Tin buồn với Mỹ: Trung Quốc đang “nắm thóp” tên lửa hành trình Tomahawk

Nam Nguyễn |

Nguồn nguyên liệu quan trọng để chế tạo tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk phần lớn đang nằm trong tay Trung Quốc.

Ngay trong khi tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm 6/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra quyết định không kích Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk.

Theo các chuyên gia, cuộc tấn công đã được chính quyền Trump tính toán kỹ lưỡng. Thế nhưng có một điều mà ông ta nhiều khả năng chưa biết: Mỹ không thể sản xuất loại tên lửa này nếu thiếu Trung Quốc.

Lý do là bởi hệ thống dẫn đường của tên lửa hành trình Tomahawk được triển khai để phá hủy căn cứ không quân ở Al-Shayrat, Syria phụ thuộc nhiều vào các nguyên tố đất hiếm (REE). Hiện nay, Trung Quốc đang gần như độc quyền sản xuất loại nguyên liệu này trên thế giới.

REE được sử dụng để chế tạo nam châm vĩnh cữu, dao động trong bộ thăng bằng của Tomahawk và dẫn đường cho tên lửa đến mục tiêu một cách chính xác. REE cũng xuất hiện trong các tiêm kích phản lực, hệ thống radar và đánh chặn tên lửa. Nam châm vĩnh cửu đã chứng minh là có độ tin cậy cao hơn các hệ thống dẫn đường điện tử.

Nhưng giống như người tiêu dùng Mỹ, Lầu Năm Góc hiện phải dựa hoàn toàn vào Trung Quốc để nhập khẩu 17 loại kim loại và khoáng chất gọi chung là đất hiếm. Sau khi chứng tỏ quyết tâm hành động quân sự ở Syria, Tổng thống Trump sẽ phải nghĩ về việc làm sao đảm bảo nguồn cung tên lửa luôn ổn định.

Tin buồn với Mỹ: Trung Quốc đang “nắm thóp” tên lửa hành trình Tomahawk - Ảnh 1.

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk (TLAM)

Vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ ngừng bán đất hiếm cho Mỹ vì chiến dịch không kích tại Syria. Nhưng chính phủ Mỹ lại đang có động thái cứng rắn với Triều Tiên, trong khi Trung Quốc là đồng minh và nhà bảo trợ kinh tế duy nhất của quốc gia Đông Bắc Á này.

Nếu Tổng thống Trump muốn gửi thông điệp tới Chủ tịch Trung Quốc rằng ông đang cân nhắc hành động quân sự chống lại Triều Tiên, Bắc Kinh có thể sẽ ra quyết định đáp trả, cắt nguồn cung REE cho Mỹ nhiều khả năng sẽ được nước này áp dụng.

Lầu Năm Góc cho biết, 59 tên lửa hành trình Tomahawk đã khai hỏa trong cuộc không kích vào đêm 6/4. Theo ước tính, Mỹ còn 3.000 quả tên lửa loại này trong kho, đây là con số lớn nhưng không phải vô tận.

Ngoài ra REE cũng đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất tên lửa AIM-9 Sidewinder và AIM-154 Phoenix được các chiến đấu cơ của Mỹ sử dụng, cũng như các loại bom thông minh bao gồm JDAM.

Mỹ đã từng tự sản xuất đất hiếm do loại khoáng sản trên vốn có nhiều trên lãnh thổ của họ. Nhưng kể từ khi Trung Quốc bắt tay vào khai thác mà không quan tâm đến các tiêu chuẩn môi trường cũng như an toàn, các doanh nghiệp đất hiếm Mỹ đã không cạnh tranh được và lâm vào cảnh phá sản.

Phụ thuộc vào Trung Quốc để mua nguyên liệu quan trọng với an ninh quốc gia là sự thiếu sót trong chính sách của Mỹ. Washington cần giải bài toán này nếu không muốn rơi vào thế khó khi nổ ra các xung đột tương lai với Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại