Nội bộ ĐTQG Việt Nam từng rạn nứt nghiêm trọng?
Sau trận ĐT Việt Nam thắng nhọc Đài Loan 2-1 cách đây ít tuần, HLV Miura bị chỉ trích rất mạnh mẽ bởi CĐV và giới chuyên gia nước nhà. Sau đó, báo giới thậm chí còn lấy được phát biểu của một vài cầu thủ giấu tên, khẳng định không hài lòng với ông thầy Nhật.
Vậy chính xác thì chuyện mâu thuẫn nội bộ này như thế nào, nó nghiêm trọng đến đâu và có thật sự là một nguy cơ lớn với HLV Miura?
Theo nhận định của nhà báo Minh Hải, một người đã rất nhiều năm theo sát các lứa ĐTQG, cũng như rất thân với HLV Miura thì không phải vậy! Câu chuyện học trò không hài lòng với HLV Nhật Bản rất bình thường và thực tế lúc nào cũng có!
Đến Việt Nam dẫn dắt ĐTQG và U23 từ ngày 10/5/2014, HLV Miura thực tế đang đạt tỷ lệ chiến thắng rất cao.
Với ĐTQG, ông đã dẫn dắt 10 trận, thắng 6, thua 2 và hòa 2, đạt tỷ lệ thắng 60%. Ở U23 Việt Nam, HLV này dẫn dắt 13 trận, thắng 9 và thua 4, đạt tỷ lệ chiến thắng 69.23%.
“Chính xác là HLV Miura không nhận được 100% sự ủng hộ của các cầu thủ.
Ông ấy triệu tập 23 cầu thủ rồi lên thành 24, 25 gì đó. Sau đấy ông ấy phải loại 5 cầu thủ, thì 5 cầu thủ đó đương nhiên cảm thấy không thoải mái.
Mỗi trận, 11 cầu thủ đá chính thì 11 người còn lại bị ức chế.
Có 3 sự thay đổi người thì vẫn còn 8 cầu thủ không được sử dụng, đương nhiên sẽ có những tâm tư, đó là vấn đề ở tất cả các đội bóng.
Nên nói vậy khó lý giải được sự thành công của Sir Alex, từ vụ liên quan tới Jaap Stam hay Roy Keane hay cho David Beckham “ăn” nguyên chiếc giày vào mí mắt...
Tôi nghĩ chuyện va đập giữa những người đàn ông với nhau, đặc biệt trong mối quan hệ, đôi khi phải nói là loại trừ, thì nhạy cảm lắm.
Bóng đá là môn khá đặc biệt, nổi tiếng. Các cầu thủ có tài thì có cá tính, đôi khi họ cảm thấy uy tín, tài năng của mình xứng đáng chơi trận như thế nên nảy sinh nhiều rắc rối”.
Quả thật, bất cứ HLV nào cũng luôn mâu thuẫn với không ít thì nhiều các cầu thủ. Đến như Jose Mourinho, khi rời Chelsea lần 1 cũng bị cho là do các học trò cưng “đâm sau lưng”.
Khi ông rời Real, Ronaldo – ngôi sao từng rất nhiều lần ca ngợi Mou, cũng được cho là có “tiếp tay” đẩy thầy đồng hương ra đường.
Ở thời điểm hiện tại, Jose Mourinho cũng đang gặp khó khăn ở The Blues và bị cho là mất lòng các học trò. Đó chỉ là chuyện rất bình thường và không có nghĩa HLV bất tài hay kém đẳng cấp.
HLV Miura vừa trải qua quãng thời gian khó khăn nhất cuộc đời, nhưng sẽ còn nhiều thách thức phía trước.
Cách xử lý của Miura
Tất nhiên khi mâu thuẫn có xu hướng lên cao hơn mức bình thường, HLV Miura cũng đã có đôi chút điều chỉnh trong cách hành xử để cân bằng lại.
