Hai ngày qua, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin về các ổ dịch cúm tại các BV Từ Dũ, Bệnh Nhiệt đới, quận Thủ Đức với cảnh báo như sau:
“Từ giờ ra đường các bạn hạn chế đi qua các tuyến đường gần BV Từ Dũ, Nhiệt đới, Thủ Đức nhé! H1N1 đã bùng phát đầu tiên ở Thủ Đức và hiện đã có một người chết vào chiều nay ở Nhiệt đới cùng 80 ca dương tính với H1N1 tại TP.HCM.
Cùng với 3 BV trên thì BV Chợ Rẫy cũng trở thành ổ dịch thứ tư được ghi nhận cách ly. Bà con đọc được status này thì nhớ đeo khẩu trang và thay liên tục nhé! Đừng quên mua cả vitamin C uống tăng đề kháng.
Nhớ rửa tay thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ. Bệnh lây qua đường hô hấp nên phải thật cẩn thận trong khi tiếp xúc với nơi đông người như bệnh viện, trạm xá, trường học, bến xe,...
Nếu có cảm ho sốt thì đi bệnh viện gấp. H1N1 chữa trị được khi được phát hiện sớm. Hy vọng mọi người đề cao tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Một status về 80 ca dương tính với cúm A/H1N1 được chia sẻ chóng mặt. Ảnh chụp màn hình
Thông tin trên đã gây hoang mang không ít người và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Nhiều người bày tỏ sự lo ngại khi ra đường, đến các BV trên.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, minh định: “Ca nhiễm cúm A/H1N1 phát hiện đầu tiên ở BV Từ Dũ nên buộc phải cách ly 80 người gồm người có biểu hiện sốt, thân nhân, nhân viên y tế và người qua lại khu vực phát hiện bệnh để phòng tránh lây lan.
Trên thực tế, chỉ có 28 người nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1, xét nghiệm chính thức 16 người dương tính với cúm A/H1N1 chứ không phải 80 người đều dương tính với cúm A/H1N1”.
Ngoài ra, BS Dũng nhìn nhận người dân có ý thức phòng bệnh là tốt nhưng không nên hoang mang mà cần phải biết đúng các biện pháp phòng bệnh để có thái độ thích hợp.
“Về mặt nguyên tắc, chúng ta cần thực hiện phòng bệnh mọi lúc mọi nơi từ nơi ăn ở, sinh hoạt đến nơi làm việc, học tập để hạn chế tối đa nguy cơ làm chúng ta mắc bệnh.
Bệnh cúm là bệnh xảy ra nhiều vào mùa thu đông, tuy nhiên vẫn xảy ra quanh năm nên việc phòng bệnh phải liên tục, thường xuyên bằng các biện pháp như: đến nơi tập trung đông người gồm nhà trẻ, trường học, rạp chiếu phim, bệnh viện... tập thói quen không khạc nhổ bừa bãi, che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sau đó rửa tay bằng nước và xà phòng hoặc dùng khăn giấy và bỏ vào ngay thùng rác.
Chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vaccine, đặc biệt đối tượng nguy cơ lúc nào cũng phải phòng bệnh, không phải cứ nghe có ca nào mới phòng bệnh, rửa tay bằng nước và xà phòng thường xuyên” - BS Dũng lưu ý.
Theo BS Dũng, những đối tượng khi mắc cúm có nguy cơ diễn tiến nặng là: trẻ em dưới năm tuổi và người lớn trên 65 tuổi; phụ nữ mang thai; người mắc các bệnh mãn tính: bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, béo phì, ung thư, HIV/AIDS hay các hội chứng suy giảm miễn dịch khác...
Một người dân chia sẻ bài viết ở trên kèm status bày tỏ không dám về... Thủ Đức. Ảnh chụp màn hình
Bên cạnh đó, BS Dũng cũng xác nhận trường hợp một phụ nữ mắc cúm A/H1N1 sống ở quận Thủ Đức tử vong do tự điều trị tại nhà không khỏi, đến BV quận Thủ Đức trong thời gian ngắn, chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới đã ở tình trạng nặng và xin về mất ở nhà.
Ngoài ra, một tài xế sống ở Bình Thuận đang được điều trị ở BV Chợ Rẫy.
Tuy nhiên, qua điều tra dịch tễ, đây là hai trường hợp bệnh cúm xảy ra trên đối tượng có nguy cơ cao diễn tiến nặng (béo phì, tiểu đường), không có mối liên hệ dịch tễ với nhau, nguồn lây từ cộng đồng, không phải từ bệnh viện.
Qua hơn 10 ngày giám sát đối với ổ dịch cúm, ở BV quận Thủ Đức không phát hiện trường hợp lây lan mới. Ca nằm ở BV Chợ Rẫy đang được kiểm soát tốt, không có lây lan.
Cũng tương tự vậy, ở BV Từ Dũ, ca bệnh cuối cùng vào ngày 3-6, đến nay qua tám ngày không phát hiện ca bệnh mới.
Về cơ bản, ổ dịch cúm BV Từ Dũ cũng cơ bản được khống chế, tuy nhiên BV vẫn tiếp tục phòng ngừa lây lan và thực hiện giám sát thường quy để kịp thời phát hiện kiểm tra ca mắc mới khác.
Khi bị cúm cần làm gì?
Bệnh cúm A /H1N1 (hay còn gọi là cúm mùa ) là bệnh truyền nhiễm do virus H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh.
Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi.
Bệnh cũng có thể lây gián tiếp khi bàn tay tiếp xúc với một số đồ vật, bề mặt bị dính chất dịch có chứa virus sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng…
Đa số trường hợp bệnh cúm có các dấu hiệu nhẹ sốt cao trên 380C, ho, đau họng, đôi khi cảm thấy mệt mỏi, sổ mũi, đau nhức đầu, đau cơ,… Bệnh tự khỏi sau vài ngày, không cần điều trị đặc hiệu.
Tuy nhiên, trên một số đối tượng bệnh có thể có diễn tiến nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Các dấu hiệu trở nặng như sốt cao hơn, tức ngực, khó thở, tím tái, lừ đừ hay kích thích.
Nếu không có nguy cơ diễn tiến nặng, bệnh nhân cúm hoàn toàn có thể được điều trị tại nhà và tự khỏi trong vài ngày. Trong thời gian này, bệnh nhân nên:
- Nghỉ ngơi ở nhà, không đi học, đi làm trong vòng bảy ngày sau khởi phát vì đây là khoảng thời gian virus cúm đào thải ra môi trường trong vòng bảy ngày.
- Không nên đi đến những nơi tập trung đông người, trừ trường hợp bất khả kháng thì phải mang khẩu trang che kín miệng và mũi, cần thay khẩu trang ngay khi bị ướt.
- Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng.
- Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sau đó rửa tay bằng nước và xà phòng; tốt nhất nên sử dụng khăn giấy, sau đó bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc kháng virus.
- Theo dõi sát các biểu hiện của bệnh và đưa bệnh nhân đến BV ngay khi có các triệu chứng nặng.
(Theo khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM)