Thứ trưởng Bộ Y tế: Nhiều người phàn nàn đi viện sợ nhất nhà vệ sinh bệnh viện

Phương Linh |

GS Nguyễn Viết Tiến cho rằng, trong trường hợp bác sĩ điều trị tốt cho người bệnh, sau đó người bệnh đến cảm ơn bác sĩ có thể là phong bì, quà hoặc hoa…đó là điều đáng trân trọng.

Nên hiểu thoáng vấn đề bác sĩ nhận phong bì

Chiều ngày 27/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo Chỉ số hài lòng của người bệnh đánh giá chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập ở Việt Nam từ góc nhìn của người bệnh.

Tại buổi Hội thảo này, rất nhiều những vấn đề đã được đưa ra, trong đó có thái độ phục vụ người bệnh, tình trạng mất vệ sinh hay bác sĩ nhận phong bì.

PGS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý, khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, thời điểm 5 năm về trước, ngành y còn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối, trong đó đáng ngại là việc nhận phong bì.

Hiện nay, tình trạng này tuy đã giảm rất nhiều, nhưng đâu đó vẫn còn những "con sâu làm rầu nồi canh".

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng cho rằng, tình trạng nhận phong bì đã đỡ nhiều so với trước, nhưng nhưng để nói không có trường hợp nào nhận phong bì thì không thể".

Thứ trưởng Bộ Y tế: Nhiều người phàn nàn đi viện sợ nhất nhà vệ sinh bệnh viện - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia tọa đàm về sự hài lòng của người bệnh

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chia sẻ thêm về vấn đề bác sĩ nhận phong bì, đó là bởi văn hóa nước ta là Á đông.

Khi người thân mắc bệnh phải đến viện được các bác sĩ chữa bệnh tốt, lúc đó người nhà bệnh nhân thường băn khoăn, trong đầu luôn đặt ra câu hỏi nên cảm ơn như thế nào để không ảnh hưởng đến bác sĩ, mà bản thân người bệnh cảm thấy thoải mái.

"Đó là sự trân trọng thật lòng từ người bệnh với bác sĩ, chứ không hề gượng ép. Trong hoàn cảnh đó, bác sĩ được nhận phong bì là hoàn toàn đáng trân trọng. Thậm chí, nhiều trường hợp không chỉ là phong bì, đó còn có thể là quà, thậm chí chỉ là bó hoa", Thứ trưởng Tiến chia sẻ.

Đồng thời, vị lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho rằng, nếu việc nhận phong bì xuất phát từ việc ép buộc, đổi chác để nhận lại sự nhiệt tình thì cần phản đối kịch liệt. Bộ Y tế sẽ làm quyết liệt vấn đề này.

Sợ nhất nhà vệ sinh bệnh viện

Kết quả khảo sát độ hài lòng bệnh nhân mới được Bộ Y tế công bố, được ghi nhận thông qua khảo sát độc lập với sự tham gia của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện dựa trên danh sách gần 140.000 bệnh nhân nội trú ở 29 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia chương trình khảo sát thí điểm.

Theo kết quả chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98/5 điểm, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đạt mức 79,5% so với kỳ vọng của người bệnh.

Với thang điểm trên, nhà vệ sinh bệnh viện ít được người bệnh hài lòng nhất, tiếp theo là chi phí khám, chữa bệnh,… Theo đó, lĩnh vực nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,58 điểm).

Đối với lĩnh vực được người bệnh đánh giá hài lòng nhất là việc cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc (3,88 điểm), tiếp theo là lĩnh vực chi phí khám, chữa bệnh và chất lượng giường, chăn, ga, gối, đệm (3,9 điểm).

Đối với bệnh viện, trong tổng số 29 bệnh viện khảo sát có 5 bệnh viện được phản hồi tốt nhất từ người bệnh, đó là các bệnh viện: Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh bà Rịa Vũng Tàu), Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM), Bệnh viện Phụ Sản (TP Cần Thơ), Bệnh viện Lao và bệnh Phổi (tỉnh Thái Bình), thuộc nhóm xếp hạng rất tốt, 16 bệnh viện được xếp hạng tốt và 8 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng Khá, 2 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng trung bình.

Nhận định về việc công khai kết quả khảo chỉ số hài lòng người bệnh, PGS Lương Ngọc Khuê cho rằng, kết quả khảo sát sẽ giúp tăng cường trách nhiệm của các bệnh viện công, minh bạch về chất lượng khám chữa bệnh và thực hiện công tác giám sát của người dân.

Xem thêm:

Y, Bác sĩ lo ngại bị hành hung tấn công bạo lực ở bệnh viện (Nguồn VTV1)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại