Quy định mức lương 25 đôla trong một giờ
Theo dữ liệu chính phủ, 58% cử tri ở bang Geneva đã ủng hộ sáng kiến quy định mức lương tối thiểu là 23 franc Thụy Sĩ (25 đôla) trong một giờ do liên minh công đoàn lao động hỗ trợ nhằm thúc đẩy chương trình giảm nghèo, tạo điều kiện hội nhập xã hội và là một phần trong nỗ lực tôn trọng phẩm giá con người giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Theo CNN, trong khi Thụy Sĩ không có luật lương tối thiểu đối với một quốc gia thì Geneva là bang thứ tư trong số 26 bang mà người dân có quyền tham gia bỏ phiếu về vấn đề mức lương lao động trong những năm gần đây sau các bang Neuchâtel, Jura and Ticino.
"Mức lương tối thiểu mới này sẽ áp dụng cho khoảng 6% công dân của bang kể từ ngày 1/11", Người đứng đầu bang Geneva - Mauro Poggia tuyên bố.
Communauté genevoise d'action syndicale – một tổ chức bảo trợ của các công đoàn Geneva mô tả kết quả này là một chiến thắng lịch sử và sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 30.000 công nhân và 2/3 trong số đó là phụ nữ.
Ông Michel Charrat, Chủ tịch Groupement transfrontalier européen đã nói trên the Guardian rằng đại dịch Covid-19 đã khiến cho một bộ phận dân cư của Thụy Sĩ không thể sống ở Geneva và lập luận mức lương tối thiểu mới sẽ giúp người dân không rơi vào ngưỡng nghèo và không cảm thấy bản thân mình rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Hội đồng bang Geneva – cơ quan hành pháp địa phương lên tiếng phản đối các lập luận cho rằng mức lương tối thiểu mới đạt mức cao nhất thế giới.
Hệ thống dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ kêu gọi các cử tri thực hiện quyền công dân 4 lần trong một năm. Công dân có quyền lợi thu thập các chữ ký giới thiệu các sáng kiến góp ý.
"Hai lần trước đây, các sáng kiến xây dựng mức lương tối thiểu bắt buộc ở Geneva đã được thông báo cho người dân và bị từ chối", ông Poggia chịu trách nhiệm Cơ quan An ninh, Lao động và Y tế của Geneva cho biết.
Hai cuộc bỏ phiếu trước đó đã diễn ra vào năm 2011 và 2014 và sớm nhất gần đây là cuộc trưng cầu dân ý quốc gia để đưa ra mức lương tối thiểu hàng giờ dự kiến là 22 Franc Thụy sĩ.
"Vào ngày 27/9, cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về chủ đề này cuối cùng đã được chấp thuận, trong đó mức lương tối thiểu là 23 Franc Thụy Sĩ quy định mỗi giờ", ông Poggia nói thêm.
Mức lương tối thiểu quy định 25 đôla mỗi giờ có thể là đáng kinh ngạc từ quan điểm của Mỹ bởi Washington quy định mức lương tối thiểu cho người dân chỉ ở mức 7,25 đôla một giờ.
"Geneva hiện là thành phố đắt đỏ thứ 10 trên thế giới", khảo sát mức sống toàn thế giới năm 2020 của The Economist Intelligence Unit cho biết.
Thụy Sĩ là một trong số các quốc gia giàu nhất trên thế giới nhưng kinh tế lại bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bênh Covid-19. Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế của chính phủ Thụy Sĩ dự kiến GDP Thụy Sĩ đã điều chỉnh giảm xuống -6,2% vào năm 2020 và tỷ lệ thất nghiệp trung bình vào khoảng 3,8%. Đây là mức sụt giảm kinh tế thấp nhất kể từ năm 1975.
Xếp hàng dài chờ đồ ăn miễn phí
Ông Michael Grampp, nhà kinh tế hàng đầu của Deloitte ở Thụy Sĩ nói rằng ông tin tưởng dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc xác định số lượng cử tri tán thành sáng kiến quy định mức lương tối thiểu mới. Nguồn nhân lực thu nhập thấp trong ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các biện pháp phong tỏa ở Thụy Sĩ do dịch bệnh.
"Tôi cho rằng nhiều người nhận ra số lượng người làm việc trong những lĩnh vực này. Điều này không giống với tất cả mọi người ở đây đang làm việc cho một ngân hàng hoặc một nhà máy sản xuất sô cô la. Chúng tôi cũng có một số lĩnh vực dịch vụ lớn hơn bị ảnh hưởng nặng nề và sắp phải đóng cửa", ông Grampp nói trên CNN.
"Điều này chắc chắn giúp đẩy số phiếu tăng lên khoảng 60%", ông nói thêm.
Ông Grampp tin tưởng rằng nhiều bang sẽ ban hành luật định về mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, ông Poggia khẳng định ông không hề tin tưởng rằng đại dịch có ảnh hưởng mạnh mẽ đến số phiếu bầu.
"So sánh với các quốc gia khác, mức độ đảm bảo an sinh xã hội giống với Thụy Sĩ sẽ kiềm chế các tác động kinh tế của dịch bệnh cho dù tỷ lệ thất nghiệp ảnh hưởng trong một số lĩnh vực như du lịch, khách sạn và nhà hàng", ông nói.
Gánh nặng mất việc làm đang khiến người dân nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ.
"Một nhóm hoạt động ở Geneva đã bắt đầu chiến dịch phân phối thực phẩm miễn phí trên toàn thế giới", ông Charlemagne Hernandez, người đồng sáng lập Caravane De Solidarité – một nhóm hoạt động ở Geneva nói.
Ông Hernandez nói trên CNN rằng nhóm mà ông đang tham gia thuộc tổ chức phi lợi nhuận Colis du Coeur đã giúp đỡ khoảng 6000 đến 9000 người mỗi tuần trong suốt mùa hè. Họ hỗ trợ phân phát các túi thực phẩm tươi và hàng khô thông qua chương trình kêu gọi quyên góp thuộc ngân hàng thực phẩm chính thức của Geneva và các nhóm từ thiện khác nhau. Tổ chức Colis du Coeur sẽ tiếp tục phân phối lương thực trong mùa đông năm nay.
Ông Hernandez bày tỏ tin tưởng rằng việc chấp nhận sáng kiến cho mức lương tối thiểu ở Geneva là cần thiết trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp đang là mối đe dọa đối với các công nhân thu nhập thấp trong thành phố.
Geneva được biết đến là thủ đô nhân văn của thế giới bởi sự hiện diện của nhiều tổ chức quốc tế. Ông Hernandez nhấn mạnh tinh thần đoàn kết trong thành phố đang trở nên mạnh mẽ hơn thường lệ khi nhiều người dân liên tục kêu gọi quyên góp số lượng lớn thực phẩm để thực hiện phân phối cho người nghèo trong đại dịch.