Tiết lộ về kho vũ khí khổng lồ Israel thu được sau Chiến tranh 6 ngày: Tài "biến hóa" của người Do Thái

Nhật Huy |

Chiến thắng chớp nhoáng trong Chiến tranh 6 ngày đồng nghĩa với việc Israel thu được một lượng vũ khí khổng lồ từ quân đội các nước Ả Rập.

LTS: Cuộc chiến chớp nhoáng giữa Israel và khối Arab năm 1967 chỉ kéo dài 6 ngày nhưng vô cùng ác liệt, với tổn thất nặng nề cho khối Arab.

Để giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến này, chúng tôi xin giới thiệu tuyến bài "Chiến tranh 6 ngày". Mời quý độc giả đọc các kỳ trước tại đây:

Kỳ 1: Cảnh báo lạnh người từ tình báo Liên Xô

Kỳ 2: Toan tính của các siêu cường

Kỳ 3: Israel bị bao vây từ 3 hướng

Kỳ 4: Chiến dịch Moked

Kỳ 5: Cuộc chiến trên không (P1)

Kỳ 6: Cuộc chiến trên không (P2)

Kỳ 7: Vì sao thiết giáp Israel chịu thiệt hại nặng trong Chiến tranh 6 ngày?

Kỳ 8: Chiến tranh 6 ngày: Mỹ "căng như dây đàn" trước cảnh báo sắc lạnh từ Liên Xô - Thế chiến 3 quá cận kề

Đối với một quốc gia nhỏ và non trẻ như Israel, khả năng trưng dụng, cải tiến, và hoán cải các loại vũ khí thu được từ đối phương có tầm quan trọng sống còn.

Chiến thắng chớp nhoáng trong Chiến tranh 6 ngày đồng nghĩa với việc nước này thu được một lượng vũ khí khổng lồ từ quân đội các nước Ả Rập và có thể biên chế một phần lớn trong số đó vào cơ cấu trang thiết bị của mình.

Vũ khí cá nhân

Israel thu được một lượng lớn vũ khí cá nhân như AK-47, AKM, PKM, RPG-7. Trong đó các dòng súng trường AK và trung liên PKM được trang bị cho đơn vị biệt kích hải quân và vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay vì khả năng kháng nước. RPG-7 được sử dụng trong một số đơn vị bộ binh cho đến những năm 1990.

Tiết lộ về kho vũ khí khổng lồ Israel thu được sau Chiến tranh 6 ngày: Tài biến hóa của người Do Thái - Ảnh 2.

Bộ binh Israel và RPG-7

Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm thực tế sử dụng AK, Israel quyết định thiết kế dòng súng trường nội địa Galil dựa trên cơ chế hoạt động của AK. Đối với một quốc gia tồn tại dựa trên chế độ nghĩa vụ quân sự toàn dân như Israel thì tính bền bỉ, dễ sử dụng của AK thật sự là một điểm cộng lớn.

Pháo binh

Israel thành lập 2 tiểu đoàn mới để tận dụng số pháo 130mm và đạn dược thu được. Với tầm bắn lên đến gần 30km, pháo 130mm nổi danh và được sử dụng rộng rãi cả trong những cuộc xung đột lớn trong thời kì đó, bao gồm cả tại Việt Nam và Trung Đông.

Một chi tiết thú vị là trong những ngày đầu của Chiến tranh Yom Kippur (1973), chiến sự diễn ra ác liệt đến mức nguồn đạn cho số pháo 130mm cạn sạch chỉ sau vài ngày, buộc Israel phải ngừng sử dụng loại vũ khí này cho đến khi họ thu được thêm đạn pháo từ đối phương.

Israel cũng tịch thu được vài chục giàn phóng pháo hỏa tiễn từ khối Ả Rập và biên chế vào các đơn vị của mình. Số vũ khí này cũng được triển khai rộng rãi trong Chiến tranh Yom Kippur. Ngoài ra, nhiều loại súng cối, pháo phòng không khác cũng được biên chế vào cơ cấu quân đội Israel.

