Tiền hết, thủ lĩnh chết, khủng bố IS lao đao bên bờ sụp đổ

Thùy Dương |

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang gặp vận đen dồn dập. Không lâu sau khi thủ lĩnh Abu Bakr Al-Baghdadi thiệt mạng trong một vụ không kích, IS chịu thêm một đòn giáng có ý nghĩa sống còn nữa bởi quân đội Syria: các mỏ dầu hái ra tiền đã bị tịch thu.

Hầu bao thủng nặng

Quân đội Syria dưới dự hỗ trợ của không quân Nga đã tịch thu một loạt giếng dầu do IS kiểm soát ở tỉnh Raqqa. Các mỏ dầu Wahab, al Fahd, Dbaysan, al-Qseer, Abu al Qatat và Abu Qatash cùng một số làng mạc ở khu vực sa mạc nằm ở phía Tây Nam Raqqa đã nằm trong tầm kiểm soát của quân đội Syira.

Tiền hết, thủ lĩnh chết, khủng bố IS lao đao bên bờ sụp đổ - Ảnh 1.

Mất các mỏ dầu, IS mất nguồn thu quan trọng. Ảnh: CNN

Quân đội Syria và lực lượng dân quân trong vài tháng qua đã tiến về phía Đông thành phố Aleppo và chiếm lại nhiều khu vực phía Tây sông Euphrates – nơi mà IS rút về để bảo vệ Raqqa.

Thắng lợi mới nhất của quân đội Syria nói trên đã siết chặt vòng vây quanh IS ở dải lãnh thổ từ tỉnh Hama ở phía Tây cho tới thành phố Homs ở phía Đông và rìa tỉnh Raqqa cũng như Deiz Zor.

Theo hãng tin Reuters (Anh), mục tiêu tiếp theo của quân đội Syria là chiếm lại thị trấn Sukhna, cửa ngõ vào tỉnh phía đông Deir Zor giáp với Iraq và có thể là thành trì quan trọng cuối cùng của IS trong trường hợp Raqqa thất thủ.

Trong vài ngày qua, quân đội Syria đã giành bước tiến vững chắc ở sa mặc nằm ở phía Đông Bắc thành phố cổ Palmyra khi chiếm được mỏ khí đốt Hail, giúp tiến thêm 18km về phía Nam Sukhna.

Giao tranh dữ dội đã xảy ra gần mỏ khí đốt Hail và mỏ khí đốt Arak gần đó vừa được quân đội Syria chiếm lại tháng trước.

Để mất nhiều mỏ dầu và khí đốt là đòn giáng mạnh vào hầu bao của IS vì đây vốn là nguồn thu nhập quan trọng của chúng.

Theo kênh CNN (Mỹ), các nhà phân tích và chuyên gia thuộc tổ chức HIS Markit ước tính thu nhập của IS đã giảm 80% trong hai năm qua vì mất đất khiến IS mất cả nguồn dầu và tiền thu thuế từ dân.

IS thu về 16 triệu USD/tháng trong quý II/2017, giảm mạnh so với 81 triệu USD mỗi tháng trong cùng giai đoạn năm 2015.

IS trở thành tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới nhờ tiền bán dầu, thu thuế người dân trong vùng lãnh thổ chúng chiếm được, bán cổ vật ăn cắp và đòi tiền chuộc con tin.

Ông Ludovico Carlino, nhà phân tích Trung Đông cấp cao thuộc HIS Markit, cho biết: “Mất đất là nhân tố chính khiến IS mất thu nhập”.

Các nhà phân tích cho rằng thu nhập từ dầu trung bình mỗi tháng của IS đã giảm 88% so với năm 2015, còn thu nhập từ thuế và tịch thu của cải giảm 79%.

Ba năm kể từ khi IS tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, tổ chức khủng bố này đang oằn mình vì thiệt hại tiền bạc vì thất thủ ở Mosul, Israq và bị bao vây tứ bề ở Raqqa, Syria.

Ông Carlino nhận định: “Mất kiểm soát thành phố đông dân Mosul và các khu vực nhiều dầu mỏ ở tỉnh Raqqa và Homs có tác động đặc biệt lớn với khả năng kiếm tiền của IS”.

Thủ lĩnh bị tiêu diệt

Không chỉ mất nguồn tiền, IS còn mất đi thủ lĩnh quan trọng là tên Abu Bakr al-Baghdadi.

Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria khẳng định tên Baghdadi đã chết dựa vào các nguồn tin cấp cao ở Deiz Ezzor.

Ngày 11/7, IS cũng đã xác nhận thông tin thủ lĩnh nhóm này Abu Bakr al-Baghdadi đã thiệt mạng.

Thông tin về cái chết của Baghdadi gây nhiều tranh cãi. Bộ Quốc phòng Nga cho biết có thể đã tiêu diệt được Baghdadi trong một cuộc không kích gần thành phố Raqqa hôm 28/5.

Phía Mỹ thì chưa xác nhận thông tin này. Lầu Năm Góc nói không thể khẳng định hay bác bỏ thông tin trên. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, đối với Mỹ, al-Baghdadi vẫn được coi là còn sống khi chưa có bằng chứng về cái chết của đối tượng này.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao chống chủ nghĩa khủng bố người Kurd khẳng định 99% tên trùm sỏ này vẫn còn sống và đang ẩn náu tại Syria.

Trước đó, Mỹ đã treo thưởng 25 triệu USD tiền thưởng cho ai bắt được Baghdadi. Hiện chưa rõ có cá nhân hay tổ chức nào sẽ nhận số tiền thưởng trên hay không.

Baghdadi được cho là trốn ở khu vực gần biên giới Syria-Iraq, di chuyển thường xuyên và tránh dùng thiết bị viễn thông.

Tin đồn về cái chết của hắn xuất hiện từ khi hắn chính thức ra mắt và thông báo thành lập cái gọi là vương quốc Hồi giáo ở Mosul năm 2014.

Nếu cái chết của Baghdadi là thật, đây sẽ là một trong những đòn giáng mạnh nhất với IS.

Ngoài ra, thủ lĩnh chi nhánh của IS ở Afghanistan là Aby Sayed cũng bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Mỹ bằng máy bay không người lái ở tỉnh Kunar.

Theo các nhà phân tích, sụt giảm nguồn thu và mất thủ lĩnh có thể khiến IS lao đao và trên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, IS khó có khả năng bị dập tắt hẳn mà sẽ chuyển sang hoạt động kiểu khác.

CNN dẫn lời các nhà phân tích cho rằng IS sẽ tìm cách thích nghi với tình trạng thiếu hụt tài chính trầm trọng và mất đất bằng cách chuyển sang tấn công chớp nhoáng, linh động và bất ngờ.

Tiền hết, thủ lĩnh chết, khủng bố IS lao đao bên bờ sụp đổ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại