Vóc dáng thư sinh, đôi mắt như biết nói cùng nụ cười luôn nở trên môi, nếu ai đó lần đầu gặp chàng trai trẻ ấy, chắc chẳng thể tin nổi đó chính là Chưởng môn Bình Định Gia - phái võ lừng lẫy giang hồ.
Từ cậu bé kiêu ngạo tới trận tỉ thí nhớ đời
Buổi sáng mùa xuân khi những đợt rét đậm vẫn đang ùa về Hà Nội, chàng trai trẻ Trần Hưng Đạt vẫn dậy từ sớm, luyện võ công vì trót “nghiện” từ lúc nào chẳng ai hay.
Sau buổi tập mệt nhoài, Đạt phóng xe như bay về căn nhà ở một khu tập thể khá sập sệ tại phố Nguyễn Qúy Đức, quận Thanh Xuân.
Căn nhà nhỏ chừng hơn hai chục mét vuông ấy cũng là tổ đường của môn phái Bình Định Gia, nơi lưu giữ những kỷ vật của hai vị cố chưởng môn Trần Hưng Quang, Trần Hưng Hiệp (là ông nội và cha của Trần Hưng Đạt).
Sau khi lau qua cây mộc nhân cũ kỹ, chiếc côn tam khúc của cha đã phủ lớp bụi mờ, Đạt bắt đầu hồi tưởng lại chặng đường đến võ thuật từ thuở ấu thơ.
Sinh ra trong gia đình có ông nội là huyền thoại võ Việt – Trần Hưng Quang với những tuyệt kỹ vô song, người cha Trần Hưng Hiệp, một đại võ sư danh bất hư truyền nên Đạt đến với quyền cước từ rất sớm.
Nhưng định mệnh trêu ngươi, một tai nạn giao thông đã khiến Đạt vĩnh viễn mất đi người cha khi mới 2 tuổi rưỡi. Ông nội thì đã ở vào ngưỡng tuổi xế chiều, nên Đạt sớm trở thành Chưởng môn Bình Định Gia ở cái thuở còn “búng ra sữa”.
Đến với võ từ năm lên 6 nhưng nhờ được các cao đồ môn phái truyền thụ công phu cộng với uy danh lừng lẫy của ông nội và cha, Đạt đã nảy sinh thói kiêu hãnh, ngạo mạn.
Có thời điểm suốt 6 tháng ròng, đêm nào trước khi chìm vào giấc ngủ, chàng cũng mường tượng ra cảnh mình đang đứng tỉ thí trên võ đài, bên dưới là sự tung hô của hàng nghìn khán giả.
“Đường đường là chưởng môn của một phái võ lừng danh, dẫu chẳng phải đệ nhất thì cũng không phải dạng tầm thường”. Sự kiêu ngạo đến một cách lạnh lùng mà chính Đạt cũng chẳng thể hiểu nổi, dẫu cậu chưa hề gây sự với ai.
Cho tới một ngày, thật tình cờ, Đạt bỗng tỉnh ngộ! Hôm đó, chàng trai một mình tới điểm tập của một người trong cùng môn phái.
Khi những tuyệt chiêu của Capoeira (môn võ gốc Brazil mà cậu đặc biệt ưa thích) vừa được tung ra chát chúa, người đàn ông kia đang lúc say sỉn đã buông lời trách mắng:
“Cậu là chân truyền của Bình Định Gia, há tại sao lại đi tập môn võ của phái khác? Đó chẳng phải sự xúc phạm môn phái? Thích thì cứ ra đây đấu”.
Lúc đầu Đạt cũng rất phân vân tự nhủ: “Bây giờ thua thì sao mà thắng thì sao? Mà ông ấy đã nói vậy, không đấu cũng không được”. Bị chạm lòng tự ái, cậu suy đi tính lại rồi nhận lời.
Vừa vào trận, như bản năng thiên bẩm, gã “trẻ trâu” dùng một độc chiêu Capoeira nhanh như chớp, quật ngã người đàn ông đáng tuổi sư thúc nằm sấp đất.
Đo ván đối thủ mà chẳng tốn một giọt mồ hôi, chàng toan tung đòn mãnh liệt để “thể hiện uy dũng vô song” thì đối thủ vội cất lời: “Ta cùng là người Bình Định Gia, phải đấu bằng Bình Định Gia, sao dùng đòn võ phái khác?”.
Đối thủ yêu cầu thi đấu lại, đánh bằng võ Bình Định. Đạt lập tức nhận lời. Lần này, chàng trai trẻ vẫn tự tin hệt như lần trước, chắc mẩm sẽ đè bẹp đối thủ dễ như chơi.
Ai dè khi đang lơi lỏng phòng vệ, đối thủ trong trạng thái say vốn thiếu kiềm chế đã tung một đòn cước hiểm quá tầm kiểm soát trúng vùng thượng vị, khiến Đạt nằm bất động. Lần đầu tiên trong cuộc đời, chàng trai nếm mùi thất bại.
Cuối cùng Đạt cũng tỉnh, nhưng rồi suốt cả đêm hôm đó cậu chẳng thể chợp mắt nổi khi đòn đá chí tử cứ lởn vởn trong đầu.
Võ sư Đoàn Lê - chủ tịch Hội đồng chấp hành môn phái Vũ Gia Thân Pháp đã có nhận xét về Trần Hưng Đạt:
“Sinh ra trong một gia đình có truyền thống như vậy, nếu chăm chỉ tập luyện và có ý chí kế thừa, Đạt chắc chắn sẽ có thể tiếp bước cha ông.
Điều cần nhất bây giờ là thời gian để rèn đức luyện tài, tạo dựng uy tín và các mối quan hệ trong ngoài môn phái.
Nếu mọi việc thuận lợi thì chỉ vài năm nữa, có thể giới võ thuật sẽ xuất hiện một chưởng môn tài ba, với năng lực, nhiệt huyết và sức trẻ giúp cho Bình Định Gia và làng võ có những bước phát triển mạnh mẽ”.
Bất ngờ thay, chính ngọn cước ấy đã khiến Đạt tỉnh ngộ. Cậu chợt nhận ra võ thuật còn nhiều người giỏi hơn mình và cũng chẳng có môn võ nào là giỏi nhất.
Từ đó cậu mới nhận ra ranh giới giữa thắng và thua vốn dĩ quá mong manh và lần đầu tiên cậu ngộ ra võ đạo là gì.
Màn hội ngộ Tổng thống Nga Putin và những “bí kíp kungfu”
Kể về một kỷ niệm đáng tự hào nhất, mắt Đạt bỗng sáng rực với vẻ hào sảng đúng chất con nhà võ.
Đó là cuộc hội ngộ Tổng thống Nga Putin tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội.
Một kỷ niệm không thể nào quên bởi cậu chính là người đầu tiên đại diện võ thuật Việt Nam trao một món quà cho người đứng đầu nước Nga.
“Hồi đó là vào năm 2011, năm mình học lớp 1 hay 2 gì đó.
Mình với chú Thành “lùn” (đại đệ tử của cố võ sư Trần Hưng Hiệp) đại diện môn phái có mặt trong buổi gặp và trình diễn cho Tổng thống Putin xem.
Chú Thành “lùn” biểu diễn bài xà quyền vô địch thiên hạ.
Sau đó mình, vẫn là “đứa nhóc con” đã được cử như người đại diện môn phái với vai trò Chưởng môn trao món quà là 1 bộ võ phục cho Tổng thống Putin.
Có lẽ cũng vì mê võ nên Tổng thống Putin đã rất vui và ấn tượng với quyền thế, khí chất của Bình Định Gia. Dù hồi đó mới 7 tuổi nhưng với mình vẫn là một kỷ niệm không thể nào quên”.
Cũng thật bất ngờ bởi người truyền cảm hứng võ thuật cho Trần Hưng Đạt thực chất không phải là cha hay ông nội mà lại chính là võ sư Thành “lùn”.
Đạt kể lại, có lần trong buổi dạy võ của sư thúc, bỗng có một đám côn đồ đằng đằng sát khí xông tới định cầm dao, kiếm để hành hung, phá đám.
Khi nhóm đồ đệ tuổi trẻ hiếu thắng cũng định nhào vô ứng chiến thì sư thúc bỗng ngăn lại.
Sau khi căn dặn nhóm đệ tử lui vào trong tập luyện bình thường, một mình sư thúc chỉ cầm theo chiếc đai rồi chắp tay ra sau lưng…
Đối diện đám đầu trâu mặt ngựa, sư thúc bình thản nói đúng một câu: “Giải quyết vấn đề có nhiều cách, nhưng bằng chân tay không phải cách hay nhất”.
Sau câu nói của sư thúc, đám côn đồ bỗng lặng lẽ ra về. Chiều hôm sau, cả đám lại kéo đến nhưng lần này là để tạ lỗi và bái sư thúc làm sư phụ.
Sau khi võ sư Trần Hưng Hiệp sớm qua đời, chú Thành “lùn” chính là người cha thứ hai, trực tiếp truyền thụ nhiều tinh hoa Bình Định Gia cho Đạt.
Ngoài vị cao đồ này, niềm đam mê võ thuật của Đạt còn được hun đúc bởi một người đệ tử khác của cha, ở đối diện ngay trước nhà, vốn là một cao thủ chiến đấu cận chiến.