Thiết giáp

Xe tăng và xe bọc thép là những loại vũ khí được Israel trưng dụng rộng rãi nhất. Hàng trăm xe tăng T-54/T-55 bị thu giữ còn nguyên vẹn và được tái biên chế. Nhiều chiếc trong số đó được cải tiến, trang bị lại để phù hợp với nhu cầu của Israel. Những chiếc T-54/T-55 cải tiến này được gọi chung là Tiran và được sử dụng cho đến những năm 1980.

Những cải tiến đáng chú ý nhất bao gồm việc thay pháo 100mm bằng pháo 105mm, tương tự loại được trang bị trên những chiếc Centurion (Anh) và M48/M60 (Mỹ). Như vậy Israel có thể tận dụng được nguồn đạn 105mm sẵn có của mình. Động cơ diesel nguyên bản cũng được thay bằng động cơ của hãng Detroit Diesel (Mỹ).

Nhiều chiếc T-54/T-55 Israel tịch thu được trong Chiến tranh 6 ngày, cũng như trong cuộc chiến 1973, sau này được tháo bỏ tháp pháo và hoán cải thành xe bọc thép chở bộ binh (APC) hạng nặng Achzarit.

Tiết lộ về kho vũ khí khổng lồ Israel thu được sau Chiến tranh 6 ngày: Tài biến hóa của người Do Thái - Ảnh 3.

APC hạng nặng Achzarit

Israel cũng tịch thu được một số lượng nhỏ xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76, đủ để trang bị cho một tiểu đoàn mới.

Tại mặt trận với Jordan, Israel cũng thu được một số xe tăng M48 Patton, số tăng này có thể nhanh chóng được đưa vào biên chế do Israel cũng sở hữu cùng loại tăng.

Một ví dụ đáng chú ý khác là IS-3 Stalin. Mẫu xe tăng hạng nặng này được biên chế vào Hồng quân Liên Xô trong giai đoạn cuối của Thế chiến thứ 2 và được thiết kế nhằm đối trọng với các mẫu tăng Tiger và Panther của Đức quốc xã. Sau Chiến tranh 6 ngày, Israel dùng những chiếc IS-3 tịch thu được như những ụ pháo trong phòng tuyến Bar Lev dọc bờ kênh đào Suez.

Tiết lộ về kho vũ khí khổng lồ Israel thu được sau Chiến tranh 6 ngày: Tài biến hóa của người Do Thái - Ảnh 4.

Xe tăng IS-3 trong một cuộc duyệt binh của Israel

Israel cũng thu được nhiều loại APC khác từ các nước Ả Rập như BTR-152, BTR-40, BTR-50, OT-62, và Al-Walid (phiên bản BTR-152 do Ai Cập sản xuất).

Chúng có đóng góp rất quan trọng cho việc nâng cao khả năng chiến đấu của Israel vì trước đó loại APC duy nhất mà nước này sở hữu là mẫu M3 từ thời Thế chiến thứ 2.

Chúng được sử dụng rộng rãi trong các đơn vị trinh sát, biệt kích, và lực lượng biên phòng. Một số chiếc BTR-152 được trang bị đại liên 20mm cho vai trò phòng không.

Trong giai đoạn giữa Chiến tranh 6 ngày và Chiến tranh Yom Kippur, Israel và Ai Cập thường thực hiện những vụ đột kích vào sau phòng tuyến của nhau. Các loại APC này và xe tăng Tiran thường được Israel sử dụng trong các chiến dịch này nhằm che mắt các đơn vị Ai Cập.

Đặc biệt, biệt kích Israel cũng sử dụng một chiếc dòng BTR (có thể là BTR-40 hoặc 152) trong chiến dịch giải cứu con tin nổi tiếng tại Entebbe (Uganda) năm 1973.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại