Thỏa thuận hạt nhân Iran: Ông Trump sẽ mạnh tay, hay tiếp tục cho Iran cơ hội cuối cùng?

Hồng Anh |

Một số chuyên gia dự đoán rất có thể ông Trump sẽ tung các đòn trừng phạt mạnh tay nhằm vào ngân hàng trung ương và các cá nhân, tập đoàn kinh tế lớn của Iran.

Chiều 7/5 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố về thời gian đưa ra quyết định liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran (JPCOA) trên tài khoản Twitter cá nhân:

"Tôi sẽ công bố quyết định về Thỏa thuận Iran lúc 14h chiều mai tại Nhà Trắng" (tức 1h sáng 9/5, theo giờ Việt Nam).

Thỏa thuận JPCOA năm 2015 do các nước P5+1 - gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc - kí với Iran để ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này, đổi lại Iran được dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế tại thời điểm đó và tiếp tục nghiên cứu các chương trình hạt nhân hòa bình.

Tổng thống Trump luôn có lập trường phản đối thỏa thuận này. Ông luôn chỉ trích gay gắt rằng đó là hành động "điên rồ", và đây là một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất Mỹ từng tham gia kí kết. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng hứa sẽ xé bỏ thỏa thuận này ngay khi ông nắm quyền Tổng thống.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, ông Trump chỉ mới đe dọa và áp đặt lại lệnh trừng phạt, chứ chưa chính thức rút khỏi thỏa thuận với Iran như đã nói.

Trong những tháng gần đây, nhiều dấu hiệu cho thấy ông Trump đang muốn áp dụng những chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, chẳng hạn như việc thay thế nhiều vị trí chủ chốt trong nội các bằng những nhân sự có lập trường phản đối thỏa thuận Iran (tân Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton).

Ngoài ra, ông Trump cũng đã hội đàm cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, lãnh đạo quốc gia được cho là đối địch trong khu vực của Iran.

Dựa vào những dấu hiệu trên, các chuyên gia cho rằng ông Trump rất có thể sẽ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Iran vào ngày mai, hoặc chí ít là tiến hành các động thái cứng rắn hơn đối với Iran để khiến thỏa thuận này thất bại.

Nhiều ý kiến dự đoán ông Trump sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngân hàng trung ương của Tehran, hoặc nhắm đến đối tượng doanh nhân và các tổ chức của nước này.

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Ông Trump sẽ mạnh tay, hay tiếp tục cho Iran cơ hội cuối cùng? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump từng nói rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là thảm họa.

Sau chuyến công du Mỹ tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông tin rằng ông Trump sẽ rút khỏi thỏa thuận này vì những lí do riêng. Các thị trường năng lượng đang chuẩn bị đối mặt với tình huống tệ nhất sau khi ông Trump đưa ra lời tuyên bố chiều mai.

Sau đây là một số dự đoán của Washington Post về các kịch bản có thể xảy ra sau khi ông Trump đưa ra quyết định:

Kịch bản 1: Ông Trump tiếp tục duy trì JPCOA

Kịch bản này đồng nghĩa với việc ông Trump sẽ không tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Trên lý thuyết, ông Trump nên duy trì thỏa thuận này. Tất cả các tổ chức quốc tế lớn, bao gồm Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, đều khẳng định Iran đang thực hiện đúng cam kết như trong thỏa thuận. Tuy nhiên ông Trump vẫn không thấy thuyết phục, dù lãnh đạo các nước châu Âu đã ra sức vận động hành lang và thuyết phục ông này.

Do đó, về cơ bản, kịch bản này sẽ không xảy ra.

Kịch bản 2: Ông Trump cho Iran cơ hội cuối cùng

Điều này đồng nghĩa với việc ông Trump sẽ hoãn áp lệnh trừng phạt thêm 1 lần nữa, và yêu cầu Iran phải có những nhượng bộ đáng kể trong thời hạn 3 tháng.

