Tên lửa "mới, đẹp, thông minh" Israel phá tan 3 lớp phòng thủ Syria, diệt gọn mục tiêu

Trung Phạm |

Ngay cả khi Syria được quyền vận hành S-300 thì mạng lưới phòng không của họ vẫn thiếu các hệ thống đa tầng, hiện đại cần thiết để đối phó với các mối đe dọa đến từ phía Israel.

Các hệ thống phòng không Syria lại vừa một lần nữa phải gồng mình đánh chặn vụ tấn công của Israel nhằm vào phía Bắc Thủ đô Damascus đêm 25/12. Trong đợt tập kích này, Israel đã triển khai vũ khí hiện đại là tiêm kích F-16 phóng tên lửa hành trình Delilah và bom lượn. 

Truyền thông Syria tuyên bố, Quân đội của họ đã tiêu diệt được một số mục tiêu. Thế nhưng, giống như những cuộc tấn công trước đây, tuyên bố này rất có thể không đúng hoặc chỉ đúng một phần nào đó.

Mạng lưới phòng không Syria được bố trí thành nhiều lớp, trong đó có cả các tổ hợp tên lửa S-300 tiên tiến mà Nga cung cấp cho Damascus đầu tháng 10 năm nay sau sự cố chiếc máy bay trinh sát IL-20 bị bắn rơi, dù chưa biết nó đã được sử dụng hay chưa.

Dưới đây là danh sách thống kê các hệ thống phòng không khác nhau mà Syria đang sở hữu cũng như những bằng chứng về khả năng chúng đã được huy động trong các vụ đánh trả Israel gần đây. 

Hệ thống phòng không tầm gần

Pantsir-S1: Pantsir-S1 (hay SA-22 Greyhound theo mã định danh của NATO) là hệ thống phòng không được sử dụng để bảo vệ các căn cứ quân sự cùng nhiều mục tiêu khác. Nó được dùng để đối phó với các mối đe dọa tầm thấp với phiên bản di động có thể lắp trên xe tải.

Thiết kế tại Nga, Pantsir-S1 được đưa vào sử dụng giữa những năm 1990. Năm 2000, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đặt mua 50 đơn vị hệ thống còn Syria cũng mua lô hàng tương tự trị giá 900 triệu vào năm 2007. Quá trình chuyển giao diễn ra năm 2008, tức 3 năm trước khi cuộc nội chiến ở Syria bùng phát.

Với Israel, hệ thống này có thể bộc lộ mối đe dọa với các máy bay hoạt động trên cao nguyên Golan. Pantsir-S1 được cho là đã bắn hạ một máy bay trinh sát của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2012 và từng được huy động để bảo vệ không phận Syria nhiều năm qua.

Môt trong những tổ hợp phòng không này đã bị tiêu diệt vào tháng 5/2018 sau khi Iran phóng loạt rocket vào Israel và đã bị Tel Aviv phản đòn. Tầm bắn của Pantsir-S1 chỉ khoảng 20 km.

Tên lửa mới, đẹp, thông minh Israel phá tan 3 lớp phòng thủ Syria, diệt gọn mục tiêu - Ảnh 1.

Pantsir-S1 (phải) triển khai bên cạnh một hệ thống S-400 tại căn cứ quân sự Nga ở Syria tháng 12/2015. Ảnh: BQP Nga

Tunguska: Hệ thống phòng không Tunguska (SA-19 Grison) gồm một xe mang phóng bánh xích trang bị súng máy và tên lửa. Được Nga thiết kế vào những năm 1970, nó có thể phóng 5.000 quả đạn/phút, tấn công trực thăng, máy bay bay thấp và tên lửa hành trình.

Chưa rõ hệ thống này hiện hoạt động như thế nào ở Syria hoặc Syria đã sử dụng nó chưa. Một bài viết trên Sputnik năm 2017 cho biết, nếu được kích hoạt nó có thể chống trả rất nhiều mục tiêu khác nhau.

Tên lửa tầm trung 

S-125: S-125 (hay SA-3) được phát triển vào những năm 1950 để đối phó với các mối đe dọa tầm trung trong một phần của hệ thống phòng không nhiều lớp, gồm cả S-200 và các tổ hợp khác. S-125 có tầm bắn 15 km và được lắp cùng với một hệ thống radar khác.

Năm 2011, các đại diện của Bộ Quốc phòng Syria đã tham dự một khóa huấn luyện ở Nga để nâng cao khả năng phòng không của họ. Thời điểm đó, trước khi cuộc nội chiến bùng phát, Syria được cho là sở hữu cả S-200, S-125 và Buk.

Damascus còn tìm cách hiện đại hóa hệ thống phòng không của mình bằng việc mua thêm 2 hệ thống tên lửa S-6 Tunguska, 18 tổ hợp Buk-M2E và 36 hệ thống Pantsir S-1.

Như vậy, S-125 chỉ là một trong nhiều hệ thống mà Quân đội Syria có trong kho vũ khí của mình. Nga đã phát triển thêm nhiều biến thể khác nhưng phòng không Syria vẫn chưa thực sự sử dụng hệ thống này một cách hiệu quả.

Tên lửa mới, đẹp, thông minh Israel phá tan 3 lớp phòng thủ Syria, diệt gọn mục tiêu - Ảnh 2.

