'Thủ phạm' gây hại da, tăng nguy cơ ung thư lẩn trốn trong ánh nắng mặt trời

PV |

Vào mùa hè, tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài đi kèm với ngưỡng chỉ số tia cực tím cao đến rất cao có thể gây hại cho làn da, thậm chí là tăng nguy cơ mắc ung thư da.

Nắng, tia cực tím là yếu tố tàn phá làn da, gây các triệu chứng tổn thương da hoặc lão hóa da. Tiếp xúc lâu với ánh nắng cũng được cho là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư da.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính có hơn 1,5 triệu trường hợp ung thư da được chẩn đoán trên toàn cầu vào năm 2020. Tại Việt Nam, ung thư da là 1 trong 10 loại ung thư phổ biến nhất.

Vậy, nắng và tia cực tím có thể gây nguy hiểm cho làn da thế nào? Dấu hiệu cho thấy làn da đang bị tổn thương bởi ánh nắng là gì? Làm sao để chống nắng, chống tia cực tím một cách hiệu quả nhất trong mùa hè này?

Tất cả sẽ được giải đáp tại buổi tọa đàm trực tuyến Chuyện khó có bác sĩ với chủ đề “Chống nắng và tia cực tím - Tác nhân tàn phá, gây ung thư da”.

Chương trình được phát sóng trên fanpage của Soha.vn, Soha Sống vui - sống khỏeMXH Lotus với sự tham gia tư vấn của Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Khu điều trị laser, BV Trung ương Quân Đội 108.

Mời quý độc giả xem chương trình tại video dưới đây:

Dưới đây là một số nội dung chính của chương trình:

Tia cực tím - tác nhân gây hại cho da

Hỏi: Tia cực tím là gì?

Đáp: Tia UV hay còn được gọi là tia tử ngoại, tia cực tím là một loại sóng điện từ có bước sóng ngắn. Tia cực tím được chia thành 3 loại là tia UVA, UVB và UVC. Trong đó, tia UVC có tác dụng tiệt trùng. Cả 3 loại tia này đều không nhìn thấy được bằng mắt thường.

Hỏi: Tia cực tím nguy hiểm với sức khỏe như thế nào?

Đáp: Tia cực tím ngoài có tác dụng tiệt trùng còn có thể ảnh hưởng tới chất lượng làn da của con người. Đặc biệt, tia cực tím còn có khả năng gây ung thư da.

Cường độ tia cực tím phụ thuộc vào thời điểm trong ngày, thời điểm trong năm và độ che phủ của mây. Để đánh giá mức độ nguy hiểm của tia cực tím, chúng ta có thể căn cứ vào các chỉ số UV.

Hỏi: Mức tia cực tím thế nào mới gây nguy hiểm? Có phải chỉ những ngày thật nắng nóng thì mới có mức tia cực tím nguy hiểm?

Đáp: Khoảng thời gian có cường độ tia cực tím mạnh là từ 10 - 15 giờ. Vì vậy, trong khoảng thời gian này, mọi người cần hạn chế di chuyển ra ngoài trời. Nếu phải đi ra ngoài, mọi người cũng cần phải áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ da và phòng chống tia cực tím.

Thông thường, vào những ngày nắng nóng cực điểm như những ngày vừa rồi ở Hà Nội, chỉ số tia UV ghi nhận tương đối cao, đạt mức 10 - 11. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư da nếu chúng ta hoạt động ngoài trời mà không có các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Thủ phạm gây hại da, tăng nguy cơ ung thư lẩn trốn trong ánh nắng mặt trời - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Khoảng thời gian có cường độ tia cực tím mạnh là từ 10 - 15 giờ.

Hỏi: Cháy nắng, bỏng nắng là một tình trạng thường gặp vào mùa hè, nhiều người cho rằng đây là vấn đề bình thường và sẽ hết trong vòng một vài ngày. Điều này có đúng không?

Đáp: Cháy nắng, bỏng nắng là phản ứng bình thường của cơ thể khi da tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng và tia UV. Dấu hiệu của bỏng nắng sẽ thường xuất hiện trong khoảng 10 - 15 phút sau khi da tiếp xúc trực tiếp dưới nắng nóng cường độ cao.

Các dấu hiệu cảnh báo bỏng nắng bao gồm:

- Xuất hiện tình trạng bỏng, rát nhẹ trên da.

- Xuất hiện các vết bỏng nước.

Mức độ nặng, nhẹ của bỏng nắng sẽ được căn cứ vào thời gian tiếp xúc, cường độ ánh nắng. Thông thường, các triệu chứng của bỏng nắng tương đối nhẹ, do đó nhiều người chủ quan, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da, thậm chí là ung thư da.

Hỏi: Khi da bị tổn thương do cháy nắng, người dân cần làm gì?

Đáp:

Đầu tiên, người dân cần bảo vệ da khỏi cháy nắng bằng cách sử dụng các biện pháp chống nắng, chống tia UV khi phải ra ngoài trong thời tiết nắng nóng. Các biện pháp có thể kể đến như sử dụng áo chống nắng, bôi kem chống nắng hoặc sử dụng thuốc chống nắng.

Khi da bị bỏng nắng, cháy nắng mọi người có thể áp dụng các phương pháp điều trị bỏng thông thường như chườm lạnh; rửa vùng da bị bỏng bằng nước mát, sau đó sử dụng thêm các loại thuốc điều trị bỏng nhẹ như kem làm dịu da, nước lô hội.

