*K+ hoàn toàn có quyền độc quyền?
Về nguyên tắc thì đúng là như thế cho dù K+ vốn được coi là “con đẻ” của VTV (VTV giữ 51% vốn K+). Đây là câu chuyện kinh doanh thuần túy.
Bản quyền truyền hình các trận đấu tại vòng loại U.23 châu Á đã được AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á) giao quyền khai thác cho đối tác MP & Silva.
Cũng giống như câu chuyện bản quyền Ngoại hạng Anh trước đây, nó là vấn đề thuận mua- vừa bán. Nhà đài nào trả tiền cao hơn thì MP & Silva bán.
Lâu nay, xung quanh một số giải bóng đá được NHM Việt Nam quan tâm, do không tìm được tiếng nói chung, các đơn vị truyền hình trả tiền lao vào cuộc đua bản quyền (để tìm cách độc quyền) khiến cho đối tác, cụ thể là MP & Silva thu lợi bằng cách nâng giá lên nhiều lần (giá bản quyền World Cup 2014 là một điển hình).
Với vòng loại U.23 Châu Á lần này, sự có mặt của Olympic Việt Nam sẽ không quá “hot” nếu thiếu vắng những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh, Huy Toàn…
Trong khi các nhà đài con lưỡng lự nâng lên đặt xuống thì K+ đã nhanh chân hơn có được bản quyền. Lý do mà các đài “chậm chân” chính là việc mải “đo” sức nóng sự kiện cũng như e ngại về giá.
Phó giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC ông Vũ Quang Huy cho biết, VTC đã giao cho phòng bản quyền tiếp xúc với đối tác MP & Silva, nếu giá thành gói bản quyền này hợp lý VTC sẽ ký kết để phục vụ người hâm mộ, tuy nhiên VTC sẽ không mua bằng mọi giá.
Trong khi đó, ngày 1.3, khi được hỏi, đại diện của VTV ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV cho biết VTV vẫn chưa biết thông tin gì liên quan đến gói bản quyền của giải đấu. Song cũng giống như ông Huy, ông Lương khẳng định:
Nếu như giá quá cáo VTV cũng sẽ không tham gia vào việc mua bán. Còn ông Trần Văn Úy - Tổng giám đốc SCTV cũng khẳng định, đơn vị này sẽ không tham gia vào quá trình đàm phán và mua bản quyền giải đấu.
Như vậy có thể nói, K+ đã “một mình một ngựa” trong cuộc đua có bản quyền các trận đấu của Olympic Việt Nam và khi đã có bản quyền, K+ hoàn toàn có thể độc quyền giải đấu này.
Vì sao phải chơi đẹp?
Khác với những tranh cãi trước đây về việc nhượng quyền bản quyền cho các đài khác, lần này K+ tỏ ra chơi đẹp khi tuyên bố luôn sẵn sàng chia sẻ miễn phí cho các kênh quảng bá của VTV.
Vì sao K+ chơi đẹp khi họ có quyền từ chối? Ở đây có thể hiểu “ngóc ngách” của vấn đề mà tuyên bố “vì người hâm mộ” chỉ là một phần. Phát biểu trên trang web của VTV, ông Lê Chí Công – Tổng giám đốc K+ nói:
“Do nhu cầu theo dõi các trận đấu vòng loại U23 VĐQG châu Á 2015 của khán giả rất lớn, K+ sẵn sàng chia sẻ với một số kênh truyền hình quảng bá của VTV dưới hình thức được phép tiếp sóng miễn phí để phục vụ đông đảo người hâm mộ Việt Nam đúng với ý nghĩa và tinh thần dân tộc của giải đấu”.
Chuyện “tế nhị” là ở chỗ dù hoàn toàn có quyền nhưng K+ khó lòng “ăn trọn” miếng bánh vòng loại U 23 Châu Á (dù rất muốn).
Bởi lẽ nếu làm vậy, khán giả và người hâm mộ cả nước sẽ buộc phải lên tiếng về trách nhiệm của VTV về những trận đấu của đội tuyển QG trong vai trò một đài QG, hơn nữa là đơn vị nắm 51% cổ phần K+.
Mặt khác, việc K+ mua được bản quyền và chơi đẹp bằng cách chia sẻ miễn phí cũng được cho là hành động đẹp của bộ máy lãnh đạo mới của K+ mới được bổ nhiệm hồi cuối năm 2014.
Đó là ông Nguyễn Thành Lương, phó Tổng VTV được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV K+ còn ông Lê Chí Công - Phó Chánh văn phòng VTV được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Liên doanh VSTV thay cho ông Cao Văn Liết (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VSTV đã hết nhiệm kỳ công tác).
Rõ ràng, K+ muốn mà không thể độc quyền được gói U.23 vòng loại Châu Á một phần vì chính hình ảnh của họ. Tuy nhiên, ở đây cũng cần phải đề cập đến vai trò của VTV.
Tại sao một đài QG- đang hoạt động bằng tiền ngân sách lại tỏ ra thờ ở với chính trận đấu của đội tuyển, thờ ơ với NHM cả nước? Để rồi câu chuyện diễn ra theo một hướng rất ngược là phải đợi con đẻ K+ mua rồi “chia sẻ” mới có được quyền phát miễn phí cho dân.
Đó là những câu hỏi mà VTV phải trả lời.