S-125/SA-3 Goa được thiết kế để đối phó với các mục tiêu tầm thấp, yểm trợ cho các hệ thống S-75/SA-2 Guideline tầm xa hơn. Ảnh: Tetraedr

Buk-M2: Do Nga thiết kế từ những năm 1970, hệ thống được dùng để đánh trả tên lửa hành trình, chiến đấu cơ bay chậm cỡ nhỏ, máy bay không người lái và bom thông minh. Phiên bản mà Syria sở hữu là Buk-M2 (hay SA-17 Grizzly theo mã định danh của NATO). 

Bệ phóng di động của hệ thống gồm 4 tên lửa kết nối với một radar chỉ thị mục tiêu và một trung tâm chỉ huy hỏa lực. Phiên bản hiện đại hơn của hệ thống có tầm tấn công 150 km. Ít nhất một trong những hệ thống này đã bị phá hủy vào tháng 5/2018.

Hệ thống tấn công tầm xa

S-200: Hay còn có tên gọi khác là SA-5 Gammon, được chế tạo để đánh trả các mục tiêu tầm cao và có tầm tấn công 150 km. Các phiên bản hiện đại hơn có thể nối dài tới 300 km. Với đầu đạn nặng 200 kg, hệ thống này lớn hơn Buk (70 kg) và S-125 (60 kg).

Syria từng nhiều lần sử dụng S-200 để chống lại các cuộc không kích của Israel. Tháng 7/2017, một tên lửa S-200 mang theo đầu đạn 200 kg được cho là đã phóng về phía Thung lũng Jordan và bị Israel đánh chặn bằng hệ thống Arrow.

Trong một vụ đụng độ khác, Syria đã sử dụng S-200 bám đuổi một máy bay F-16 của Israel vào tháng 2/2018 khiến chiếc tiêm kích phản lực này sau đó đã bị rơi.

Các hệ thống phòng không của Syria thường được triển khai dày đặc xung quanh Damascus, Homs và căn cứ không quân T-4 ở nhiều vị trí chiến lược.

Tên lửa mới, đẹp, thông minh Israel phá tan 3 lớp phòng thủ Syria, diệt gọn mục tiêu - Ảnh 3.

S-200 là hệ thống tên lửa đất đối không được thiết kế để bảo vệ các khu vực rộng lớn khỏi các vụ tấn công bằng bom hoặc máy bay chiến lược. Ảnh: Army Recognition

S-300: Hệ thống S-300 được phát triển từ cuối 1970 và có cả các phiên bản cũ và mới. S-300 PM-2 được đưa vào sử dụng giữa những năm 1990. Tổ hợp trang bị một radar tiên tiến, một trung tâm chỉ huy và các xe mang phóng vận chuyển tên lửa. S-300 có tầm bắn 200 km.

S-300 PM-2 là hệ thống tiên tiến hơn mà Nga cung cấp cho Syria vào tháng 10/2018. Theo nhiều thông tin, hệ thống được cho là đã đi vào hoạt động đầu tháng 11 nhưng vẫn chưa được phòng không Syria sử dụng.

Tên lửa mới, đẹp, thông minh Israel phá tan 3 lớp phòng thủ Syria, diệt gọn mục tiêu - Ảnh 4.

Tên lửa phòng không S-300 tại triển lãm quân sự quốc tế ở Nga. Ảnh: Reuters

Các lớp phòng thủ tên lửa trong mạng lưới phòng không mà Syria đang sử hữu có thể đối phó được với một số mối đe dọa tới không phận đất nước. Tuy nhiên, rất nhiều hệ thống này đã quá cũ kỹ và không thể chống trả được các máy bay chiến đấu thế hệ 5 như F-35 hoặc có thể đối phó hiệu quả với tên lửa hành trình hay các đầu đạn tấn công tầm xa.

Bức tranh toàn cảnh về các cuộc giao chiến trên không tại Syria trong suốt 7 năm qua vẫn chưa thật rõ ràng. Israel tuyên bố đã tiến hành hơn 200 vụ tấn công trong 2 năm qua và khoảng 100 vụ nữa vào các năm trước đó. Tuy nhiên, chủng loại đầu đạn không được tiết lộ, trừ một số trường hợp hiếm hoi như chiếc F-16 bị rơi sau khi thực thi sứ mệnh quay trở về Israel.

Nga chắc chắn phải theo dõi rất kỹ tình hình bởi các hệ thống của họ trong tay Syria chưa chứng minh được hiệu quả của chúng.

Sự cố nghiêm trọng nhất là khi chính một quả tên lửa S-200 của Syria đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát IL-20 của Nga trên biển Địa Trung Hải vào tháng 9/2018.

Moscow cũng đã triển khai các hệ thống S-400 cùng radar và thiết bị tác chiến điện tử hiện đại hơn ở tỉnh Latakia phía Bắc Syria nhưng chưa khi nào dùng tới.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ ở Washington, D.C, Mỹ, Nga cho rằng, để bao quát toàn bộ không phận Syria, cần thiết phải triển khai ít nhất 2 tiểu đoàn S-400 và từ 3-4 tiểu đoàn S-300.

Tuy nhiên, ngay cả khi Syria được quyền vận hành S-300, việc Quân đội nước này không biết sử dụng hoặc chưa được đào tạo đến nơi đến chốn thì mạng lưới phòng không của họ vẫn thiếu các hệ thống đa tầng, hiện đại cần thiết để đáp trả các mối đe dọa mà họ đang phải đối diện từ phía Israel.

PK Syria bắn hạ tên lửa Israel đêm 25 rạng ngày 26/12/2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại