Su-35 từng giành ưu thế gần như tuyệt đối...
Vào thời điểm đó, mọi lập luận của các chuyên gia phân tích phương Tây thiên về ưu thế trong không chiến tầm xa của EF-2000 Typhoon trước tiêm kích Su-35 luôn khiến cho các chuyên gia của Nga khó chịu.
Tổ hợp radar ECR-90 "Captor-M" của tiêm kích EF-2000 có khả năng chống nhiễu vô cùng thấp trước các phương tiện tác chiến điện tử hiện đại và tầm phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ radar cỡ 1m2 là khoảng 115-120km, và chỉ theo dõi được 20 mục tiêu cùng lúc.
Chính vì thế nó không có khả năng cung cấp cho phi công trên chiếc Typhoon thông tin chiến thuật cần thiết về bối cảnh trên không, trong khi các phi công của Su-35S lại nhận được các thông tin đó từ tổ hợp radar mảng pha thụ động N035 Irbis-E.
Tiêm kích Su-35 của Nga
Với các tên lửa AIM-120C-5 và AIM-120C-7 chưa phải tối tân nhất có tầm bắn hiệu quả ở bán cầu trước là 105 và 120km ở độ cao lớn và 75-90km ở độ cao trung bình, không giúp cho các phi công châu Âu đối đầu "ngang cơ" với Su-30SM và Su-35 của Nga bởi lẽ các tên lửa R-77 và R-27ER có tầm bắn 110 và 130km, nhỉnh hơn so với vũ khí của EF-2000.
Việc sở hữu cánh lái khí động học giúp giữ được độ hiệu quả khi góc tấn công khoảng 40 độ, đảm bảo cho các tên lửa không chiến R-77 những khả năng cơ động ưu việt hơn các tên lửa AMRAAM truyền thống khi đánh chặn các mục tiêu "lanh lợi".
Có thể thấy rằng lực lượng tiêm kích của Không quân Nga vẫn giữ được đối trọng "dài hơi" với không quân NATO nhờ những tính năng ưu việt hơn của radar trên các tiêm kích Su-30SM và Su-35S, cũng như sự vượt trội của các tên lửa Nga so với các tên lửa không đối không tầm trung thuộc dòng AMRAAM và MICA.
... gió đã đổi chiều, Su-35 sắp mất lợi thế
Nhưng gần đây mọi thứ lại sắp thay đổi. Dự kiến tới đầu những năm 2020, radar mảng pha chủ động "Captor-E" mới sẽ được lắp cho các tiêm kích EF-2000 Typhoon, khi đó chúng sẽ là nền tảng của hệ thống điều khiển vũ khí tất cả các phiên bản Typhoon.
Bên cạnh đó, với sự xuất hiện các tên lửa tầm xa không đối không Meteor trong thành phần vũ khí của các tiêm kích đa năng hạng nhẹ JAS-39C vào tháng 7/2016, ưu thế trong các chiến dịch chiếm lĩnh quyền kiểm soát bầu trời bắt đầu chuyển dần sang phía các lực lượng không quân phương Tây tại vùng trời Baltic.
Tiêm kích JAS-39C mang tên lửa không đối không Meteor.
Thật ngây thơ nếu cho rằng trong trường hợp diễn biến tình hình khu vực căng thẳng, Thụy Điển sẽ giữ được vị trí trung lập và không đứng về phía NATO.
Chính vì thế không phải tự nhiên mà Bộ Ngoại giao Mỹ lại tung tin về việc ký kết với tổ chức mua sắm quốc phòng của Thuỵ Điển, Försvarets Мaterielverk (FMV), bản hợp đồng cung cấp cho quân đội Thuỵ Điển 04 tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3, và như mọi người đã rõ, Mỹ không bao giờ cho không ai cái gì.
Một lý do nữa để lo ngại hơn đó là sự xuất hiện của các tên lửa không chiến tầm xa MBDA "Meteor" trong bộ vũ khí trang bị cho các máy bay tiêm kích đa năng "Typhoon" phiên bản nâng cấp P2Eb của Không quân Hoàng gia Anh hiện nay đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra không phận phía đông, bắc và tây bắc nước Anh.
Tiêm kích EF-2000 mang tên lửa không đối không Meteor.
Điều này đã được trang thông tin và phân tích quân sự "Đối trọng quân sự" (Nga) dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Anh đưa tin hôm 10/12 vừa qua. Theo quan điểm của một nhà báo thông thường thì chẳng có gì đáng lo ngại. Nhưng các chuyên gia lại có ý kiến hoàn toàn khác.
