Từ 1,5 tỷ USD và 4 tàu Sigma-9814...
Theo tiết lộ của ông Dương Quốc Việt - Phó TGĐ Tổng công ty Sông Thu, Việt Nam và phía đối tác Damen (Hà Lan) đã thỏa thuận sẽ đóng 4 tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Sigma cho Hải quân Việt Nam. Trong đó, 2 chiếc đầu tiên sẽ đóng ở Hà Lan, 2 chiếc còn lại sẽ do Sông Thu tự đóng ở trong nước.
Mọi công tác chuẩn bị của Sông Thu đã hoàn tất để triển khai đóng Sigma ở Việt Nam, và nếu suôn sẻ, theo biểu tiến độ đề ra thì tháng 4/2016 vừa rồi, chiếc tàu chiến mặt nước tàng hình thuộc loại hiện đại nhất Thế giới đã được hạ thủy tại Đà Nẵng.
Rất tiếc, dù đã có thỏa thuận tương đối chi tiết giữa 2 bên, nhưng đến phút chót, vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan mà Dự án đóng tàu Sigma đã bị tạm hoãn, chưa biết bao giờ mới có thể khởi động lại. Vậy 4 tàu Sigma (phiên bản Sigma-9814) nếu được ký sẽ có giá bao nhiêu?
Năm 2013, thông tin từ Tập đoàn Damen cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam về việc đóng 2 tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Sigma. Mặc dù không tiết lộ giá trị hợp đồng, nhưng một số thông tin cho rằng thỏa thuận này có thể lên tới hơn nửa tỷ Euro.
Nếu quy đổi tại thời điểm đó, 2 tàu này sẽ có trị giá chừng gần 700 triệu USD. Được biết, Dự án Đóng tàu Sigma của Việt Nam được Chính phủ Hà Lan hết sức ủng hộ và tạo điều kiện, sẵn sàng cho vay ưu đãi với lãi suất thấp.
Như vậy, thông tin này hoàn toàn khớp với những thông tin gần đây cho biết chiếc tàu Sigma số 1 đóng tại Việt Nam sẽ được hạ thủy vào tháng 4/2016.
Mọi sự chuẩn bị đã xong, nếu được đặt ky vào cuối năm 2014 thì không lý gì "nó" (chiếc đầu tiên) lại chưa được hạ thủy tại Vịnh Mân Quang (Đà Nẵng).
Tất nhiên, tiến độ đóng tàu tên lửa tàng hình phức tạp với nhiều vũ khí trang bị hiện đại chắc chắn sẽ lâu hơn nhiều so với đóng tàu cảnh sát biển đa năng theo thiết kế DN-2000 cũng do Tập đoàn Damen chuyển giao.
Nhưng hoàn toàn có thể tin rằng, với kinh nghiệm đóng tàu theo module mà Sông Thu đã tiếp nhận thành công, chắc chắn tiến độ hạ thủy sau 1 năm rưỡi kể từ khi bắt đầu khởi đóng có thể hoàn thành trong tầm tay.
Đặc biệt hơn, theo thông tin chính thức, Việt Nam không phải chỉ đặt mua 2 chiếc mà là tới 4 chiếc tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Sigma. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẵn sàng chi cỡ 1,5 tỷ USD cho Dự án đầy tham vọng này.
Đó là chưa kể chi phí đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy moc thiết bị công nghệ hiện đại. Con số này có thể lên tới hàng trăm triệu USD nữa. Tất nhiên, nếu không đóng tàu Sigma thì cũng không hề có chuyện dư thừa năng lực của Sông Thu.
Bởi lẽ, cơ sở đóng tàu hiện đại nhất Việt Nam này liên tục giành được rất nhiều hợp đồng đóng tàu xuất khẩu, trong đó có tàu quân sự rất phức tạp đòi hỏi trình độ cao, và nhất là vẫn triển khai đóng thêm nhiều tàu cảnh sát biển đa năng DN-2000 và sắp tới là DN-4000.
Tổng công trình sư Viktor N. Kashkin (áo trắng) phụ trách Dự án tàu hộ vệ tên lửa 11661 đang giải đáp câu hỏi của các học viên HQVN theo học tại Saint Peterburg tại Triển lãm Hải quân quốc tế năm 2013 (MVMS-2013).
... đến 1,5 tỷ USD đổi được bao nhiêu tàu Gepard-3.9?
Theo Thời báo Kinh doanh Nga, ông Vitaly Volkov, Giám đốc điều hành Zelenodolsk phát biểu:
"Ukraine từ chối cung cấp động cơ. Tình hình thật bi đát. Cảm ơn Việt Nam vì họ đã giúp chúng tôi giải quyết vấn đề này. Chúng tôi có lẽ cũng giải quyết được nhưng chi phí không hề rẻ".
Đó chính là là niềm tin khiến quan hệ đối tác giữa Việt Nam - Nga mà cụ thể là giữa Hải quân Việt Nam và Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk ngày cảng trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết. Do vậy, Việt Nam đặt mua thêm các tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Gepard-3.9 là hoàn toàn có cơ sở.
Ta hãy thử làm một phép tính đơn giản, nếu 4 tàu Sigma được đóng, thêm 6 tàu Gepard-3.9 từ Nga (trong đó cặp tàu thứ 3 đang chuẩn bị ký hợp đồng) thì đến 2020, Hải quân Việt Nam có thể sở hữu tới 10 tàu hộ vệ tên lửa hiện đại có choán nước cỡ trên 2.000 tấn một chút.
Khi đó, thế và lực của Hải quân Việt nam đã mạnh lên rất nhiều, có sức răn đe và sức chiến đấu lớn, đủ sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng chiều lòng người, giá như không có chữ "nếu" thì mọi chuyện đã khác!
Tuy nhiên, hãy giả thiết rằng dừng đóng Sigma, ta chuyển số tiền đó sang cho Gepard-3.9 thì Hải quân Việt Nam sẽ có thêm bao nhiêu tàu chiến hiện đại có choán nước 2.000 tấn?
Căn cứ theo hợp đồng đóng cặp tàu Gepard thứ 2 trị giá chừng 700 triệu USD thì đơn giá 1 chiếc rơi vào tầm 350 triệu USD, tương đương với chi phí đóng 1 tàu Sigma.
Như vậy, 1,5 tỷ USD có thể đổi được 4 tàu Gepard. Khả dĩ nhất là cặp tàu thứ 3 (chiếc số 5 và 6) sẽ được đóng ở Nga, cặp tàu thứ 4 (chiếc số 7 và 8) được đóng ở Việt Nam.
Bởi lẽ, hiện nay cơ sở mới của Ba Son còn đang được triển khai xây dựng, dự kiến phải đến năm 2018 mới chính thức đi vào sản xuất.
Giá của mỗi tàu Gepard-3.9 sẽ tăng hoặc giảm tùy theo cấu hình được lựa chọn và phụ thuộc vào nơi đóng, nếu tại Nga thì chi phí có thể cao hơn so với đóng ở Việt Nam.
Vẫn biết đây chỉ là giả thiết, nhưng xét cho cùng, Gepard-3.9 là lớp tàu đa năng hiện đại, có nhiều ưu điểm và những biến thể chuyên biệt cùng các cấu hình vũ khí trang bị tiên tiến, đáng để Việt Nam lựa chọn để đặt mua thêm với số lượng lớn, trong đó có một số tàu đóng tại Việt Nam.