Suốt một thời gian dài, cả hai ngày ngày cùng dậy từ 5h sáng để luyện võ. Đặc biệt vị cao thủ này luôn căn dặn Đạt chớ thể hiện võ ra bên ngoài.
Nghe lời bậc tiền bối, Đạt cũng thường giấu rất kỹ những khả năng của mình, chẳng mấy khi thể hiện trước đám đông.
Thậm chí cho tới bây giờ, có rất nhiều bạn bè và người quen hoàn toàn không biết Đạt có võ chứ đừng nói hình dung nổi cậu chính là Chưởng môn của Bình Định Gia.
Hiện tại, tất cả những tinh hoa của Bình Định Gia đều được Đạt lĩnh hội, như những tuyệt kỹ sở trường là kỹ năng bẻ khớp rồi đao pháp độc nhất vô nhị.
Ngoài ra cậu còn sở hữu đôi chân thuộc vào loại siêu đẳng, như thể sinh ra để thực hiện những đòn đá.
Mặc dầu vậy, Đạt chưa một lần sử dụng những tuyệt kỹ này ở ngoài đời bởi cậu hiểu rằng đó không phải là mục đích cuối cùng để luyện võ.
Chàng “soái ca” đa tài và mối tình với “Hoa hậu ném vương miện vào sọt rác”
Ít người biết rằng chính võ thuật lại là nơi chắp cánh cho mối tình giữa Trần Hưng Đạt và người đẹp Trần Ngọc Bích – nhan sắc khá tiếng tăm từng “ném vương miện vào sọt rác” năm 2014.
Vốn có bạn thân làm việc tại một công ty người mẫu nên trong một lần ghé thăm nơi này, cặp đôi trai tài gái sắc đã quen nhau như một cơ duyên tình cờ.
Sau những đường quyền cước như rồng bay phượng múa cộng với những năng khiếu đặc biệt về mỹ thuật, Đạt đã lọt vào mắt xanh của Ngọc Bích chẳng hiểu từ lúc nào.
Thời gian dần trôi, cả hai ngày càng gắn bó bền chặt. Cho tới bây giờ, Đạt và Bích vẫn là đôi tri kỷ luôn nhường nhịn và cảm thông cho nhau.
Một điểm rất đặc biệt trong con người của Trần Hưng Đạt đó là cái chất nghệ sĩ được thừa hưởng từ ông nội và cha. Nhưng khác với những bậc tiền nhân vốn theo nghiệp diễn Tuồng, Đạt theo học ngành mỹ thuật ở Đại học Sân khấu Điện ảnh.
Không chỉ có năng khiếu đặc biệt về mỹ thuật, Đạt còn có tố chất tiềm tàng ở nhiều lĩnh vực khác như âm nhạc, thậm chí là chơi cờ tướng hay cả chơi game (LOL) khi từng giành khá nhiều danh hiệu ở các giải phong trào dù dành rất ít thời gian.
Không những thế, chàng võ sĩ trẻ này còn tận dụng mọi thời gian rảnh để đọc sách và đặc biệt đam mê các tài liệu về khoa học.
Nhưng với Đạt, võ thuật chắc chắn vẫn sẽ là niềm đam mê lớn nhất. Cứ mỗi lần nhìn ngắm những kỷ vật thiêng liêng của ông nội và cha, đam mê đó lại bùng cháy, trở thành niềm cảm hứng vô tận để cậu có thể theo đuổi suốt cuộc đời.
(Còn tiếp phần 2: Tuyệt kỹ “Cú đấm điện” của huyền thoại võ Việt, sánh ngang Lý Tiểu Long)
Sinh năm 1993, Trần Hưng Đạt hiện là Chưởng môn trẻ nhất trong các môn phái võ cổ truyền tại Việt Nam.
Hiện tại mẹ của Đạt (bà Lê Minh Thu - Phó Chủ tịch Hội Võ thuật Hà Nội) cũng phụ trách vai trò là quyền Chưởng môn Bình Định Gia.
Là Chưởng môn Bình Định Gia nhưng Trần Hưng Đạt cũng tập luyện và nghiên cứu rất sâu nhiều môn võ trên thế giới, từ Muay Thái, Boxing, Taekwondo đặc biệt nhất là Capoeira của Brazil với những nguyên lý về “sự chuyển động”.
Ngoài ông nội và cha, Trần Hưng Đạt đặc biệt thần tượng Conor McGregor – võ sĩ nổi danh đấu trường UFC người Ireland và rất yêu mến hình tượng nhân vật Lỗ Trí Thâm trong tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am.