Vấn đề nan giải
Dịch tả lợn châu Phi đã làm Trung Quốc thiệt hại khoảng 1/3 tổng số cá thể lợn ở các trại chăn nuôi của nước này. Theo CNN, hiện tại chính quyền Bắc Kinh đang thảo luận để đưa ra những phương án cấp thiết nhất nhằm ổn định thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới này.
Thịt lợn là mặt hàng phổ biến ở Trung Quốc. Đây cũng là nơi sản xuất tới một nửa số thịt lợn trên thế giới. Bên cạnh đó, thịt lợn chiếm một vị trí quan trọng trong bữa ăn của người Trung Quốc và vì vậy, sự khan hiếm loại thực phẩm này có thể sẽ gây ra tình trạng bất ổn xã hội. Dịch tả lợn châu Phi bùng nổ ở Trung Quốc cũng là mối đe dọa khó lường đối với chuỗi cung ứng thịt lợn toàn cầu.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã đặt ra một số kế hoạch để điều chỉnh thị trường thịt lợn - bao gồm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nông trại lợn và các hộ gia đình chịu ảnh hưởng từ giá cả tăng cao - nhưng cuộc khủng hoảng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
CNN cho hay, giá thịt lợn bán lẻ ở Trung Quốc đã tăng gần 70% trong năm ngoái. Theo dữ liệu chính phủ, giá trung bình mà các nhà bán buôn đồng ý trả cho các nhà cung cấp đã tăng 90% vào tuần cuối tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nhà phân tích cho rằng giá thịt lợn có thể còn tiếp tục tăng.
Nông dân Trung Quốc không vội tái đàn sau khi tiêu hủy đàn lợn bệnh. Ảnh minh họa: Bloomberg
Bắc Kinh mới đây đã công bố nhiều biện pháp để khuyến khích nông dân nuôi thêm nhiều lợn hơn. Tuy nhiên, lượng thiếu hụt vẫn là quá nhiều so với nhu cầu của người tiêu dùng.
Do đó, chính quyền Bắc Kinh cam kết sẽ mở kho thịt lợn đông lạnh dự trữ cho tình huống khẩn cấp nếu cần thiết. Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói cơ quan này sẽ "theo dõi sát sao diễn biến thị trường" trước khi thông qua quyết định.
Giải quyết vấn đề nguồn cung thịt lợn không hề dễ dàng. Tới tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã mất hơn 100 triệu con lợn - theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Ngành công nghiệp thịt lợn
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt là do nông dân không vội tái đàn khi lứa lợn trước vừa bị tiêu hủy do dịch bệnh.
Vì vậy, chính quyền Trung Quốc đã phải tìm cách khuyến khích nông dân và các nhà sản xuất cho lợn sinh sản nhiều hơn. Các Bộ Nông nghiệp và Bộ Tài chính Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền địa phương hỗ trợ tiền để nông dân có thể sử dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho lợn, tăng gia sản xuất.
Ngoài ra, những hộ chăn nuôi lợn chịu thiệt hại từ dịch bệnh cũng nhận được một số tiền trợ cấp nhất định. Chính quyền Bắc Kinh đang lên kế hoạch để tăng viện trợ, hỗ trợ vay vốn và bảo hiểm đối với các hộ nuôi lợn trên toàn quốc.
Hiện tại, Trung Quốc đã ra quyết định hạn chế lượng thịt lợn mà nông dân có thể mua tại một vài thành phố. Chính quyền một số khu vực đã có chính sách bình ổn giá để trì hoãn giá thịt lợn đang tăng chóng mặt.
Ví dụ, tại Nam Ninh, thịt lợn được bán rẻ hơn 10% so với giá trung bình trên thị trường. Tuy nhiên, người dân tại đây chỉ được mua 1kg thịt lợn mỗi ngày.
Một số thành phố ở tỉnh Phúc Kiến cũng có chính sách tương tự về hỗ trợ giá và hạn chế khối lượng thịt lợn được bán ra mỗi ngày.
Chuyển hướng sang châu Âu
Các nhà phân tích dự đoán giá thịt lợn có thể tiếp tục tăng cao trong những tháng tới, đạt đỉnh 30 NDT (khoảng hơn 97 nghìn VNĐ) cho 1kg, tăng hơn 40% so với hiện tại.
Giá cao sẽ khiến Trung Quốc gặp nhiều áp lực hơn khi phải nhập khẩu thêm thịt lợn từ thế giới. Rabobank ước tính sản lượng thịt lợn ở Trung Quốc có thể sụt giảm tới 25%, và điều này đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ phải nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn thịt lợn để đáp ứng nhu cầu người dân.
Các nhà xuất khẩu lợn trên thế giới sẽ hưởng lợi từ tình hình này. Một nhà phân tích tại Rabobank cho rằng châu Âu sẽ là khu vực nhận được nhiều lợi ích về thương mại nhất.
Khối lượng thịt lợn nhập khẩu châu Âu tại Trung Quốc đã tăng 54% trong nửa đầu năm 2019. Hầu hết số thịt này tới từ Tây Ban Nha, Đức, Đan Mạch, Hà Lan và Pháp.
"Xu hướng đó có thể sẽ tiếp tục trong năm 2020," nhà phân tích của Rabobank cho hay.