Nếu ông Trump quyết định làm theo kịch bản này, thì các bên kí kết thỏa thuận sẽ có thêm thời gian để giải quyết những vấn đề ông đã nêu, ví dụ như kì hạn của thỏa thuận, hay việc các điều khoản trong thỏa thuận không cấm Iran thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Ngoài ra, ông Trump cũng không muốn Iran hỗ trợ các nhóm phiến quân như Hezbollah, và các lực lượng nổi dậy tại Syria và Yemen.

Các lãnh đạo châu Âu cho biết một số vấn đề trên có thể được giải quyết thông qua đàm phán. Tuy nhiên, đó cũng là điều khá khó khăn bởi lãnh đạo Iran cũng đã khẳng định nước này sẽ không đàm phán lại thỏa thuận này.

Hơn nữa, một số yêu cầu của ông Trump liên quan đến các nhóm phiến quân ở nước ngoài lại nằm ngoài phạm vi của JPCOA.

Chuyên gia về Iran Ali Vaez cho biết, có thể trước mắt các nước châu Âu như Đức, Pháp và Anh sẽ cố gắng khiến ông Trump nguôi giận để ổn định thỏa thuận này, sau đó họ sẽ giành quyền trở thành người chơi chính trong thỏa thuận này.

Kịch bản 3: Ông Trump tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran nhưng không thực hiện ngay

Cũng như kịch bản trước đó, lựa chọn này sẽ giúp các bên tham gia thỏa thuận có thêm thời gian để thương lượng và trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, chưa chắc họ đã thay đổi được tình thế. Hơn nữa, nếu ông Trump càng cứng rắn hơn, thì Iran sẽ càng không muốn tham gia thương lượng.

Kịch bản 4: Ông Trump rút khỏi thỏa thuận, tái áp đặt trừng phạt, và tuyên bố sẽ lập tức trừng trị những kẻ dám trái lời Mỹ

Nếu ông Trump quyết định tung đòn trừng phạt nhằm vào ngân hàng trung ương Iran, các tập đoàn của Mỹ và các nước khác sẽ có đúng 180 ngày để thực hiện lệnh trừng phạt này và ngừng mua dầu từ Iran. Nếu họ không thuận theo Mỹ, họ sẽ trở thành đối tượng tiếp theo bị Washington trừng phạt.

Một số ý kiến lạc quan cho rằng cách tiếp cận này của Mỹ có thể đưa Iran quay lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, viễn cảnh này khó có khả năng xảy ra. Chúng ta không thể biết Anh, Pháp và Đức có chấp nhận làm trái ý Mỹ hay không, khi họ đã nói rằng sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận này.

Tuần trước, Đại sứ Iran tại Anh cũng tuyên bố nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, thì nước này sẽ coi như "không còn thỏa thuận nào nữa".

Nga cũng có thể tận dụng cơ hội này để "bắt tay riêng" với Iran và khiến Mỹ suy yếu.

Kịch bản cuối cùng: Ông Trump vừa rút khỏi thỏa thuận, vừa mạnh tay trừng phạt Iran hơn mức cần thiết

Các chuyên gia gọi kịch bản này là "lựa chọn hạt nhân". Ông Trump có thể quyết định tung đòn trừng phạt không chỉ nhắm đến Ngân hàng trung ương Iran, mà còn nhằm vào 400 cá nhân và tập đoàn kinh doanh của Iran.

Dù ông Trump có quyết định như thế nào, thì việc ông không muốn duy trì thỏa thuận đã khiến hiệp ước này suy yếu, và rất có thể sẽ khiến các nước khác cũng rút khỏi thỏa thuận. Như chuyên gia Vaez đã nói, "lựa chọn đầu tiên là cách tốt nhất, nhưng theo những gì ông Macron tiết lộ sau chuyến công du Mỹ, kịch bản ấy rất khó có thể xảy ra".

Tổng thống Trump: Thỏa thuận hạt nhân Iran là điều khủng khiếp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại