TQ "vật lộn" với khủng hoảng quốc gia, chính phủ trấn an dư luận như thế nào?

Thủy Thu |

"Giá quá đắt, quá đắt, quá đắt! Chúng tôi không thể mua được", một người dân Trung Quốc bức xúc.

Kinh tế tăng trưởng chậm và chiến tranh thương mại leo thang đang làm đau đầu giới chức Trung Quốc. Trong khi đó, tình trạng thiếu thịt lợn trên thị trường đang nhanh chóng trở thành khủng hoảng quốc gia tại đất nước tỷ dân.

Dữ liệu được công bố vào thứ Ba tại Trung Quốc cho thấy, giá thịt lợn đã tăng lên trong vài tháng qua và hiện đang tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đây kêu gọi việc cần đưa ra một phản ứng "khẩn cấp hơn" cho vấn đề này. Tháng trước, một quan chức cấp cao khác trong chính phủ Trung Quốc nói rằng, vấn đề thịt lợn "có liên quan đến tình hình chung". Theo truyền thông nước này, ít nhất ba địa phương đã sử dụng đến lượng thịt lợn dữ dự chiến lược để đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo The New York Times (NYT-Mỹ), ngay cả khi biện pháp này được thực hiện thì ví tiền của người tiêu dùng Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Giá thực phẩm trên thị trường Trung Quốc ngày càng tăng trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ vẫn chưa hạ nhiệt.

Người dân khó khăn khi mua thịt lợn

"Giá quá đắt, quá đắt, quá đắt! Chúng tôi không thể mua được", bà Gui Yiyi, 69 tuổi bức xúc chia sẻ trước quầy thịt trong một siêu thị ở Bắc Kinh vào thứ Ba. Được biết, trong những ngày này, bà Gui chỉ đủ tiền mua bánh bao nhân thịt thay vì những miếng thịt lợn.

Chỉ số giá tiêu dùng do chính phủ Trung Quốc công bố hôm thứ Ba cho thấy, gánh nặng đối với người tiêu dùng nước này đang gia tăng. Dữ liệu cũng cho thấy giá thực phẩm đã tăng 10% so với năm ngoái. Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã dẫn đến việc Bắc Kinh tăng mức thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ Mỹ. Việc này vô hình trung khiến giá thực phẩm tại Trung Quốc tăng cao.

TQ vật lộn với khủng hoảng quốc gia, chính phủ trấn an dư luận như thế nào? - Ảnh 1.

Thịt lợn là mặt hàng chủ yếu ở thị trường Trung Quốc. Ảnh: NYT

"Chính phủ Trung Quốc luôn nói rằng nước này có thể chịu đựng mọi đau đớn và tác động từ xung đột thương mại", Victor Shih, Phó Giáo sư tại Đại học California, San Diego kiêm chuyên gia về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc, nói. "Nhưng điều họ không đề cập đến là những người chịu đựng nỗi đau chính là người dân".

Trung Quốc đã tuyên bố rằng, cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong nước. Nhưng các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Mỹ bao gồm đậu nành, thịt lợn, hải sản và dầu thô đã phải chịu mức thuế mới nhất có hiệu lực từ ngày 1/9.

Theo các nhà phân tích, giá thịt lợn vào cuối năm nay có thể sẽ cao gấp đôi so với năm 2018 và khi giới chức Trung Quốc chuẩn bị cho việc tăng giá mới thì những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Trong hơn một năm qua, Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát dịch bệnh tả châu Phi, một căn bệnh rất dễ lây lan tuy không gây ảnh hưởng trực tiếp đến con người nhưng khiến nhiều đàn lợn tại nước này bị tiêu hủy

Chính phủ Trung Quốc đã công bố đợt bùng phát đầu tiên của dịch lợn tả châu Phi vào tháng 8/2018. Kể từ đó, các báo cáo về dịch bệnh đã xuất hiện ở tất cả các tỉnh trên cả nước.

Để đối phó tình trạng lây lan dịch bệng, các chính quyền địa phương đã cấm nông dân chăn nuôi lợn bằng thức ăn thừa. Các quan chức đã thực hiện nhiều biện pháp cách ly và hạn chế vận chuyển sản phẩm chế biến từ lợn ở những vùng dịch. Cảnh sát cũng bắt giữ những người buôn bán thịt lợn nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, NYT cho biết, các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe rất khó thực hiện ở hàng triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên toàn Trung Quốc. Chính phủ nước này công bố, họ đã tiêu hủy 1,2 triệu con lợn trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch. Đây được cho chỉ là một phần nhỏ so với 700 triệu con lợn mà Trung Quốc tiêu hủy năm ngoái.

Nhiều nhà phân tích trong ngành chăn nuôi cho biết, các số liệu chính thức không phản ánh mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, nông dân và giới quan sát nông nghiệp Trung Quốc cho biết, nhiều trường hợp nhiễm dịch tả lợn châu Phi đã không được báo cáo cho cơ quan chức năng, dẫn đến nhiều con lợn bị nhiễm bệnh vẫn trà trộn vào thị trường. Nông dân Trung Quốc cho biết, trong một số trường hợp, các quan chức địa phương chậm phản ứng với dịch bệnh hoặc không sẵn sàng thừa nhận nó.

Chính phủ TQ trấn an dư luận

Trong bối cảnh giá thịt lợn tăng và các gia đình Trung Quốc chuẩn bị đón nhiều ngày lễ lớn, giới chức địa phương bắt đầu tìm kiếm những cách sáng tạo để cố gắng xoa dịu sự lo lắng của người dân.

Thành phố Ôn Châu, Chiết Giang cho biết họ có đủ lượng thịt lợn đông lạnh dự trữ để đảm bảo mỗi người dân địa phương có được 50 gram thịt mỗi ngày trong bốn ngày liên tiếp. Ở thành phố Nam Ninh, người dân cho biết rằng họ có thể mua được một kg thịt lợn mỗi ngày với giá rẻ. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, chính quyền của tỉnh Quảng Đông cam kết sẽ đưa hơn 3.100 tấn thịt lợn đông lạnh ra thị trường.

Chính phủ trung ương cũng công bố một loạt các biện pháp để khuyến khích nông dân tái khởi động hoạt động chăn nuôi lợn, bao gồm trợ cấp để xây dựng hoặc mở rộng trang trại lợn. Các khoản trợ cấp khác nhau được cung cấp cho những người nông dân sẵn sàng nuôi lợn với số tiền cao nhất lên tới 5 triệu nhân dân tệ.

Tuy nhiên, do thực tế một số vùng tại Trung Quốc vẫn còn xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nên việc mở rộng ngành chăn nuôi lợn có thể lại tạo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh mới.

TQ vật lộn với khủng hoảng quốc gia, chính phủ trấn an dư luận như thế nào? - Ảnh 2.

Một cơ sở chế biến thịt lợn ở Bắc Kinh. Ảnh: NYT

"Đối với chính phủ, đây thực sự là một nhiệm vụ rất khó khăn", bà Phan Thành Quân, một nhà phân tích nông nghiệp tại ngân hàng Rabobank, Hồng Kông nói. "Nhưng bạn không thể nói rằng chúng ta phải ngừng sản xuất để dập tắt nạn dịch này".

Bà này cho rằng, bất kể chính phủ có đưa ra ưu đãi nào thì chính nông dân mới là người quyết định có nên bắt đầu tái hoạt động chăn nuôi lợn hay không bởi họ là những người hiểu rõ nhất việc virus dịch bệnh vẫn tồn tại và nguy cơ lây nhiễm vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.

Song song với việc cố gắng bổ sung nguồn cung thịt lợn trong nước, các quan chức Trung Quốc cũng đưa ra những thông tin mới, nhấn mạnh lợi ích của việc ăn ít thịt lợn.

Tạp chí Life Times, thuộc quản lý của Thời báo Hoàn Cầu gần đây đã xuất bản một bài viết trên trang nhất có tiêu đề "Ăn thịt lợn ít sẽ tốt hơn".

Mặc dù ăn thịt lợn là một truyền thống lâu đời của người Trung Quốc nhưng bài báo đã dẫn lời một quan chức y tế có tên Hứa Thục Phương nói rằng, ăn quá nhiều thịt lợn sẽ dẫn đến chứng béo phì.

Bài báo trích dẫn lời của bà Hứa cho biết: "Trên thực tế, bất luận giá thịt lợn đắt rẻ ra sao, mọi người nên cải thiện chế độ ăn uống hiện nay, ăn ít thịt lợn và ăn nhiều thịt trắng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại