Trong chiến dịch tranh cử lập dị của mình, Trump đã đạp đổ mọi thông lệ chính trường. Thông thường, các ứng cử viên đại diện hai đảng lớn công khai chuyện thuế má để công chúng tường tận tình hình tài chính của họ, và phát hiện xem có xung đột quyền lợi gì hay không.
Kỳ này, Hillary Clinton và ứng cử viên phó tổng thống Tim Kaine của Đảng Dân chủ, và Mike Pence, người chung liên danh tranh cử với Trump, đều đã công bố hồ sơ khai thuế. Trump thì không, viện cớ là đang bị Thuế vụ Mỹ (IRS) kiểm toán.
Ông hứa sẽ công bố sau khi xong kiểm toán. Nhưng IRS khẳng định luật không cấm ông công bố trong quá trình đó. Clinton và nhiều người khác chỉ trích rằng Trump có thể đang giấu giếm gì đó.
Donald Trump đăng hình ký hồ sơ khai thuế lên Twitter ngày 15-10-2015.
Trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống tối thứ Hai 26-9, Clinton hỏi móc: "Cho nên ta tự hỏi tại sao ông ta không chịu công bố hồ sơ khai thuế? Theo tôi có thể có vài lý do. Một là có thể ông không giàu như ông khoe. Hai là có thể ông không làm từ thiện hào phóng như ông tuyên bố."
Khi Clinton ám chỉ rằng ông có thể đã không đóng thuế thu nhập liên bang trong nhiều năm, Trump quật lại: "Vậy thì tôi mới là khôn ngoan" ("That makes me smart").
Có còn khôn ngoan?
Không chịu công khai hồ sơ thuế, Trump dường như đánh bài liều câu giờ trước những yêu sách của đối thủ muốn đưa chuyện đóng thuế của ông thành vấn đề trọng điểm khi cuộc đua đang vào thế cờ tàn.
Song, Trump không còn câu giờ được nữa. Tối thứ Bảy 1-10, báo New York Times (NYT) công bố ba trang trong hồ sơ khai thuế năm 1995 của Donald Trump, được gửi nặc danh tới cho phóng viên Susanne Craig của báo này hồi tháng 9.
Dấu bưu điện cho thấy thư gửi từ thành phố New York, và từ một địa chỉ ở cao ốc Trump Tower. NYT nhận được một trang của hồ sơ khai thuế thu nhập của người thường trú ở bang New York, và trang đầu của hồ sơ khai thuế của người không thường trú ở bang New Jersey và Connecticut.
Tài liệu NYT cho thấy Trump đã khai lỗ gần 916 triệu đô-la vào năm 1995, được cho là do đế chế sòng bạc ở New Jersey của ông bị phá sản và các thảm bại kinh doanh khác.
(Một chi tiết đáng chú ý để thấy mức khai lỗ "khủng" khác thường: Ở dòng 18 của bản khai thuế, con số "-915.729.293" có mấy chữ số đầu hơi khác cỡ chữ. Luật sư và kế toán viên làm bản khai thuế này cho biết bản in ra chỉ thể hiện số "5.729.293" vì phần mềm ông dùng lúc đó không cho phép in mức lỗ tới chín chữ số, nên ông phải dùng máy chữ gõ thêm "-91".)
Con số "-915.729.293" trong bản khai thuế của Trump. Ảnh: NYT
NYT dẫn lời các chuyên gia thuế nói rằng Trump có thể dùng, một cách hợp pháp, khoản lỗ đó để bù trừ thu nhập chịu thuế tương đương hơn 50 triệu đô-la/năm và nhờ đó khỏi đóng thuế trong 18 năm (ngược về 3 năm về trước, và tới 15 năm về sau).
Dựa trên thu nhập được biết của Trump trong những năm sau đó, trong đó có lãi kinh doanh từ các doanh nghiệp của ông, và thu nhập nhờ tham gia sô truyền hình thực tế The Apprentice, NYT cho rằng rất có thể ông đã tránh thuế thu nhập trong thời kỳ đó.
Phe Trump biện hộ rằng trong vai trò nhà kinh doanh, Trump có "trách nhiệm được ủy thác" là không đóng thuế nhiều hơn luật định, và chỉ trích rằng NYT và "báo chí của giới chóp bu" chỉ là công cụ của phe Clinton.
NYT cũng đăng một phát biểu của phe Trump gọi tài liệu độc quyền của NYT được thu thập bất hợp pháp và nói rằng một luật sư của Trump dọa sẽ kiện. (Luật liên bang Mỹ cấm công bố hồ sơ khai thuế khi không được phép.) Trong các thư gửi NYT, phe Trump và luật sư của ông không khẳng định mà cũng không bác bỏ một cách dứt khoát là ba trang tài liệu đó là thực hay giả.
