Theo Cổng thông tin Thanh Hoá, Thanh Hóa hiện có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm hai thành phố Thanh Hóa và Sầm Sơn; hai thị xã Bỉm Sơn, Nghi Sơn và 23 huyện. Đây là tỉnh có số huyện nhiều nhất cả nước.
Thanh Hóa nằm ở cực Bắc Miền Trung, cách Thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.560km. Phía Bắc giáp với ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình, phía Nam giáp tỉnh Nghệ An, phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào), phía Đông là Vịnh Bắc Bộ.
Thanh Hóa có 102 km bờ biển với những bãi cá, bãi tôm có trữ lượng lớn. Dọc bờ biển có 5 cửa lạch lớn, thuận lợi cho tàu thuyền đánh cá ra vào. Đây cũng là những trung tâm nghề cá của tỉnh. Ở vùng cửa lạch là những bãi bồi bùn cát rộng hàng ngàn ha, thuận lợi cho nuôi trồng hải sản, trồng cói, trồng cây chắn sóng và sản xuất muối.
Diện tích nước mặn ở vùng biển đảo Mê, Biện Sơn có thể nuôi cá song, trai ngọc, tôm hùm và hàng chục ngàn ha nước mặn ven bờ thuận lợi cho nuôi nhuyễn thể vỏ cứng như ngao, sò… Vùng biển Thanh Hóa có trữ lượng khoảng 100.000 - 120.000 tấn hải sản, với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh Hóa là một trong số ít các tỉnh ở Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng. Tỉnh có 296 mỏ và điểm khoáng sản với 42 loại khác nhau, nhiều loại có trữ lượng lớn so với cả nước như: đá granit và marble (trữ lượng 2 -3 tỉ m3), đá vôi làm xi măng (trên 370 triệu tấn), sét làm xi măng (85 triệu tấn), crôm (khoảng 21 triệu tấn), quặng sắt (2 triệu tấn), secpentin (15 triệu tấn), đôlômit (4,7 triệu tấn), ngoài ra còn có vàng sa khoáng và các loại khoáng sản khác.
Trong nhiều năm qua, Thanh Hóa luôn nằm trong nhóm những tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu của cả nước. Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%), đứng thứ 7 cả nước sau các tỉnh, thành: Khánh Hòa, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hậu Giang, Hưng Yên và Cần Thơ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch.
Theo số liệu đã được công bố, năm 2022, thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa đạt gần 49.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đang đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. Với gần 49.000 tỷ đồng thu ngân sách, tỉnh Thanh Hóa đã "ghi điểm" khi dẫn đầu trong danh sách các tỉnh Bắc Trung bộ về tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 và xác lập kỷ lục mới.
Ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa có tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt trên 11 triệu lượt khách, gấp 3,2 lần năm 2021, tổng thu du lịch ước đạt hơn 20.000 tỷ đồng, bằng 111,8% kế hoạch, gấp 4 lần năm 2021. Ngoài ra, thu nội địa của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 30.150 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 18.670 tỷ đồng…
Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Mục tiêu là đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.
Về kinh tế, Thanh Hóa phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,1% trở lên. Đến năm 2030, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 57%; dịch vụ chiếm 33,3%; thuế sản phẩm chiếm 4,6%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 USD trở lên; năm 2030 đạt 7.850 USD trở lên.