Một năm “có lãi”
Từ hồi cuối tháng 9, giám đốc điều hành của HAGL - Huỳnh Mau đã tuyên bố, số doanh thu mà HAGL thu về trong mùa bóng vừa qua lên đến 20 tỷ.
Trong đó, hợp đồng lớn với nhà tài trợ Nutifood tạo cho HAGL có nguồn thu ổn định trong nhiều năm.
Một số ngôi sao như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường cũng mang về hàng tỷ đồng tiền quảng cáo với các hãng bia, dược phẩm và tham gia đóng quảng cáo cho Nutifood.
16 vị trí quảng cáo trên sân Pleiku hiện được HAGL tận dụng triệt để với mức giá cạnh tranh, đóng góp 1,6 tỷ đồng vào ngân sách CLB.
Sau đó, tại cuộc họp tổng kết V-League 2015 (vào cuối tháng 10), bầu Đức cũng đã tuyên bố ông chỉ phải bỏ ra dưới 15 tỷ đồng để nuôi cả đội HAGL trong một mùa, thậm chí còn sinh lãi 5 tỷ đồng. Đây là điều rất hiếm có ở giải V-League.
Công bố của bầu Đức càng bất ngờ hơn nếu so sánh với hồi tháng 3/2012, ông chủ phố Núi đã từng tiết lộ với báo giới rằng ông phải mất khoảng 70 tỷ/ năm để làm bóng đá.
Bầu Đức đã lý giải số lãi có được ở mùa vừa qua là do cách làm bóng đá chuyên nghiệp của HAGL.
Đó là việc dựa trên nền tảng đào tạo trẻ vững mạnh để bớt hàng chục tỷ đồng mua sắm ngoại binh và chuyển nhượng cầu thủ nội, cộng với các hợp đồng quảng cáo, bán áo, bán vé…
HAGL cũng khác biệt so với phần còn lại bởi hầu hết các đội bóng tại V-League chủ yếu phải xin tiền từ ngân sách địa phương cũng như phụ thuộc quá nhiều vào "bầu sữa" của các doanh nghiệp.
Trong khi đó bầu Đức lại phát triển đội bóng theo hướng “lấy bóng đá để nuôi bóng đá” và đã bắt đầu thu được kết quả.
Công Phượng chính là ngôi sao đầu tiên được “xuất khẩu”, giúp bầu Đức thu về khoảng 2,2 tỷ đồng. Tiếp theo là Tuấn Anh và chuẩn bị là Xuân Trường, tổng cộng dự kiến sẽ giúp bầu Đức thu về số tiền khá lớn, lên tới hàng chục tỷ đồng.
Đó là về mặt tiền bạc, còn về yếu tố thành tích, uy tín, thương hiệu?
Năm 2015 không phải là một năm thành công về mặt danh hiệu với đội bóng HAGL. Giống như vài năm trở lại đây, đội bóng phố Núi không thể trở thành một trong những ứng viên cho chức vô địch V-League.
Với sự thay máu về lực lượng, đào tải nhiều cầu thủ luống tuổi để thay thế bằng những lứa cầu thủ trẻ Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường, Hồng Duy... HAGL phải vật vã để trụ hạng. Trong khi thành tích duy nhất của đội bóng chỉ là chức vô địch ở giải U21 quốc tế.
Tuy nhiên, việc trụ hạng thành công đã được nhiều người coi là một kỳ tích bởi có rất nhiều thời điểm đội bóng phố Núi bị rơi vào "cửa tử". May thay, đội bóng của bầu Đức đã hồi sinh ở giai đoạn cuối cùng để lách qua khe cửa hẹp.
Trong năm 2015, yếu tố thương hiệu, hình ảnh của đội bóng phố Núi vẫn có sức hút rất lớn đối với NHM.
Minh chứng là việc đơn vị truyền hình VTV đã phát sóng trực tiếp tất cả các trận của HAGL ở lượt đi và khá nhiều trận lượt về ở V.League trên kênh quảng bá phát sóng toàn quốc VTV6.
