Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2023 do Tổng cục Thống kê công bố, kinh tế nước ta quý 1/2023 vẫn duy trì mức tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, tăng trưởng nhiều quốc gia suy thoái.
Tốc độ tăng GDP quý 1/2023 đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý 1 năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
Một số địa phương có tốc độ tăng GRDP ở mức cao so với tốc độ tăng GDP như Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận tăng 9,86%; Hải Phòng tăng 9,65%; Khánh Hòa tăng 9,07%; Cà Mau tăng 9,05%; Ninh Bình tăng 8,45%; Tuyên Quang tăng 8,42%; Bắc Giang tăng 8,40%.
Năm 2003, Hậu Giang được tái lập sau khi tỉnh Cần Thơ tách ra thành TP Cần Thơ (thuộc trung ương) và tỉnh Hậu Giang.
Lần đầu tiên Hậu Giang có tăng trưởng quý cao nhất cả nước
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang, phía Bắc của Hậu Giang giáp thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long; phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu; phía Đông giáp tỉnh Sóc Trăng và phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang. Sau nhiều thay đổi về địa giới hành chính, ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc Hội thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh.
Theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang hiện nay. Số đơn vị hành chính cấp huyện thời điểm này gồm 6 đơn vị: thị xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Long Mỹ.
Tính đến đầu năm 2020, số đơn vị hành chính cấp huyện tỉnh Hậu Giang thời điểm này gồm 8 đơn vị: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang, sơ kết công tác quý 1/2023 diễn ra ngày 28/3, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho hay, quý 1 năm nay, phát triển kinh tế tiếp tục là điểm sáng, duy trì đà tăng trưởng cao và đạt kết quả tích cực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng. Đây là lần đầu tiên tăng trưởng quý của tỉnh đạt mức cao nhất cả nước.
So với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10,19% so cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 26,19%; sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng 7,31%.
Đặc biệt, tăng trưởng GRDP đạt mức tăng 12,67%. Đây cũng là lần đầu tiên tăng trưởng quý của tỉnh được xếp đạt mức cao nhất cả nước, các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách trên địa bàn đạt 26,38% dự toán trung ương, đạt 24,96% dự toán HĐND tỉnh. Trong đó, thu nội địa đạt 27,08% dự toán trung ương và đạt 25,46% dự toán HĐND tỉnh giao…
Hậu Giang cần chuyển đổi để tăng trưởng bền vững.
Hậu Giang còn nhiều việc phải làm
"Nhìn chung, trong quý 1/2023 tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang phát triển ổn định, nhiều giải pháp phù hợp được triển khai thực hiện nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn", báo cáo của Cục Thống kê Hậu Giang nêu.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang cũng nhận định, qua tình hình kinh tế quý 1 của tỉnh cho thấy một số điểm cần quan tâm. Đó là các lĩnh vực kinh tế như nông, lâm nghiệp, thủy sản và sản xuất công nghiệp một số ngành có tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Do đó, để thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Cục Thống kê đề nghị ngành chức năng cần có giải pháp nhằm duy trì ổn định sản xuất của các ngành có tăng trưởng tốt trong quý, trong đó đặc biệt quan tâm đảm bảo kế hoạch sản xuất của dự án nhiệt điện.
Song song đó, cần chuyển đổi cơ cấu, phục hồi sản xuất các ngành đang gặp khó khăn. Chẳng hạn như trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, cần tăng cường chuyển dịch cây trồng sang những sản phẩm có giá trị cao, sản phẩm có vòng quay ngắn (rau màu), đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản nhằm giảm dần tỷ trọng của cây lúa trong cơ cấu của khu vực này. Trong lĩnh vực công nghiệp, cần nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các ngành như: thủy sản đông lạnh, sản xuất đồ uống, sản xuất giày dép, sản xuất giấy...
Tỉnh này đang hướng phát triển kinh tế ban đêm trong thời gian tới. Cụ thể, theo Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hậu Giang dự kiến hình thành 3-4 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm.
Phát triển ít nhất 1 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương. Hình thành ít nhất 3 tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 02 - 03 ngày.
Hoạt động kinh tế ban đêm tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 5 - 7%. Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 - 10%/năm. Kinh tế ban đêm góp phần thực hiện mục tiêu thu hút lượng khách du lịch đến Hậu Giang năm 2025 là 700.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 300 tỷ đồng.
Đến năm 2030, hình thành 6 - 7khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm tại Hậu Giang. Phát triển ít nhất 2 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương.
Hình thành ít nhất 4 tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 2 - 3 ngày. Hoạt động kinh tế ban đêm tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 7% trở lên. Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 12 - 13%/năm. Năm 2030 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.