Nhưng ác một nỗi là để kiện NYT về tội thu thập bất hợp pháp hồ sơ khai thuế của ông, Trump sẽ phải thừa nhận tài liệu đó là thực. Như vậy khác nào "lạy ông tôi ở bụi này", khác nào đồng tình với những cáo buộc của đối thủ rằng xưa nay ông đã không đóng thuế thu nhập liên bang như phó thường dân, dù là ông đã khôn khéo tránh thuế một cách hợp pháp.
Phát biểu của phe Trump gần như thừa nhận tính xác thực của tài liệu NYT thu thập được, nói rằng "tin tức duy nhất ở đây là tài liệu được cho là hồ sơ thuế hơn 20 năm trước đã được thu thập một cách bất hợp pháp".
(Cách NYT diễn đạt lời đe dọa kiện từ luật sư của Trump cho thấy nếu có thì kiện tội thu thập một cách bất hợp pháp tài liệu chính xác, chứ không phải kiện tội vu khống và đưa tin sai.)
"Cú sốc" tháng 10
Trước mỗi kỳ bầu cử tổng thống (diễn ra vào tháng 11), các bên thường gắng tránh những "bất ngờ tháng 10" để khỏi thua đau phút chót. Ngay sau khi NYT đưa tin, phe Clinton gọi đó là "cú sốc" cho thấy mức độ thất bại ê chề trong kinh doanh của Donald Trump và ông có thể đã tránh thuế thu nhập liên bang trong thời gian dài.
Hôm 2-10, phe Clinton khai thác tin của NYT để nhấn mạnh luận điểm chính của họ chống Trump: ông không đủ tư cách và năng lực, không có tính tình phù hợp để làm tổng thống, và ông lợi dụng luật lệ theo kiểu mà thường dân không thể làm được.
Tin của NYT có thể làm sứt mẻ nghiêm trọng hình ảnh do Trump tự tô vẽ là một doanh nhân tài ba và giỏi thương lượng.
Trump tự tô vẽ là một doanh nhân tài ba và giỏi thương lượng.
Ông nhai đi nhai lại điệp khúc là ông đã tạo dựng một "công ty vĩ đại" trị giá hàng tỷ đô-la và từ đó hàm ý rằng với bề dày kinh nghiệm thương trường như vậy, ông dư sức lèo lái kinh tế Mỹ và thương lượng lại các hiệp định thương mại theo ông đã đưa Mỹ vào thế bất lợi, như NAFTA (cả Trump và Clinton đều không ủng hộ TPP).
Bất cứ điều gì mâu thuẫn với hình ảnh đó có thể gây tác hại chính trị ghê gớm.
Và tiết lộ về những khoản lỗ kinh doanh cả tỷ bạc có thể làm bẽ mặt một ứng cử viên không ngừng khoe khoang về sản nghiệp khổng lồ của mình, được tạo dựng từ số tiền "ít ỏi" 1 triệu đô-la vay của cha.
Trump và chiến dịch của mình đã cố gắng tuyên truyền rằng cuộc đua giữa ông với Clinton là giữa một người ngoài cuộc muốn tạo ra thay đổi và một người trong cuộc của giới chóp bu.
Nhưng chuyện Trump có thể đã không đóng một đồng thuế thu nhập nào trong 18 năm sẽ làm giảm giá trị của luận điệu mà Trump nhắc đi nhắc lại là luật lệ dành cho Clinton khác với dành cho đa số dân Mỹ.
Khi chỉ còn hơn 40 ngày tới khi đầu phiếu, tiết lộ của NYT là món quà trên trời rơi xuống cho Clinton. Bà cần tin kiểu này để nhắm tới nhóm cử tri xương nhất cho chiến dịch của mình: tầng lớp lao động da trắng. Clinton đang gặp khó khăn ở các bang chưa nghiêng hẳn về phe nào ở vùng Vành đai Công nghiệp như Pennsylvania, West Virginia, Ohio và Indiana.
Tới nay Trump đã thành công khi tự khắc họa mình là nhân vật dân túy chống thương mại tự do và sẽ bảo vệ tầng lớp lao động da trắng trước giới chóp bu thối nát như Clinton.
Trump dồn sức lực nhắm vào thu phục nhân tâm ở các bang còn dao động ở vùng này, nơi cử tri thấy bị bỏ rơi trong cuộc hồi phục kinh tế không đồng đều, và nghĩ rằng giới tư bản Wall Street tiền ngàn bạc vạn đủ sức dùng các mánh lới pháp lý né tránh gánh nặng thuế mà tầng lớp cử tri trung lưu oằn lưng gánh vác.
Trong kỳ bầu cử lần trước vào năm 2012, chiến dịch của tổng thống Obama đã khai thác triệt để việc ứng cử viên Mitt Romney của Đảng Cộng hòa không chịu công bố hồ sơ thuế.