Với lứa cầu thủ rất “hot” như Công Phượng, Tuấn Anh… HAGL cũng chính là đội bóng duy nhất bán sạch vé cả mùa giải ngay khi giải đấu chưa diễn ra. Đây cũng là những cái tên được HNM quan tâm nhiều nhất trong suốt 1 năm vừa qua.
Nhìn chung, năm 2015 là một năm tương đối thành công với đội bóng của bầu Đức, từ tiền bạc đến thành tích thi đấu và cả yếu tố phát triển thương hiệu.
“Muỗi đốt inox” và cái tâm của bầu Đức
Mặc dù gọi là làm bóng đá “có lãi” sau một năm khá thất bát về mặt thành tích của CLB, nhưng số tiền mà bầu Đức thu được từ bóng đá chỉ như “muỗi đốt inox” nếu so với hàng chục triệu USD mà ông đã bỏ ra để đào tạo nên cả một thế hệ U19 đầy tài năng như hiện tại.
Đặc biệt, nó chỉ như muối bỏ biển nếu so với những khoản thua lỗ về tài chính của tập đoàn HAGL trong 1 năm qua.
Bởi năm 2015 được coi là cột mốc rất đáng quên với tập đoàn kinh tế mà bầu Đức sở hữu khi tập đoàn HAGL đã thua lỗ tới 3600 tỷ đồng do sự sụt giảm kỷ lục về giá cổ phiếu.
Theo báo cáo tính đến hết ngày 18/12/2015, cổ phiếu HAG của tập đoàn mà bầu Đức sở hữu mất giá trên 49% so với đầu năm (chỉ còn 11.300 đồng/đơn vị). Đây cũng là mức đáy kỷ lục kể từ khi niêm yết năm 2008.
Hệ quả của việc giá cổ phiếu lao dốc không phanh khiến tài sản của Bầu Đức “bốc hơi” tới 3600 tỷ đồng so với cuối năm 2014.
Nghĩa là nếu tính sơ sơ với mức lãi của việc làm bóng đá như thời điểm hiện tại thì phải mất hàng… trăm năm mới có thể gỡ nổi chừng đó!.
Nhắc đến điều đấy để thấy được rằng, trong bối cảnh thua lỗ nặng nề về mặt tài chính, sức ép lên người lãnh đạo như bầu Đức là cực kỳ nặng nề.
Bởi hơn ai hết, chính ông là người phải chịu trách nhiệm cho việc sụt giảm tài chính của tập đoàn HAGL cũng như tìm cách để cứu vãn tình trạng thê thảm hiện tại.
Ấy vậy mà trong làng bóng đá, người ta vẫn thấy bầu Đức nhiệt huyết như thế nào. Ông vẫn giành tâm sức để mà tranh đấu mạnh mẽ nhất nhằm thay thế chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG.
Ở nhiều trận đấu của HAGL, người ta vẫn bắt gặp vị ông bầu mới mái tóc ngày một bạc sương, ngồi đó chăm chú theo dõi “những đứa con” trên khán đài.
Ông vẫn hàng ngày lo xuất khẩu những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… , vẫn để để tâm đến những vụ việc Quế Ngọc Hải để sắm vai Mạnh Thường Quân…
Rõ ràng nếu là một người khác thay vì bầu Đức, sẽ thật khó để có thể nhiệt tâm với bóng đá như vậy trong bối cảnh con tàu kinh tế mình đang lái đang có dấu hiệu lệch phương hướng.
Phải chăng đó cũng chính là sự khác biệt của bầu Đức so với phần còn lại?
Chiều 23/12, bầu Đức đã quyết định hủy một cuộc họp rất quan trọng nhằm bàn việc kinh doanh với một nước ngoài để có mặt trong buổi lễ ký kết hợp đồng giữa Công Phượng và CLB Mito HollyHock phía Nhật Bản.
Tại đây, bầu Đức đã bày tỏ tâm huyết và tình yêu của mình khi so sánh việc "xuất khẩu" lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường như việc "một người cha đem gả 3 đứa con gái đi lấy chồng ngoại quốc".
Bầu Đức cũng để lại hình ảnh rất đẹp khi hôn vào má Công Phượng nhằm tiễn anh trước khi lên đường sang Nhật Bản thi đấu.