Cụ thể, ông đã gần gũi, trao đổi nhiều hơn với các cầu thủ áo đỏ, đặc biệt là các nhân vật nhạy cảm như Công Phượng.
“Vấn đề sẽ luôn xảy ra, nhưng cách giải quyết thế nào thôi. Tôi nghĩ cách đồng bộ nhất là từ 2 phía. Tức là khi HLV không sử dụng cầu thủ này, thì sẽ giải thích cho họ tại sao lại thế.
Ví dụ hôm qua sử dụng Huy Hùng và Duy Mạnh thì Hoàng Thịnh sẽ không vui. Nếu được thi đấu chắc chắn Hoàng Thịnh sẽ hạnh phúc hơn.
Hoặc Tiến Duy là dự bị cho Huy Cường ở Quảng Ninh và nếu so sánh tất cả thì Duy không thể bằng Cường về kinh nghiệm, sự ăn ý... Nhưng vẫn chọn Duy vì chiều cao.
Thời gian vừa rồi Duy thi đấu 10 trận còn Cường chơi 17, 18 trận. Thì ông Miura lại tính thi đấu ít ở V-League nên thể lực sẽ tốt hơn?
Tôi nghĩ vấn đề là cách báo chí đưa ra không mang tính xây dựng. Hoặc họ không biết chính xác thông tin như thế nào. Khi đội tuyển tập "đóng" thì lại đoán già, đoán non rồi đưa ra, bình luận các thông tin sai.
Ông Miura là người rất văn minh và không bao giờ cố gắng làm đẹp lòng tất cả mà chỉ muốn điều tốt nhất cho tuyển.
Ông ấy là người không thích nói nhiều, mà để tất cả tự hiểu. Các cầu thủ là những người ông cho thông minh mới chơi bóng đỉnh cao được.
Ông ấy muốn hướng cầu thủ tới những điều tích cực hơn. Tất cả mọi khái niệm đều gắn với từ chuyên nghiệp: ăn, ngủ, nghĩ chuyên nghiệp. Tất cả đều hướng tới như thế.
HLV Miura có thói quen tập luyện cùng các học trò.
Thời gian qua ông ấy cũng nói chuyện nhiều hơn với các cầu thủ, ví dụ như Công Phượng, 3 lần gọi lên tuyển chưa đá chính trận nào, gặp Man City thì chỉ được ra vài phút.
Ông ấy cũng nói thẳng với Công Phượng luôn và có các sự so sánh, nói nên thế này, thế kia.
Ông ấy suy nghĩ đẩy Công Phượng lên bây giờ có thể bị chín ép, không thể hiện được có thể bị “chột”. Thể hiện được nhiều quá thì tất nhiên quá tốt.
Cơ hội của CP còn rất nhiều. Ở tuổi 20 của Công Phượng, lúc đó còn chưa ai biết Công Vinh là ai. Giờ cậu ấy thì có xuất phát điểm quá tốt rồi”.
Trong mỗi HLV luôn có những sự mâu thuẫn nhưng nằm trong sự cân bằng tuyệt vời. Ví dụ HLV Miura là người rất nghiêm khắc, đưa ra yêu cầu rất cao trong cả tập luyện lẫn thi đấu.
Ở khía cạnh chuyên môn, ông rất độc lập, ít chịu tác động.
Để bù lại những sắc thái “mạnh và cứng” ấy, ông thầy Nhật Bản lại rất chăm chút, tâm lý với học trò bên lề sân cỏ.
Ông luôn cố gắng là người đi mua hoa và bánh để tổ chức sinh nhật cho học trò. Trên hết, ông là một người tận tâm với bóng đá Việt Nam. Vậy thì sao lại tiếc rẻ đôi chút thời gian để vị HLV Nhật Bản có thể thoải mái hơn thể hiện khả năng của mình?
Cậu học trò cưng Công Vinh khen ngợi HLV Miura