Thua lỗ hơn 20 tỷ đồng, chàng trai 30 tuổi có hành động dại dột, phải nhập viện tâm thần

Ngọc Minh |

Tính tình vui vẻ hòa đồng nhưng vì vấn đề tiền bạc, Kiên (30 tuổi) đã có ý định uống thuốc cỏ tự tử.

Chuyên gia tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ về ca bệnh.

Chuyên gia tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ về ca bệnh.

Stress vì nợ nần

Kiên (tên nhân vật đã được thay đổi) sống tại Hà Nội. Kiên được mọi người đánh giá là người vui vẻ, nhiệt tình. Tuy nhiên, khi gặp cú sốc trong chuyện tiền bạc, anh đã muốn tìm tới cái chết.

Kiên có vợ và một con. Gia đình khá hoà thuận, chưa từng xảy ra xích mích.

Trước khi vào viện 3 tháng, Kiên gặp stress, căng thẳng do chuyện tiền bạc. Kiên chơi lan đột biến, thua lỗ hơn 20 tỷ đồng. Số tiền nợ quá lớn khiến cho Kiên lo nghĩ tìm cách trả nợ, chàng trai trẻ rơi vào buồn chán, thất vọng nhiều.

Theo người nhà Kiên, anh dần dần không muốn tiếp xúc với mọi người, không nói chuyện với ai, suy nghĩ bi quan tiêu cực về việc mất tiền và tương lai. Kiên có suy nghĩ tự ti về bản thân mà nghĩ là gánh nặng cho gia đình nên muốn giải thoát.

Trước khi vào nhập viện 4 ngày, Kiên đã mua thuốc diệt cỏ về uống, được người nhà phát hiện đưa vào trung tâm chống độc. Sau khi điều trị bệnh lý cơ thể ổn định, Kiên được chuyển tới Viện Sức khỏe Tâm thần điều trị tiếp. Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ đưa ra chẩn đoán Kiên có ý tưởng và hành vi tự sát, rối loạn thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài…

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân được điều trị theo đúng phác đồ, tuy nhiên đến ngày thứ 21, Kiên dùng dao nhọn gọt hoa quả để cắt tay tự tử tiếp, may mắn người nhà phát hiện và được nhân viên y tế sơ cứu, xử lý vết thương. Anh tiếp tục điều trị tâm thần bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý, thư giãn.

Sau 41 ngày điều trị, bệnh nhân đỡ buồn chán, không còn ý tưởng tự sát, đêm ngủ được, đi lại vận động nhiều hơn, bớt suy nghĩ bi quan tiêu cực hơn, bệnh nhân chủ động giao tiếp và tuân thủ điều trị, bệnh nhân được xuất viện, điều trị ngoại trú.

Thua lỗ hơn 20 tỷ đồng, chàng trai 30 tuổi có hành động dại dột, phải nhập viện tâm thần- Ảnh 1.

Bác sĩ Tâm chia sẻ về trường hợp bị rối loạn tương thích (ảnh PV).

TS.BS Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trường hợp bệnh nhân trên dù không có áp lực gia đình, công việc nhưng mắc bệnh vì hai vấn đề: tiền bạc, tâm lý. Bệnh nhân xấu hổ với đồng nghiệp, người thân… tất cả tích tụ lại, lâu dần dẫn tới các rối loạn tâm thần.

Kiên được chẩn đoán rối loạn thích ứng có hành vi và ý tưởng tự sát. Rối loạn thích ứng có tỉ lệ mắc từ 2-8% dân số nói chung và nữ giới được chẩn đoán mắc nhiều gấp đôi nam giới. Tuy nhiên, bệnh hay bị nhầm lẫn với trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Vì thế, khi thăm khám, các bác sĩ cần phải tìm hiểu rõ con đường dẫn tới trầm cảm, rối loạn lo âu là gì để xác định bệnh nhân có rối loạn thích ứng hay không.

Nhận biết rối loạn thích ứng

Theo bác sĩ Tâm, các yếu tố nguy cơ dẫn tới rối loạn thích ứng là trải qua căng thẳng đáng kể trong thời thơ ấu, có vấn đề sức khỏe tâm thần khác, lạm dụng hoặc tấn công thể chất hoặc tình dục, lạm dụng khi còn nhỏ hoặc được bao bọc quá mức, gia đình tan vỡ khi còn nhỏ, thay đổi môi trường sống, môi trường học tập…

Để phòng rối loạn thích ứng, bác sĩ Tâm cho rằng cần phải thực hiện nguyên tắc 5 chữ R để giúp giảm stress, đó là:

- Recognition: Xác định nguyên nhân, nguồn gốc của stress, giáo dục và nâng cao nhận thức.

- Relationships: Tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ, trấn an.

- Removal: Loại bỏ các yếu tố gây stress và các yếu tố kích thích.

- Relaxation: Thư giãn thông qua các kỹ thuật như thiền, xoa bóp, tập thở.

- Re-engagement: Tái tương tác thông qua tái tiếp xúc có quản lý và giải mẫn cảm.

Bác sĩ Tâm khuyến cáo khi phát hiện người thân có vấn đề về sức khỏe tâm thần như mất ngủ không rõ lý do, buồn chán khi thay đổi môi trường, cuộc sống… thì cần đưa đi khám đúng chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại