Tỏi được xem là loại thực phẩm chứa nhiều "kháng sinh tự nhiên" có khả năng kháng khuẩn, chống viêm, tẩy giun, tăng cường chức năng tiêu hóa, nâng cao thể chất, phòng trừ hiệu quả bệnh đường ruột.
Tỏi có khả năng phòng ngừa ung thư đại trực tràng
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học New Zealand cho thấy, một ngày ăn một củ tỏi có thể phòng ngừa được bệnh ung thư đại trực tràng.
Ngoài ra, chất allicin trong tỏi có khả năng giúp giảm huyết áp, điều hòa mỡ máu (cholesterol), chống xơ cứng động mạch và chống ung thư hiệu quả.
Không nên lạm dụng tỏi
Mặc dù tỏi có khả năng phòng ngừa bệnh rất tốt nhưng không nên lạm dụng, trong bộ "Thần nông bản thảo kinh" đời Hán của Trung Quốc có viết: "Những người nóng trong dạ dày, gan thận hư, khí huyết kém không nên ăn tỏi".
Từ điển bách khoa y học "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân, Trung Quốc viết: "Tỏi gây nóng trong, nếu sử dụng lâu dài sẽ làm tổn thương gan".
Tỏi gây nóng trong, nếu sử dụng lâu dài sẽ làm tổn thương gan
Lưu ý khi ăn tỏi
1. Không nên ăn tỏi lúc bụng đang đói
Ăn tỏi lúc bụng đang đói hoặc chỉ ăn mỗi tỏi mà không ăn kèm với thức ăn khác, sẽ khiến niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương, gây viêm dạ dày cấp, loét dạ dày, loét tá tràng. Ngoài ra, nếu ăn nhiều tỏi trong một lần có thể làm tăng axít clohydric trong dạ dày, gây khó chịu.
2. Không ăn nhiều tỏi trong thời gian dài
Tỏi chứa chất làm cho đại tràng bị xơ cứng, giảm chức năng hoạt động của ruột, gây táo bón. Bên cạnh khả năng tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại, tỏi cũng loại bỏ vi khuẩn có lợi, dễ khiến cơ thể thiếu vitamin B2, dẫn đến các bệnh về da như viêm khóe môi (lở miệng), viêm lưỡi…
Ăn nhiều tỏi trong thời gian dài dễ khiến cơ thể thiếu vitamin B2, dẫn đến các bệnh về da như viêm khóe môi
3. Người bị bệnh viêm gan không nên ăn nhiều tỏi
Dầu tỏi có thể làm hồng cầu, huyết sắc tố (hemoglobin) trong máu giảm, dẫn đến thiếu máu, điều này không có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh viêm gan.
Đối với những người đang trong thời gian điều trị bệnh thận, tim, bàng quang cũng không nên sử dụng tỏi.
4. Nên ăn tỏi được đập (giã) nát
Tỏi chứa alliin và axít, hai chất này tồn tại tách biệt, tuy nhiên trong tỏi sống allicin chưa tồn tại, nó chỉ xuất hiện khi tỏi được đập nát.
Tiền thân của allicin là alliin. Khi tỏi được đập dập kích thích sự hoạt động của enzyme allinase, alliin có trong tỏi sống biến thành allicin có hoạt tính kháng sinh, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
Ngoài ra, tỏi có tính năng kích thích và tích tụ mạnh, dễ gây tổn hại cho da, tốt nhất không nên dùng trực tiếp ngoài da, không ăn chung tỏi với mật ong.
Để tránh lưu lại "mùi đặc trưng" của tỏi sau khi ăn, bạn có thể uống vài ngụm hoặc nhai một ít chè (trà) khô.
*Theo Sina