Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại hội nghị liên quan về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định 116 và Thông tư số 03 của Bộ Giao thông Vận tải về nhập khẩu ô tô diễn ra hôm nay (26/2).
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: "Hôm nay là một dịp rất tốt để các doanh nghiệp, cơ quan quản lý có thể nói với nhau một cách thẳng thắn về một chính sách mà tất cả chúng ta đều hết sức quan tâm.
Tôi nghĩ rằng những người ngồi ở đây thì rất hiểu những vấn đề liên quan trực tiếp đến các công việc và quyền lợi của mình. Tôi nhấn mạnh chữ quyền lợi, chính vì vậy nó có thể gây ra những ý kiến trái chiều".
Ông Hải nhắc lại việc tại sao lại có Nghị định 116. Cụ thể theo quy định, việc sản xuất, kinh doanh về ô tô là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mà đương nhiên kinh doanh có điều kiện thì phải đưa ra những điều kiện.
Thêm vào đó, quy trình để làm Nghị định 116, ông Hải khẳng định, đã tuân thủ hết sức nghiêm túc những quy định về ban hành một văn bản pháp luật và trực tiếp đây là cấp Nghị định.
Để làm được việc này, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập một tổ công tác chuyên ngành về lĩnh vực ô tô gồm Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học công nghệ và còn rất nhiều thành phần khác, đặc biệt có Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).
"Có thể chúng tôi không đi hết được đến từng doanh nghiệp, nơi sản xuất kinh doanh, nhưng chắc chắn đã có sự bàn luận, chúng tôi dùng từ là sự phản biện, thậm chí là tranh cãi, những vấn đề và đã tiếp nhận những thông tin đó", ông Hải nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Hải: "Tôi nghĩ rằng, chỉ mấy triệu dân cũng phải có một ngành công nghiệp ô tô, đó là quyền lợi chính đáng. Dân số Việt Nam là 100 triệu thì lợi ích, quyền lợi của 100 triệu người dân là hết sức quan trọng.
Chúng tôi rất mong muốn như Hoa Kỳ là có General Motors, có Ford; người Nhật có Toyota, Honda và rất nhiều sản phẩm khác. Là công dân Việt Nam, chúng tôi cũng rất mong muốn là Việt Nam cũng phải có một thương hiệu về ô tô".