Các nước chỉ cần có chung mục tiêu
Trong chuyến thăm tới Ấn Độ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen E.Biegun cho biết nhóm Bộ tứ Kim cương QUAD gồm 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc là dựa trên mối quan hệ đối tác được thúc đẩy bởi lợi ích chung, không có nghĩa vụ ràng buộc và cũng không có ý định trở thành một nhóm độc quyền.
Phát biểu tại Diễn đàn Ấn Độ - Mỹ tại Trung tâm Ananta (New Delhi), ông Biegun nói: "Bất kỳ quốc gia nào mong muốn một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và sẵn sàng hành động để đảm bảo điều đó, đều sẽ được hoan nghênh hợp tác với chúng tôi."
"Chúng ta cùng nhau ủng hộ một tầm nhìn đa nguyên và đảm bảo rằng các quốc gia trong nhóm bộ tứ và các quốc gia khác trong khu vực có thể phát triển mạnh mẽ trong một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở."
Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar (phải) và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun. Ảnh: Twitter.
Hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ
Vào hôm 12/10, Thứ trưởng Biegun đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla và tiếp đó là Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar trong khuôn khổ chuyến công du 3 ngày.
Theo The Indian Express, các cuộc trò chuyện của ông sẽ tạo tiền đề cho cuộc gặp cấp bộ trưởng Mỹ - Ấn Độ 2+2 giữa Ngoại trưởng S Jaishankar, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh phía Ấn Độ và Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper phía Mỹ.
Tại cuộc họp, ông Biegun cho biết Mỹ đã bắt đầu "tăng cường việc bán khí tài và chia sẻ thông tin tình báo với Ấn Độ. Nhưng hai nước có thể làm nhiều hơn thế, gồm tăng cường khả năng phòng vệ của Ấn Độ và thúc đẩy khả năng tương tác giữa quân đội hai bên thông qua các cuộc tập trận và trao đổi thường xuyên, các nền tảng phòng thủ chung và cùng phát triển."
"Cuộc họp cấp bộ trưởng 2+2 sắp tới giữa ông Pompeo và ông Jaishankar và những người đồng cấp quốc phòng tương ứng sẽ là cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu các bước tiếp theo trong vấn đề này," ông bổ sung.
Ông Beigun cũng nói rõ rằng các quan hệ đối tác an ninh mà Mỹ và những đồng minh có ngày nay không nhất thiết phải tuân theo mô hình của thế kỷ trước về các hiệp ước phòng thủ chung với sự hiện diện đông đảo của quân đội Mỹ trong nước.
"Khi Mỹ đánh giá lợi ích của Mỹ và cách những lợi ích này giao nhau với Ấn Độ, chúng tôi thấy được các điều kiện cho một mối quan hệ đối tác sâu sắc hơn."
"Ngày nay Mỹ có thể hưởng lợi từ việc tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia có chung tầm nhìn với chúng tôi về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở và sẽ tìm cách hỗ trợ khả năng tự phòng thủ của chính quốc gia đó."
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: