Báo Bloomberg (Mỹ) bình luận, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dường như đang thử thách mối quan hệ với Nga khi công khai ủng hộ Azerbaijan, trong khi Nga có thỏa thuận phòng thủ chung với Armenia, trong bối cảnh xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh ở Kavkaz (Caucasus) bước sang tuần thứ hai liên tiếp.
Lập trường của ông Erdogan trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nước, giúp ông có thêm tiếng nói trong vấn đề này, và thậm chí còn có thể gỡ nút thắt đã tồn tại ở Kavkaz 30 năm, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, nếu đẩy xa quá mức, sự ủng hộ đối với Azerbaijan có nguy cơ khiến Thổ Nhĩ Kỳ vấp phải sự phản đối từ một cường quốc quân sự có khả năng tấn công các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trên nhiều lĩnh vực.
"Ông Erdogan thực sự đang thử thách lòng kiên nhẫn của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin", ông Alexander Dynkin, người đứng đầu Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Khoa học Nga, đồng thời là một cố vấn của điện Kremlin, cho biết. "Ông ấy [Erdogan] ngày càng khiến ông Putin khó chịu hơn", ông Dynkin bình luận.
Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã căng thẳng từ trước khi xung đột giữa Azerbaijan và Armenia nổ ra tại Nagorno-Karabakh vào ngày 27/9 vừa qua, dù có những dấu hiệu khiến phương Tây tưởng rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã "rời bỏ" Mỹ và các đồng minh NATO để hợp tác với Nga.
Theo Bloomberg, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có cố vấn quân sự, lính đánh thuê hoặc binh sĩ được triển khai ở các phe đối đầu trong hai cuộc xung đột lớn tại Syria và Libya. Giờ đây, Moskva lo ngại rằng các lằn ranh đỏ có thể bị vượt qua ở Kavkaz (khu vực thuộc Liên Xô cũ), sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng nước này đã cử người Syria đến hỗ trợ Azerbaijan.
Hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ ngày càng vướng vào nhiều cuộc xung đột và tranh chấp. Phía Nga cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang chèn ép "ông lớn" dầu khí Gazprom của mình. Tháng 7 năm nay, lượng khí đốt được Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu từ Nga ít hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng khí đốt được quốc gia này nhập khẩu từ Azerbaijan tăng 22%.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng dự kiến sẽ sớm mở một đường ống khí đốt mới, cho phép công ty Azeri gas của Azerbaijan được cạnh tranh trực tiếp với Gazprom để giành thị phần ở châu Âu.
Phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1/10 vừa qua, Tổng thống Erdogan đã lên án lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Azerbaijan là "không thể chấp nhận được". Nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra lời kêu gọi này trong tuyên bố chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Pháp, Nga và Mỹ là đồng chủ tịch của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu, hay còn được gọi là Nhóm Minsk nhằm giải quyết tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Theo đó, ông Erdogan đã nói rằng Nhóm Minsk không còn phù hợp với mục đích ban đầu. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã liên hệ tình hình tại Nagorno-Karabakh với sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 - một phần nguyên nhân của cuộc xung đột ở Donbass hiện vẫn đang tiếp diễn.
Nga và Pháp cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã cử phiến quân Syria đến chiến đấu cho Azerbaijan, một động thái được cho là có thể đưa các phần tử Hồi giáo vào một cuộc xung đột vốn đã khiến người Azerbaijan theo đạo Hồi chống lại người Armenia theo đạo Thiên chúa. Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã bác bỏ cáo buộc này.
Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh chuyên theo dõi số người tử vong trong cuộc chiến ở Syria, hôm 3/10 cho biết 36 chiến binh Syria đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh quanh Nagorno-Karabakh trong 48 giờ trước đó, nâng tổng số lên 64 người. Nhóm cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã cử 1.200 chiến binh Syria tới Azerbaijan, chủ yếu là người dân tộc Turkmen.
Chuyên gia Dynkin cho biết: "Nếu sự tham gia trực tiếp của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hoặc phiến quân Syria được chứng minh, đó sẽ là lằn ranh đỏ. Đây không phải là kiểu chủ nghĩa đa cực mà ông Putin mong muốn."
Cuộc đối đầu của "hai con gấu lớn"
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã ủng hộ người Azerbaijan nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, nhưng mức độ can thiệp của ông Erdogan lần này là điều chưa từng có tiền lệ. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này thậm chí có thể làm nhiều hơn nếu Azerbaijan yêu cầu. Các cuộc tập trận chung quy mô lớn của Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã kết thúc vào tháng 8 vừa qua.
Về phần mình, Nga có một hiệp ước an ninh với Armenia và đã bán vũ khí cho cả hai bên trong cuộc tranh chấp. Điện Kremlin đã công khai nội dung của ít nhất hai cuộc trao đổi giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan kể từ ngày 27/9, trong khi không có cuộc trao đổi nào giữa ông Putin với Tổng thống Erdogan hoặc Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.
Một quan chức cấp cao của Ankara cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ không hề bỏ NATO theo Moskva, mà nước này tự cho rằng họ đang một mình chống lại sức ép của Nga trong khu vực.
Sinan Ulgen, một học giả tại viện nghiên cứu Carnegie châu Âu, nhận định, đó không phải là quan điểm phổ biến ở phương Tây. Mặc dù các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ nuôi ảo tưởng về mối quan hệ với Nga, nhưng họ đã đặt đất nước mình vào tình thế nguy hiểm khi xa lánh các đồng minh NATO vốn có thể hậu thuẫn cho họ.
Học giả Ulgen cho biết mục tiêu của ông Erdogan ở Azerbaijan là gạt Nhóm Minsk ra rìa để có được một vị trí trên bàn đàm phán mới - nơi có thể giải quyết dứt điểm xung đột Nagorno-Karabakh.
Đó cũng chính là chiến lược xây dựng đòn bẩy mà ông Erdogan đã áp dụng và đạt được một số thành công ở Libya, Syria và Đông Địa Trung Hải. Nhưng chiến lược này cũng tiềm ẩn rủi ro, bởi ông Putin có thể tấn công Thổ Nhĩ Kỳ ở bất kỳ địa điểm nào trong số đó, nếu các diễn biến thực tế vượt quá những điều nhà lãnh đạo Nga sẵn sàng chấp nhận, theo Bloomberg.
"Thổ Nhĩ Kỳ đang ở vị thế khó khăn hơn nhiều so với mức cần thiết, bởi họ mất lòng tin vào các liên minh truyền thống và ngược lại", ông Ulgen nhận định. Quyết định của ông Erdogan về việc chuyển giao hệ thống phòng không S-400 của Nga cũng đã ảnh hưởng tới lòng tin của các đồng minh.
Trong khi đó, ông Arkady Dubnov, một nhà phân tích tại Moscow, cho rằng Nga cũng có thể đang muốn dạy cho Armenia một bài học rằng "các chính sách chống Nga có thể dẫn đến việc ngừng hỗ trợ hoàn toàn". Năm 2018, Armenia đã có chính phủ mới với quan điểm ủng hộ Nga hơn.
Theo ông Dubnov: "Hiện tại, hai con gấu lớn này [Nga và Thổ Nhĩ Kỳ] đang cố gắng đánh dấu lãnh thổ của mình, nhưng ông Erdogan nên cẩn thận để không vượt quá giới hạn. Đất nước của ông ấy là một cường quốc lớn trong khu vực, nhưng ông ấy không được quên rằng Nga vẫn tự coi mình là người thống trị ở đây."
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: