên những đám ruộng khô".
Trước tình hình ấy, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, một phân đội đặc công của QGP Miền (B2) được giao nhiệm vụ tiến công TK Long Bình và họ đã hoàn thành nhiệm vụ mà không gặp mấy khó khăn. Từ đó, TK Long Bình thuộc quyền kiểm soát của QGP miền Nam Việt Nam.
Trước sức tấn công mạnh liệt của Quân giải phóng, binh lính VNCH rút chạy thục mạng.
Những tin đồn "vô tiền khoáng hậu"
Do quy mô lớn, lượng hàng hóa phong phú lại được bảo vệ hết sức cẩn mật nên ngay từ khi mới đưa vào sử dụng, TK Long Bình đã được bao bọc trong màn khói vô cùng bí hiểm và gây sự chú ý đặc biệt đối với dân chúng xung quanh nói riêng cũng như cả miền Nam nói chung.
Người ta thì thầm rỉ tai nhau: "TK Long Bình không thiếu một thứ gì, kể cả những loại vũ khí tối tân nhất!". Rồi họ ngó trước, ngó sau và tranh luận với nhau xem trong đó có "bom nguyên tử hay không?".
Lại có người viện dẫn lời của những người quen biết làm "ở trỏng" mà khẳng định chắc nịch: "Trong đó có 2 "mũi tên gẫy" là loại vũ khí tối tân nhất của Mỹ, có sức hủy diệt ngang với bom nguyên tử và vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu".
Người ta còn mắt trước mắt sau rồi thì thầm vào tai nhau: "Ngoài những nhà kho trên mặt đất thì TK Long Bình còn một hệ thống hầm ngầm lớn hơn rất nhiều (có người còn khẳng định rộng đến 300 km2).
Các kho ngầm này có nhiều lớp cửa, khóa cửa có mã khóa bí mật. Nếu mở không đúng sẽ tự hủy và vụ nổ này có thể sẽ tàn phá một nửa thành phố Sài Gòn và toàn bộ thành phố Biên Hòa".
Thật sự đó là những thông tin hết sức hấp dẫn đối với trí tò mò của mọi người và nó cứ thế lan truyền!
Trong khi đó, ngay sau 30.4.1975 TK Long Bình được sử dụng làm nơi đóng quân của hầu hết các đơn vị binh chủng kỹ thuật của Binh đoàn Hương Giang như Lữ đoàn xe tăng 203, các Lữ đoàn Pháo binh, Công Binh và Phòng Không....
Tuy nhiên, các đơn vị này cũng chỉ sử dụng phần doanh trại của các đơn vị quân đội và nhà ở của sĩ quan, binh sĩ, nhân viên tổng kho và không đụng chạm gì đến các phân kho.
Trong thời gian đầu - khi mà công tác bảo vệ kho chưa vào quy củ chặt chẽ thì "lính tráng" các đơn vị cũng giành nhiều thời gian khám phá xung quanh và họ chỉ biết trầm trồ trước sự phong phú, dồi dào của hàng hóa, vật tư chứa chất ở nơi đây.
Riêng về xe quân sự - kể cả tăng thiết giáp và ô tô- đã lên đến gần 1.000 chiếc. Tất nhiên, họ cũng thu một số "chiến lợi phẩm" song chủ yếu là đồ ăn, thức uống cùng một số vật tư phục vụ cho việc bảo quản, bảo dưỡng trang bị mà thôi.
Còn các đơn vị cũng tranh thủ tăng cường vào biên chế của mình một số loại phương tiện vận tải thích hợp.
Một thời gian ngắn sau đó, TK Long Bình được giao cho Tổng cục Kỹ thuật quản lý. Từ đó, công tác bảo vệ và bảo quản được tiến hành chặt chẽ hơn rất nhiều nên hầu hết vật tư, hàng hóa trong TK vẫn còn nguyên vẹn.
Song song với việc đó, một đoàn cán bộ kỹ thuật của QĐND Việt Nam từ Hà Nội vào đã nhanh chóng tiếp quản và khai thác thành công hệ thống máy tính IBM360/50- trong đó có dữ liệu quản lý kho của quân lực VNCH.
Sau khi khai thác thành công - khoảng 1 tháng sau ngày tiếp quản, đoàn công tác đã cung cấp cho Tổng cục Kỹ thuật danh mục toàn bộ hàng còn tồn trong các kho, trong đó kho lớn nhất là Tổng kho Long Bình.
Đây là một thành công lớn trong công tác tiếp quản Tổng kho của QĐND Việt Nam.
Với dữ liệu đầy đủ và lực lượng được tăng cường, công tác quản lý và bảo quản hàng hóa, vật tư trong TK Long Bình đã càng ngày càng đi vào nề nếp, đảm bảo quy trình nghiêm ngặt đối với những chủng loại hàng hóa khác nhau.
Các loại hàng hóa, vật tư phù hợp đã được huy động phục vụ cho việc sửa chữa trang bị vũ khí. Đặc biệt là phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế.
Một số phế liệu hoặc vật tư lưỡng dụng có thời hạn cũng được thanh lý để dùng vào mục đích dân dụng như lốp xe cũ, nhựa đường...
Thời kỳ đổi mới, một phần diện tích của TK Long Bình cũ đã được sử dụng cho mục đích khác như xây dựng khu công nghiệp, doanh trại quân đội, nhà ở cho cán bộ- nhân viên...
Tuy nhiên, phần lớn diện tích vẫn tiếp tục được sử dụng làm kho của Quân đội, vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt và vẫn có phần kỳ bí như xưa.
Trong điều kiện đó, những tin đồn xung quanh cái Tổng kho bí ẩn vẫn tiếp tục được lan truyền rộng rãi, nhất là khi có một sự kiện nào đó như cháy, nổ xảy ra quanh khu vực đó.
Nào là: "Việt nam đã nhờ cả Liên Xô mở khóa các kho ngầm, một số chuyên gia đã bị hy sinh song vẫn không thành công!".
Nào là: "Sau khi quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ được bình thường hóa, phía Mỹ đã đề nghị Việt Nam cho họ mở khóa với điều kiện sẽ "cưa đôi" những thứ trong đó- riêng 2 "mũi tên gẫy" phải trả về cho họ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà phía Việt Nam không đồng ý"... v.v... và v.v...
Những tin đồn về TK long Bình không chỉ tồn tại trong nước mà cả ở nước ngoài- nhất là ở Mỹ. Thậm chí một tờ báo Mỹ còn đưa tin:
"Năm 2001, Mỹ từng cử 1 đội biệt kích thuộc quân đoàn Gost Recon và Skull tham gia chiến dịch thu hồi 2 "mũi tên gãy" ở VN nhưng nhiệm vụ thất bại. Toàn bộ 12 binh sĩ Mỹ hi sinh tại Long Bình do bị phát hiện. Tất cả thi thể 12 binh sỹ đều bị tiêu huỷ hoàn toàn".
Không loại trừ sẽ còn nhiều lời đồn đoán "vô tiền, khoáng hậu" nữa về bí ẩn Tổng kho Long Bình tùy theo trí tưởng tượng của tác giả. Thôi thì ai tin cứ tin! Còn Tổng kho Long Bình thì vẫn thế mà thôi!