Khi Romney rốt cuộc đành phải công bố, quyết định đó cũng có hại cho ông khi công chúng biết rằng: Vì phần lớn thu nhập của ông khi còn là nhà đầu tư vốn mạo hiểm là từ lãi tích lũy (carried interest) và lãi vốn (capital gains), những loại thu nhập có thuế suất ưu đãi hơn lãi bình thường, thuế suất ông thực đóng chỉ khoảng 14%.
Tuy Romney hoàn toàn làm đúng luật, chiến dịch Obama đã mô tả Romney là xa rời thực tế, không hiểu đời sống chật vật của thường dân Mỹ, những người có thu nhập thấp hơn nhưng phải chịu thuế suất cao hơn.
Năm xưa, Romney đã bị chiến dịch Obama gọi là kẻ quyền thế chia thiên hạ thành hai nhóm: Người làm và người hưởng. Nếu tin động trời của NYT là đúng, nay Trump chính là người hưởng.
Cương lĩnh của Clinton có những đề xuất chính sách vì tầng lớp lao động nhiều hơn, như tăng lương tối thiểu và nhà nước đầu tư nhiều hơn cho việc tạo công ăn việc làm. Nay thêm cú sốc về thuế của Trump, Clinton càng có thêm lý lẽ đáng thuyết phục để tuyên bố mình là người duy nhất thực sự đấu tranh cho tầng lớp lao động.
Ai thèm để ý?
Cử tri có quan tâm tới chuyện thuế của ứng cử viên tổng thống? Có bằng chứng cho thấy đa số cử tri muốn biết. Ví dụ, trong một cuộc thăm dò dư luận của Đại học Monmouth hồi tháng 9, 62% người được hỏi nghĩ rằng ứng cử viên cần phải công bố hồ sơ thuế.
Tại một buổi tọa đàm ở Đại học Harvard trong đợt kỷ niệm 100 năm giải Pulitzer vào hai ngày 10 và 11-9, Dean Baquet, tổng biên tập của NYT, và Bob Woodward, phó tổng biên tập của The Washington Post nói nếu có tài liệu về hồ sơ khai thuế của Trump thì sẵn sàng công bố dù luật sư của báo có cản, và chấp nhận rủi ro đi tù.
[Woodward cùng với Carl Bernstein đã tiết lộ vụ Watergate năm xưa].
Lý do của Dean Baquet: Toàn bộ chiến dịch tranh cử của Trump xoay quanh câu chuyện kinh doanh thành công và sản nghiệp khổng lồ của ông.
Những thành phần cử tri cốt lõi ủng hộ Trump luôn nhìn chính quyền liên bang bằng con mắt nghi ngờ, nên có thể họ sẽ hoan hô khi biết ông tìm cách tránh thuế, miễn là ông làm đúng luật. Hôm 2-10, những "dư luận viên" hàng đầu của Trump đã không ngượng miệng biện hộ cho ông trên các đài lớn.
Rudy Giuliani, cựu thị trưởng thành phố New York, phát biểu trên đài ABC: "Ông ta quả là thiên tài – hết sức thiên tài. Đây là cách áp dụng luật thuế một cách hoàn toàn hợp pháp, và ông ta có họa là ngu mới không tận dụng nó. Tôi muốn một người là thiên tài lèo lái đất nước đang đi trật hướng này."
Trên đài ABC, Rudy Giuliani gọi Trump là thiên tài khi khai lỗ 916 triệu đô-la.
Còn trên đài Fox News, một đài cực bảo thủ và luôn hết mình phò Trump, Chris Christie, thống đốc bang New Jersey và là cựu ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, nói rằng công bố của NYT hóa ra là "tin rất, rất có lợi cho Donald Trump".
Ông biện bạch: "Tin đó cho thấy luật thuế liên bang tầm bậy hết sức và chính vì thế Donald Trump là người thích hợp nhất để chỉnh sửa nó. Không ai chứng tỏ có tài hơn về cách lách luật thuế và dùng luật pháp một cách đúng đắn để làm điều đó."
Donald Trump đang tứ bề thọ địch. Trước cú sốc của NYT vài hôm, Newsweek đăng một phóng sự điều tra chi tiết về chuyện công ty của Trump vi phạm lệnh cấm vận và lén lút làm ăn với Cuba.
Sau khi lỡ cắn mồi nhử của Clinton trong cuộc tranh luận hôm 26-9, Trump bắt đầu nhục mạ cựu Hoa hậu Hoàn vũ Alicia Machado (người Venezuela đã nhập tịch Mỹ).
Khổ thân Trump thức sớm (3 giờ sáng) để tweet về băng phim sex của cô này (không có thực), để rồi ngay sau đó bị BuzzFeed phanh phui là Trump từng tham gia một cảnh (lành) trong một phim khiêu dâm loại nhẹ.
Khó mà đánh giá được tác động tức thì do tiết lộ của NYT. Nhưng chắc chắn chuyện thuế của Trump và những nghi vấn về tài kinh doanh của ông sẽ trở thành trọng tâm của cuộc đua trong mấy tuần sắp tới.