"Quá ít ỏi": TQ mới chỉ miễn thuế 16 mặt hàng Mỹ, số phận hơn 5.000 loại hàng hóa khác đi về đâu?

Tất Đạt |

Các chuyên gia cho rằng động thái xuống nước của Trung Quốc và Mỹ chỉ mang tính tạm thời và khó có thể giải quyết được thương chiến trong một sớm một chiều.

Dấu hiệu tốt

Mới đây, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đón nhận quyết định của Trung Quốc trong việc miễn trừ một số loại thuốc chống ung thư và những mặt hàng khác của Mỹ khỏi danh sách thuế quan. Ông Trump ngay lập tức tuyên bố trì hoãn thời điểm bắt đầu áp dụng đòn áp thuế mới đối với hàng trăm tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

Động thái này đã phát đi tín hiệu tích cực trước bối cảnh hai cường quốc thế giới chuẩn bị có cuộc đàm phán thương mại tiếp theo.

Ông Trump nói tại một sự kiện: "Họ đã có một số động thái. Đó là điều rất tốt. Tôi nghĩ đó là một dấu hiệu tốt, là một bước tiến lớn".

Theo thông tin của Bộ Tài chính Trung Quốc, trong đợt miễn thuế đầu tiên, Bắc Kinh quyết định miễn trừ thuế đối với 16 loại mặt hàng của Mỹ, bao gồm thuốc chống ung thư, dầu nhớt, và thức ăn chăn nuôi.

"Tôi đàm phán với họ [Trung Quốc], tôi hiểu họ và tôi thích họ. Tôi hi vọng chúng ta có thể làm gì đó," ông Trump nói sau khi công bố hoãn tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, dời ngày thực hiện áp thuế từ ngày 1/10 sang ngày 15/10.

Chưa thể kết thúc thương chiến

Động thái của 2 bên chắc chắn đã làm giảm căng thẳng trước các cuộc đàm phán, nhưng các nhà phân tích không cho rằng Mỹ - Trung đã sẵn sàng để đạt được thỏa thuận kết thúc thương chiến.

Tiến sĩ kinh tế học Iris Pang của ngân hàng ING nhận xét: "Miễn thuế có thể được coi là một động thái thể hiện thành ý đối với Mỹ trước cuộc đàm phán tháng 10 tới, nhưng cũng có thể là cách để củng cố nền kinh tế Trung Quốc. Vẫn còn rất nhiều những sự bất ổn trong các cuộc đối thoại sắp tới. Danh sách miễn thuế chỉ có 16 mặt hàng, và nó không thể hiện rằng Trung Quốc sẽ thay đổi quan điểm trong thương chiến".

Trên thực tế, 16 mặt hàng là con số quá ít ỏi so với hơn 5.000 hàng hóa Mỹ đang chịu thuế quan của Trung Quốc. Hơn thế nữa, các sản phẩm nhập khẩu chính từ Mỹ, đặc biệt là đậu nành và thịt lợn, vẫn đang chịu thuế rất cao và Trung Quốc đã chuyển hướng nhập khẩu các loại sản phẩm này từ Brazil và các quốc gia khác.

Bắc Kinh đã tuyên bố rằng sẽ xem xét miễn thuế đối với một số hàng hóa Mỹ nếu không thể tìm được nguồn cung cấp từ nơi khác. Mỹ hiện tại là nhà cung cấp thực phẩm nuôi lợn sữa lớn nhất của Trung Quốc và Bắc Kinh chưa thể tìm được một nguồn cung cấp khác đáp ứng được nhu cầu của các nông trại ở nước này.

Các nhà phân tích còn cho rằng, khi hướng thuế quan tới đậu nành và xe hơi Mỹ, Trung Quốc đang "tấn công" trực tiếp vào tầng lớp ủng hộ ông Trump về mặt chính trị - chủ yếu là các nhà máy và nông trại ở vùng Trung Tây và miền Nam nước Mỹ - giữa bối cảnh nền kinh tế số 1 thế giới không còn phát triển nhanh như trước nữa.

Ủy ban Thuế quan Trung Quốc cho biết lệnh miễn trừ sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 17/9/2019 tới hết ngày 16/9/2020.

Trong khi đó, Mỹ cũng đã miễn trừ thuế cho 110 loại mặt hàng Trung Quốc vào hồi tháng 7, bao gồm các mặt hàng giá trị cao như thiết bị và linh kiện thiết bị phục vụ cho y tế.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin sẽ gặp mặt vào đầu tháng 10 tại Washington. Tuy nhiên, các quan chức cho rằng khó có thể đạt được một đột phá vào thời điểm hiện tại.

Trong 2 năm qua, chính quyền ông Trump đã tìm cách áp lực Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải thay đổi chính sách đối với vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ, thiên vị công ty nội địa và mở cửa thị trường.

Bắc Kinh và Washington đã tiến gần tới một thỏa thuận vào năm ngoái nhưng phía Trung Quốc đã từ chối thay đổi luật pháp để thỏa mãn yêu cầu của Mỹ.

Mới đây, tờ SCMP cho biết Trung Quốc có thể sẽ đồng ý mua nhiều nông sản Mỹ hơn để thể hiện thiện chí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại