Tình tiết bất ngờ suýt đẩy Mỹ, Liên Xô "mộng du" rơi vào chiến tranh hạt nhân

Thi Anh |

Bức thư của lãnh đạo Liên Xô Brezhnev tới khi Nixon đang ngủ và Kissinger đã quyết định không đánh thức Tổng thống Mỹ. Sau đó, Mỹ nâng mức cảnh báo hạt nhân lên Defcon 3.

Dựa vào những tài liệu giải mật thu thập được, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Cardiff Sergey Radchenko đã tìm ra một hướng lý giải cho tình huống cận kề chiến tranh hạt nhân của Mỹ và Liên Xô năm 1973. Dưới đây là phần lược dịch bài viết của ông đăng tải trên New York Times.

---

Một vụ đối đầu hạt nhân. Một nhà lãnh đạo say xỉn. Nhà lãnh đạo khác thì không tỉnh táo. Những thuộc cấp thì vội vã tìm cách né tránh tình trạng tồi tệ nhất.

Đây không phải là nội dung một bộ phim kịch tính về tận thế của Hollywood hay một giai đoạn trong lối ngoại giao thất thường của Tổng thống Trump. Đây là câu chuyện về việc Mỹ và Liên Xô đã đứng bên bờ vực đụng độ hạt nhân như thế nào tại Trung Đông.

Chiến tranh Yom Kippur, diễn ra trong vài tuần lễ vào tháng 10/1973, là một cuộc xung đột ồn ào giữa Israel và liên minh các nước Ả Rập - do Ai Cập, Syria dẫn đầu. Cuộc chiến kết thúc với thắng lợi của Israel, nhưng cho tới 45 năm sau, người ta vẫn băn khoăn về vai trò của 2 cường quốc Chiến tranh Lạnh trong vụ việc.

Những tài liệu mới đây - do Trung tâm Wilson thu thập và chuyển ngữ - cho thấy một Kremlin lộn xộn, nỗ lực tìm cách giúp đỡ Ai Cập, một trong những quốc gia phụ thuộc (client state) quan trọng nhất của Nga.

Suốt nhiều năm qua, người ta cứ nghĩ rằng hành động gay gắt của Liên Xô trong cuộc chiến là mánh khóe nhằm tranh giành ảnh hưởng với Mỹ hoặc nhằm tiếp cận các cảng nước ấm, các mỏ dầu. Tuy nhiên, theo những bằng chứng mới được tiết lộ, đây đơn giản chỉ là một vụ xử lý khủng hoảng kém cỏi.

Bức thư của Brezhnev

Sáng 6/10/1973, lợi dụng Yom Kippur, Ai Cập và Syria bắt đầu một cuộc tấn công phối hợp nhằm vào Israel để giành lại những vùng lãnh thổ đã mất trong cuộc chiến Ả Rập - Israel 6 năm trước đó.

Được Liên Xô hỗ trợ không vận, người Ai Cập và người Syria đã có những lợi thế khá sớm trước khi Israel giành lại được thế chủ động trên chiến trường. Phớt lờ kêu gọi ngừng bắn của Liên Hợp Quốc, Israel tiếp tục dấn tới.

Sau đó 2 tuần tại Washington, trong khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn, Tổng thống Mỹ Richard Nixon buộc Tổng chưởng lý và Phó Tổng chưởng lý từ chức, sa thải công tố viên đặc biệt Archibald Cox. "Cuộc thảm sát Đêm Thứ bảy" này gây ra một cơn bão lửa chính trị và Nixon, đối mặt với cơn giận dữ, đã tìm tới rượu để giải khuây.

Tình tiết bất ngờ suýt đẩy Mỹ, Liên Xô mộng du rơi vào chiến tranh hạt nhân - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Nixon và Ngoại trưởng Mỹ Kissinger. Ảnh: AP

Đêm 24/10, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhận được một lá thư cảnh báo do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev gửi cho Tổng thống Mỹ.

Tình hình ở Trung Đông đã chạm tới mốc nguy hiểm, ông Bzezhnev viết trong bức thư gửi Nixon. Moscow và Washington phải cùng nhau hành động để chế ngự người Israel. Nếu người Mỹ ngần ngại thì có thể Liên Xô sẽ đơn phương hành động và đưa quân tới.

Khi thông điệp của Brezhnev tới, Nixon không được khỏe. Kissinger và Chánh văn phòng Nhà Trắng Alexander Haig quyết định không đánh thức ông ta. Thay vào đó, Kissinger tập hợp một cuộc họp gồm các quan chức cấp cao để tính toán phản ứng của Mỹ. Họ đã nâng mức cảnh báo hạt nhân lên Defcon 3, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Các tài liệu được giải mật tiết lộ rằng, động thái này không chỉ nhằm phản ứng trước sự hiện diện ngày càng gia tăng của hải quân Liên Xô ở Địa Trung Hải như lâu nay người ta vẫn nói, mà còn là phản ứng trước tin tình báo về việc một tàu của Liên Xô chở theo một kiện hàng hạt nhân tiến về cảng Alexandria của Ai Cập.

