Kịch bản đáp trả của Iran nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân

Thùy Linh |

Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào ngày 12/5 và nếu vậy, Iran chắc chắn sẽ có hành động đáp trả.

Theo thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.

Tuy nhiên, việc Mỹ nhiều khả năng “rút khỏi cuộc chơi” đang khiến thỏa thuận hạt nhân có nguy cơ sụp đổ. Nếu điều đó xảy ra, Iran sẽ có nhiều cách để trả đũa, trong đó có việc phá hủy những lợi ích của Mỹ và đồng minh ở Trung Đông.

Đây là một số kịch bản đáp trả của Iran:

Iraq

Khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm phần lớn lãnh thổ Iraq vào năm 2014, Iran đã nhanh chóng hỗ trợ Baghdad. Khi đó, Iran trang bị và huấn luyện hàng nghìn tay súng Shiite ở Iraq. Các lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) này cũng là một thành phần chính trị đáng kể ở Iraq.

Nếu thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, Iran có thể “kích động” PMF, lực lượng lâu nay luôn muốn Mỹ rời khỏi Iraq, đẩy mạnh các vụ tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ tại Iraq. Đây cũng là một cách để Iran tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ.

Syria

Iran và các đồng minh bán quân sự như Hezbollah của Lebanon đã tham gia vào cuộc chiến ở Syria từ năm 2012. Iran trang bị vũ khí và huấn luyện cho hàng nghìn tay súng bán quân sự Shiite để hỗ trợ chính phủ Syria. Theo giới chức Israel, Iran đã tuyển mộ ít nhất 80.000 tay súng Shiite.

Sự hiện diện của Iran ở Syria đã lần đầu tiên đưa nước này vào một cuộc xung đột trực tiếp với Israel, với một loạt xung đột trong những tháng gần đây. Giới chức Israel nói rằng họ sẽ không bao giờ để Tehran hay Hezbollah thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực ở nước láng giềng Syria.

Nếu thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, Iran sẽ lại có lý do để không ngăn các đồng minh Shiite ở Syria khỏi việc tiến hành các vụ tấn công nhằm vào Israel.

Iran và các lực lượng mà nước này kiểm soát ở Syria có thể sẽ “gây rắc rối” cho 2.000 binh sỹ mà Mỹ triển khai ở miền Bắc và miền Đông Syria để hỗ trợ các tay súng người Kurd.

Lebanon

Hẳn chưa ai quên cuộc chiến tranh biên giới Lebanon kéo dài 34 ngày năm 2006. Nó còn được gọi là cuộc chiến Israel-Hezbollah.

Theo giới chức Israel và Mỹ, Iran hiện nay đang trợ giúp Hezbollah xây dựng các nhà máy để sản xuất tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao hay tái chế các tên lửa tầm xa với hệ thống dẫn đường chính xác cao.

Các lực lượng Israel liên tục tấn công Hezbollah ở Syria, nơi nhóm này đang dẫn đầu nhiều nhóm phiến quân Shiite được Iran hậu thuẫn. Trong khi đó, khẩu chiến giữa Israel và Iran đã gia tăng trong mấy tuần gần đây. Dù Hezbollah và Israel nói họ không muốn có xung đột, nhưng căng thẳng vẫn có thể nổ ra và leo thang thành cuộc chiến Lebanon như đã từng trước đây.

Năm ngoái, Hezbollah nói rằng, bất cứ cuộc chiến nào do Israel phát động nhằm vào Syria và Lebanon có thể thu hút hàng nghìn tay súng từ các nước trong đó có Iran và Iraq tới Lebanon để trợ giúp Hezbollah.

Hezbollah cũng là một lực lượng chính trị lớn ở Lebenon, và đang muốn đẩy mạnh vị thế của mình trong cuộc bầu cử ngày 6/5. Ở thời điểm này, Hezbollah đang làm việc với các nhóm chính trị đối lập, trong đó đáng chú ý là Thủ tướng Saad al-Hariri, người được phương Tây hậu thuẫn.

Nhưng nếu thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, Iran có thể gây áp lực Hezbolla cô lập các phe phái khác tại Lebanon, một diễn biến mà các chuyên gia nhận định là sẽ gây bất ổn cho Beirut.

Yemen

Iran chưa bao giờ thừa nhận can dự quân sự trực tiếp ở Yemen. Nhưng giới chức Mỹ và Saudi Arabia nói rằng Iran cung cấp vũ khí cho các tay súng Houthi. Nhóm Houthi đã từng phóng tên lửa vào Riyadh và các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia với tuyên bố đáp trả các cuộc không kích mà Saudi Arabia tiến hành ở Yemen.

Hiện cả Iran và Saudi Arabia đang mắc kẹt trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở khu vực. Những người ủng hộ thỏa thuận hạt nhân nói rằng nó tránh cho những cuộc xung đột khỏi leo thang thành chiến tranh mở rộng.

Nếu thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, Iran có thể tăng cường hỗ trợ Houthi. Điều này đương nhiên có thể dẫn tới sự đáp trả quân sự từ Saudi Arabia và các đồng minh Vùng Vịnh như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Rút khỏi Hiệp ước NPT

Iran cũng có các lựa chọn liên quan trực tiếp đến chương trình hạt nhân của mình. Giới chức Iran đã nói rằng, một lựa chọn mà họ đang cân nhắc là rút hoàn toàn khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei nói rằng, Tehran không muốn phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng nếu Iran rút khỏi NPT, thì đây là hồi chuông cảnh báo đối với toàn cầu.

Ngay cả nếu không rút khỏi NPT, thì Iran cũng nhiều khả năng sẽ tăng cường làm giàu Uranium, hoạt động vốn bị hạn chế nghiêm ngặt theo thỏa thuận hạt nhân để đảm bảo nhiên liệu này sẽ không được Iran sử dụng để chế tạo bom hạt nhân.

Theo thỏa thuận hạt nhân hiện nay, Iran chỉ được làm giàu Uranium cấp độ 3,6%. Iran đã ngừng làm giàu Uranium cấp độ 20% và từ bỏ phần lớn kho lưu trữ theo thỏa thuận năm 2015.

Uranium làm giàu ở mức độ 20% là vượt quá mức 5% thông thường được dùng cho các nhà máy điện hạt nhân, mặc dù nếu muốn chế tạo bom hạt nhân thì cần phải có Uranium làm giàu cấp độ 80-90%.

Đầu tuần này, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi nói rằng, Iran đã có khả năng làm giàu Uranium ở cấp độ cao hơn so với thời trước khi ký thỏa thuận hạt nhân.

Tất nhiên, Iran sử dụng kịch bản đáp trả nào sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức có tiếp tục làm phần việc của mình với thỏa thuận quốc tế mà HĐ BA LHQ đã thông qua hay không và Trung Quốc muốn Iran tham gia nhiều chừng nào vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của mình.

Khi đó sẽ lại có một một phép thử về ý chí nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục các lệnh trừng phạt và đe dọa những người vi phạm với việc đóng băng tài sản và không cho giao dịch với hệ thống ngân hàng Mỹ. Trong số các bên còn lại ký thỏa thuận hạt nhân, chỉ có Trung Quốc, khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Iran, có khả năng ít bị ảnh hưởng nhất./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại