Mới đây, Văn phòng Chính phủ ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc tầm nhìn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, để triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương có đầy đủ văn bản tham gia ý kiến đối với báo cáo về tình hình triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác 1121 tại văn bản số 1260/BGTVT-KHĐT ngày 13/02/2023 của Bộ Giao thông vận tải.
Trên cơ sở ý kiến các cơ quan liên quan, Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện báo cáo việc nghiên cứu việc chuyển các sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng và kết quả nghiên cứu Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức PPP khai thác các cảng hàng không; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, thời gian chậm nhất là ngày 30/4/2023.
Cảng hàng không Thành Sơn cách di tích Tháp Pô Klong Giarai chỉ vài cây số theo đường chim bay. Trong ảnh, tháp Pô Klong Giarai. Ảnh: Dy Khoa.
Căn cứ các quy định của Luật Quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 30/4/2023. Đồng thời, triển khai lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không Thành Sơn làm cơ sở triển khai đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận triển khai nghiên cứu, lập và đánh giá các phương án đầu tư theo phương thức PPP (trong đó thống nhất với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan về phương án sử dụng đường cất hạ cánh hiện hữu hay xây dựng mới để có phương án xử lý đất đai, tài sản theo quy định) theo các tiêu chí hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn (vốn nhà nước (trung ương, địa phương) và vốn nhà đầu tư) đầu tư Cảng hàng không Thành Sơn; xây dựng Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức PPP khai thác Cảng hàng không Thành Sơn theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, phù hợp với các quy hoạch có liên quan, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (trong đó có việc giao cơ quan có thẩm quyền).
Theo tỉnh này, khi sân bay Thành Sơn được khai thác lưỡng dụng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch... Trong ảnh, sạp đồ ăn địa phương tại huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Dy Khoa.
Kinh tế của Ninh Thuận ra sao?
Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp Biển Đông. Diện tích tự nhiên 3.358 km2, có 7 đơn vị hành chính gồm một thành phố và 6 huyện. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, thành phố loại 2 thuộc tỉnh, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Ninh Thuận, cách TP Hồ Chí Minh 350 km, cách sân bay Cam Ranh 60 km, cách TP Nha Trang 105 km và cách TP Đà Lạt 110 km, thuận tiện cho việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2022, GRDP bình quân đầu người của Ninh Thuận ước đạt 76,8 triệu đồng. Ảnh: Dy Khoa.
Theo báo cáo năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của Ninh Thuận đạt 7,42%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 76,8 triệu đồng; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 20.105 tỷ đồng, đạt 65,9% kế hoạch, giảm 32,8% so cùng kỳ; Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP 16,32%. Năng suất lao động tăng 3,1%. Tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP 9,53%.
Quý 1/2023, một số ngành, lĩnh vực thương mại, du lịch, công nghiệp khai khoáng của Ninh Thuận tiếp tục phục hồi và tăng trưởng cao; sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định có sự tăng trưởng, sản xuất tôm giống tiếp tục phát huy lợi thế và tăng khá. Qua thống kê, Ninh Thuận xếp thứ hạng 16/63 tỉnh, thành; xếp thứ hạng 5/14 tỉnh, thành vùng Duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận).
Mặc dù kinh tế có những bước tiến, song vẫn còn đó một số khó khăn, hạn chế nhất định, đó là tốc độ tăng trưởng thấp so với kế hoạch, chưa có năng lực mới tăng thêm, lĩnh vực năng lượng tăng trưởng thấp; sản lượng khai thác thủy sản giảm do ngư trường không thuận lợi; công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu thủy sản còn khó khăn; tiến độ giải ngân còn thấp; thu ngân sách còn khó khăn, giảm so với cùng kỳ; kế hoạch sử dụng đất, giá đất, các đồ án quy hoạch phân khu chậm ban hành; tình trạng khai thác khoáng sản, xây dựng trái phép chưa được xử lý triệt để; hoạt động doanh nghiệp còn khó khăn…
Để kinh tế của tỉnh khởi sắc và phát triển mạnh trong quý 2, Ninh Thuận cần thực hiện quyết liệt các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc phát sinh để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư và đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm; qua đó để tạo động lực thức đẩy cho cả năm 2023.