Vào bóng cực mạnh với cầu thủ U23 Hàn Quốc, Ngô Hoàng Thịnh gãy 2 xương sườn và mất giấc mơ SEA Games 28.
HLV Miura nhận lỗi khi cho rằng mình luôn hối phúc học trò chơi lăn xả. Còn Ngô Hoàng Thịnh tự nhận chơi bóng quyết liệt đã là bản năng, nên không trách cứ ai.
Nhưng nhìn sâu xa hơn, chấn thương của Hoàng Thịnh chẳng phải tại HLV Miura, cũng chẳng phải tại bản thân tiền vệ này “thích” đá rắn.
Vì nhìn rộng ra, ở SLNA có rất nhiều mẫu cầu thủ chơi lăn xả như Hoàng Thịnh. Và họ thường xuyên làm người khác hoặc chính bản thân mình bị đau.
Ngô Hoàng Thịnh vào bóng quyết liệt để rồi chính mình là người bị đau
Khi một vấn đề được lặp đi, lặp lại, sẽ đã là hệ thống. Và việc chơi bóng quá đỗi quyết liệt là hệ thống đã tồn tại rất lâu ở SLNA.
Thậm chí, ngay cả NHM bóng đá nơi đây cũng yêu thích, thậm chí tôn thờ lối đá quyết liệt ấy.
Những hình ảnh từ thời Hữu Thắng, Huy Hoàng băng đầu bê bết máu đã trở thành “biểu tượng” cho sự xả thân chiến đấu.
Để rồi đến các lứa cầu thủ năng khiếu sau này đều được khán giả và các HLV SLNA hò reo cổ vũ mỗi khi lao mình vào đối phương như những đấu sĩ quyết chiến.
Không riêng gì ở SLNA, mỗi cuối tuần tại V-league, sân chơi đỉnh cao của bóng đá Việt Nam cũng đều dễ dàng bắt gặp các hình ảnh quyết liệt quá mức thậm chí phản cảm.
Hình ảnh Chí Công song phi vào đầu gối Lucas Cantoro, rồi “phun mưa” vào mặt Văn Học đã in sâu vào tâm trí NHM.
Hay Văn Nam giở những miếng “võ bẩn” với Hoàng Vũ Sam Sơn và bị trả đũa… đã trở thành những hình ảnh vô cùng tồi tệ để các cầu thủ trẻ lĩnh hội.
Các cầu thủ trẻ không có tội khi chơi quyết liệt và có quyền phạm lỗi trong khuôn khổ luật lệ.
Nhưng giữa quyết liệt và thô bạo là một ranh giới vô cùng mong manh mà những người dìu dắt họ từ những lứa năng khiếu đã không dạy dỗ, chỉ bảo đến nơi đến chốn.
Chúng ta tự hỏi vì sao HAGL và U19 Việt Nam năm 2014 lại gây được tiếng vang và cứu vãn cho cả một nền BĐVN đang trong thời kỳ kiệt quệ?
Những Tuấn Anh, Duy Mạnh, Tiến Dũng lại luôn nhận được những tình cảm đặc biệt của NHM chân chính dù ở bất cứ hoàn cảnh nào?
Bởi họ là những cầu thủ đã lĩnh hội được tư tưởng huấn luyện đúng đắn trong bóng đá, trong thể thao và luôn thi đấu đẹp.
HLV trưởng CLB Hà Nội, Nguyễn Đức Thắng, người đang làm công tác huấn luyện cầu thủ trẻ cho CLB Hà Nội T&T từng chia sẻ:
“Bản thân tôi làm công tác huấn luyện và quản lý cũng thấy được sự bất cập này.
Tôi luôn chú trọng công tác giáo dục triệt để về tâm lý, tư duy khi thi đấu của cầu thủ trẻ, khi ngày ngày những hình ảnh xấu xí kia vẫn đập vào mắt họ”.
Hai chiếc xương sườn gãy của Hoàng Thịnh chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện, đào tạo bóng đá trẻ ở Việt Nam.
Đây cũng là bài học cho cả những nhà làm bóng đá, những khán giả yêu bóng đá đích thực.
Chúng ta hãy cứu lấy sự nghiệp của các cầu thủ bằng những sự cổ vũ trung thực, nhiệt tình cho lối đá đẹp mắt, cao thượng.
Và những HLV, những nhà tổ chức hãy mạnh tay loại bỏ các hành vi xấu, các cầu thủ kém đạo đức và lối chơi thô bạo mang tư tưởng dằn mặt, triệt hạ đối phương.
>>> Sửng sốt với con số chấn thương ở U23 Việt Nam