Kết luận được đưa ra là Moscow đang lợi dụng bê bối Watergate để xâm nhập. Đúng như Kissinger đã nói, "Người Liên Xô cho rằng, theo quan điểm của họ, ông ấy [Nixon] - không có chức năng gì".

Brezhnev thoát khỏi "cơn mộng du"

Ở thời điểm ấy, trong khi lực lượng Mỹ khắp thế giới bước vào mức báo động cao, vẫn có những câu hỏi chưa được trả lời: Vì sao Brezhnev lại làm một việc như vậy? Có phải ông ta chỉ đang giả vờ không?

Nhờ số tài liệu mới được hé lộ, những khúc mắc ấy phần nào được giải mã. Giờ thì người ta đã biết rằng, lời đe dọa triển khai quân đội của Brezhnet không phải là ý tưởng điên rồ duy nhất mà ông có.

Ở giai đoạn cao trào của cuộc khủng hoảng, trước lời khẩn cầu không ngừng từ Tổng thống Ai Cập Anwar el-Sadat (những cuộc gọi tới vào giữa đêm), lãnh đạo Liên Xô đã đề nghị Bộ Chính trị cân nhắc những biện pháp tăng cường, như đưa lực lượng hải quân Liên Xô tới gần Tel Aviv, hoặc tạo điều kiện cho Ai Cập tấn công sâu vào lòng Israel với tên lửa Liên Xô cung cấp.

Những bước đi xông xáo ấy không giống với lối tiếp cận được coi là cẩn trọng của ông Brezhnev về chính sách ngoại giao. Vậy chuyện gì đã xảy ra? Lịch trình thường nhật của Brezhnev - mới được giải mật gần đây - đã tiết lộ một phần câu chuyện.

Tình tiết bất ngờ suýt đẩy Mỹ, Liên Xô mộng du rơi vào chiến tranh hạt nhân - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev. Ảnh: TASS

Kể từ khi cuộc chiến bùng phát, Brezhnev làm việc gần như không kể ngày đêm, tổ chức các cuộc họp Bộ chính trị vào ban ngày rồi lại tiếp các đoàn đại biểu vào ban đêm và thường xuyên điện đàm với Cairo.

Ngày 22/10, Brezhnev tới khu săn bắn ưa thích của mình, Zavidovo, để nghỉ ngơi. Nhưng theo lời các thư ký, ông thức cả đêm, thậm chí còn gọi tới văn phòng ở Điện Kremlin lúc 2 giờ sáng. Chính tại Zavidovo, ông Brezhnev đã soạn bức thư gửi Nixon và cả lời đề nghị với Bộ Chính trị về việc tiến hành các biện pháp mạnh tay hơn.

Bức thư được gửi đi. Nhưng đề xuất về các biện pháp mạnh tay thì lặng lẽ bị dập tắt. Ai đó trong hàng ngũ lãnh đạo Liên Xô nhận ra rằng vị Tổng bí thư đã đi chệch hướng.

Thế rồi, vào ngày 29/10, người đứng đầu cơ quan tình báo KGB Yuri Andropov đã gửi cho Brezhnev một lá thư, cảnh báo rằng người Mỹ và Sadat đã thông đồng lợi dụng ông bằng cách liên tục đẩy ông vào những tình huống quyết định khó khăn.

Đây là "phá hoại", ông Andropov viết trong thư. Người đứng đầu KGB nhấn mạnh: Người Mỹ và người Ai Cập đang cố "khiến chúng ta tập trung vào cuộc xung đột Ả Rập - Israel, đẩy căng thẳng tăng cao với tất cả các bên, đặc biệt là với ông".

Andropov biết một điều mà Henry Kissinger không biết: Brezhnev đã bắt đầu nghiện thuốc ngủ mà loại thuốc này, cùng với rượu, đang hủy hoại khả năng tư duy rõ ràng của ông.

Andropov biết chuyện vài tuần trước khi cuộc chiến ở Trung Đông nổ ra nhưng không muốn can thiệp. Thế nhưng, hành vi thất thường của vị Tổng Bí thư trong cuộc chiến thuyết phục Andropov về mức độ nguy hiểm nếu ông tiếp tục đứng ngoài cuộc.

Một số tình tiết vẫn còn là bí ẩn nhưng Andropov và có thể là nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Liên Xô đã giữ một vai trò thầm lặng trong nỗ lực giúp cho lãnh đạo của mình khỏi mộng du bước vào một cuộc thế chiến.

Brezhnev sớm phục hồi được khả năng tư duy của mình. Việc người Mỹ nâng mức cảnh báo lên Defcon 3 đã khiến ông tỉnh ngộ. Một cuộc chiến tranh hạt nhân với Mỹ do một khách hàng vội vã, không đáng tin cậy ở Trung Đông thúc đẩy là điều cuối cùng Brezhnev mong muốn.

Vậy là Mỹ và Liên Xô đã tìm cách tránh được một cuộc chiến tranh, một phần là nhờ sự can thiệp của Andropov và những nhà lãnh đạo Liên Xô khác, nhưng có lẽ phần nào là nhờ may mắn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại