Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2023 ước tính giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,38%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,6%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm.
Tính chung quý I/2023, IIP ước tính giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%) do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.
Xét theo địa phương, báo cáo cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Cụ thể, Tuyên Quang - một tỉnh miền núi thuộc vùng trung du - miền núi phía Bắc, ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 3/2023 tăng 26,71% so với tháng trước, tăng 9,75% so với cùng kỳ. Tính chung trong quý I/2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh tăng 18,01% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Tuyên Quang là địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý I/2023.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê địa phương, để đạt được kết quả như trên, trong quý I/2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Điện thương phẩm tăng 6,82%; bột Felspat tăng 2,37%; xi măng tăng 0,78%; nước máy thương phẩm tăng 8,65%; giấy in viết, photo thành phẩm tăng 23,67%; gỗ tinh chế tăng 14,96%; thép cây, thép cuộn đạt tăng 100,48%,...
Mặc dù vậy, vẫn có một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Điện sản xuất giảm 13,04%; đường kính giảm 21,93%; bột ba rít giảm 50,47%; hàng may mặc xuất khẩu giảm 8,46%; giày da giảm 4,77%,...
Nếu chia theo từng ngành kinh tế cấp I, báo cáo cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh tăng 22,64%, do một số ngành chế biến tăng như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 22,06%; da và các sản phẩm có liên quan tăng 76,31%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 42,95%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 23,95%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 108,6%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 15,92%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 57,74%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 39,2%,...
Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,97%, do nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của hộ gia đình và doanh nghiệp ngày càng tăng. Công ty Cổ phần Cấp thoát nước đã tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ xử lý nước nhằm bảo đảm các trạm sản xuất cấp nước ổn định.
Trong khi đó, ngành khai khoáng giảm 12,1%. Nguyên nhân từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác đá, cát, sỏi và khai thác khoáng hóa chất giảm so cùng kỳ do từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà diễn ra khá chậm do những khó khăn, tác động của thị trường bất động sản, giá vật liệu xây dựng có nhiều biến động nên sản lượng khai thác đá, cát sỏi một số công ty giảm so với cùng kỳ. Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,08%, do lượng mưa từ đầu năm đến nay ít hơn so với mức trung bình hằng năm; các hồ thủy điện hiện đang ở mức trữ nước thấp.
Bên cạnh Tuyên Quang, một số địa phương cũng có chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý I/2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Thái Bình (13,9%), Quảng Trị (13,8%), Hải Phòng (13,1%), Hậy Giang (13,1%), Hải Dương (12,3%), Nam Định (12,2%), Kon Tum (11,5%), Phú Yên (11,3%) và Bắc Giang (10,5%).