Các tên lửa không chiến tầm xa Meteor có động cơ mới với khả năng tiết kiệm được 40-50% nhiên liệu nặng năng lượng cao boron khi di chuyển với vận tốc trung bình 3,2-3,3M và ở giai đoạn cuối trước khi lao vào mục tiêu tên lửa sẽ tăng tốc lên tới 4800km/h (gần 5M).
Đây được coi là chỉ số đặc biệt mà các tên lửa AIM-120D (Mỹ) và R-77 (Nga) vốn sử dụng các động cơ nhiên liệu rắn thông thường không thể sánh nổi. Bên cạnh đó, ở độ cao 7-10km "Meteor" có khả năng cơ động với độ quá tải gần 30G. Các tên lửa không đối không tầm siêu xa R-37M của Nga cũng không có được những phẩm chất tương tự.
Thêm nữa, các tên lửa mới này hoàn toàn bù đắp được khả năng chống nhiễu thấp của các radar "Captor-M", bởi vì thao tác khoá mục tiêu ở quỹ đạo bay có thể được thực hiện không chỉ từ máy bay Typhoon mang tên lửa này, mà từ cả những nguồn điều khiển khác như các hệ thống radar mặt đất và những máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-3D.
Và vì thế, một trong những tác hại của việc "Typhoon" được trang bị "Meteor" sẽ làm cho mối nguy hiểm đối với các phi hành đoàn của những máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa Tu-160M tăng lên gấp nhiều lần.
Các máy bay này đang triển khai tuần tra chiến đấu và viếng thăm những quốc gia đồng minh trên bầu trời Biển Bắc và Bắc Đại Tây dương.
Không loại trừ khả năng trong bối cảnh Luân Đôn trực tiếp can thiệp vào cuộc xung đột đang leo thang tại khu vực biển Azov-Hắc Hải, các máy bay oanh tạc chiến lược của Nga sẽ bị khiêu khích khi ở cách xa không phận quê hương mình.
Và nếu Tu-160M ở chế độ bay siêu âm (vận tốc 1,5-1,8M) có thể thoát khỏi sự truy sát của tên lửa AIM-120C-7 trang bị động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, thì việc thoát được các tên lửa Meteor là điều không đơn giản chút nào.
Các tên lửa này hoàn toàn thích ứng với việc đánh chặn các mục tiêu siêu thanh khi đang chuẩn bị tăng tốc. Phương pháp duy nhất để tránh khỏi sự truy sát của các tên lửa Meteor đó là sử dụng các tổ hợp tác chiến điện tử được trang bị trên những máy bay Tu.
Nhưng cả phương án phòng vệ này cũng không thể đảm bảo cho Tu-160M và phi hành đoàn sự an toàn tuyệt đối, bởi vì trên các tên lửa Meteor lắp đặt các đầu radar tự dẫn chủ động AD4A, giúp chúng có thể tự chọn các mục tiêu trong bối cảnh nhiễu sóng, cũng như chế độ dẫn hướng nhằm vào mục tiêu gây nhiễu sóng.
Thêm một điều khiến người ta phải suy ngẫm sâu sắc hơn đó là phiên bản nâng cấp "Typhoon" (Phase 2 Enhacement b) sắp sửa có mặt tại các căn cứ không quân Emari, Shaulay và Zoknyai, những địa danh chỉ cách không phận của Nga khoảng 100km.
Tại các sân bay quân sự này, những tiêm kích EF-2000 Typhoon của Anh trang bị Meteor sẽ được triển khai trong khuôn khổ cái gọi là "Tuần không Baltic" nhằm mục đích thường xuyên tuần tra không phận các nước Litva, Latvi và Estonia, những quốc gia mà chỉ cách Quân khu phương Tây của Nga vài cây số.
Bất chấp việc các tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật Iskander và các đơn vị pháo phản lực tầm xa của Nga trong trường hợp căng thẳng leo thang có thể xoá sạch hạ tầng dữ liệu, thì cũng không làm giảm bớt mối đe doạ từ các máy bay EF-2000 Typhoon P2Eb.
Bởi vì trước khi những máy bay này bị tiêu diệt bởi các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 và S-300V4 được bố trí ở tỉnh Kaliningrad và Leningrad (Nga), các máy bay Su-30SM và Su-35 phải "làm quen" với những điều bất ngờ về kỹ thuật và khả năng do tên lửa Meteor mang tới.
Điều đó không hề dễ dàng dù các tiêm kích họ Su mang theo tên lửa đánh chặn phản lực tối tân RVV-AE-PD.