Khi bị bỏng nắng nặng, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau, có thể sử dụng thêm các loại thuốc giảm đau để điều trị.

Chú ý bổ sung đủ nước cho cơ thể. Bởi khi bị bỏng nắng, cơ thể không chỉ mất nước do tiết mồ hôi mà còn mất nước do nước thoát qua vết bỏng.

Hỏi: Vì sao nắng, tia cực tím có thể gây ung thư da?

Đáp: Bức xạ của tia cực tím là một trong những tác nhân gây ung thư da. Nếu da tiếp xúc trực tiếp với các bức xạ này trong một thời gian dài có thể khiến vùng da bị lão hóa sớm và làm tổn thương các ADN ở tế bào biểu bì, gây đột biến, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư da.

Hỏi: Ung thư da có điều trị khỏi được không? Dấu hiệu cảnh báo ung thư da là gì?

Đáp: Ung thư da là căn bệnh có tiên lượng tốt nếu bệnh được phát hiện sớm và được điều trị kịp thời.

Các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư da là:

- Trên da xuất hiện các dấu vết bất thường như da đóng vảy hoặc da chậm liền vết thương hơn so với các vùng khác, đặc biệt là vùng da hở như vùng da ở đầu, mặt, cổ, chân, tay.

- Trên da xuất hiện các đốm màu đỏ cứng hoặc đốm đậm hơn màu da bình thường. Các vết tổn thương lan rộng ra vùng da xung quanh.

Khi có các dấu hiệu bất thường trên da, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thủ phạm gây hại da, tăng nguy cơ ung thư lẩn trốn trong ánh nắng mặt trời - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ: Trên da xuất hiện các đốm màu đỏ cứng hoặc đốm đậm hơn màu da bình thường có thể là dấu hiệu của ung thư da.

Hỏi: Nắng và tia cực tím có ảnh hưởng gì tới quá trình lão hóa da không?

Đáp: Lão hóa da là quá trình tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, việc phơi nhiễm trực tiếp với tia cực tím và tia UVA trong một khoảng thời gian dài có thể gây ra tình trạng lão hóa da sớm.

Hỏi: Ngoài các vấn đề về da kể trên, liệu còn có các vấn đề về da nào khác người dân cần lưu ý hay không?

Đáp: Bên cạnh các vấn đề về da kể trên, vào mùa hè, việc dưỡng ẩm cho da cũng đóng vai trò rất quan trọng. Dưỡng ẩm cho da giúp da không bị khô và mất nước, đặc biệt là đối với dân văn phòng, những người thường xuyên ngồi làm việc ở trong điều hòa.

Ngoài ra, mọi người cũng cần bổ sung nước và các vi chất cần thiết cho da để da luôn khỏe mạnh, tươi sáng, hồng hào.

Biện pháp chống nắng và tia cực tím hiệu quả

Hỏi: Làm thế nào để chống nắng, chống tia cực tím một cách hiệu quả nhất?

Đáp: Để chống nắng, chống tia cực tím hiệu quả, mọi người cần lưu ý đối với những thời điểm ánh nắng gay gắt, chói chang, nếu phải ra ngoài cần thực hiện các biện pháp bảo vệ da, mắt khỏi tác hại của tia cực tím như đeo kính râm, bôi kem chống nắng, uống thuốc chống nắng.

Hỏi: Kem chống nắng có vai trò gì trong việc bảo vệ da? Có phải trời nắng hoặc đi ra nắng mới phải dùng kem chống nắng?

Đáp: Kem chống nắng cần phải được sử dụng thường xuyên hàng ngày chứ không phải chỉ khi trời nắng mới bôi. Khi sử dụng kem chống nắng, mọi người có thể căn cứ vào các chỉ số chống nắng như SPF, PA để lựa chọn loại kem chống nắng phù hợp với tính chất công việc của bản thân.

Thủ phạm gây hại da, tăng nguy cơ ung thư lẩn trốn trong ánh nắng mặt trời - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ: Kem chống nắng cần phải được sử dụng thường xuyên hàng ngày để bảo vệ làn da.

Hỏi: Thực phẩm có giúp ích trong việc chống nắng và tia cực tím hay không?

Đáp: Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nếu nồng độ vitamin C trong cơ thể cao có thể vô hiệu hóa các bức xạ. Vì vậy, việc thường xuyên bổ sung dinh dưỡng bằng các loại rau, quả tươi cũng là một hình thức để bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời và tia UV.

Hỏi: Đắp mặt nạ bằng các loại rau củ quả để làm mát làn da trong mùa hè rất được ưa chuộng. Điều này có hiệu quả hay không?

Đáp: Việc đắp mặt nạ bằng rau củ quả không chỉ giúp làm mát dịu da và cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho da mà còn giúp cấp ẩm cho làn da. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp bảo vệ làn da hiệu quả.

Hỏi: Tầm quan trọng của việc uống đủ nước là gì?

Đáp: Vào mùa hè, cơ thể có cơ chế điều hòa thân nhiệt bằng cách toát mồ hôi. Việc toát mồ hôi vào mùa hè dễ khiến cơ thể mất nước. Vì vậy, việc bổ sung nước và các chất điện giải cho cơ thể là điều cần thiết. Thông thường, vào mùa hè, chúng ta có thể uống từ 2 - 4 lít nước tùy theo tính chất công việc của từng người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại