Môn võ biến ảo tinh diệu
Chuyện kể rằng nhân vật Tôn Ngộ Không (Mỹ hầu vương) trong tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân chính là hình ảnh tái hiện những tinh hoa của môn võ Hầu quyền đã được ra đời cách đây hàng ngàn năm.
Những tuyệt kỹ trong tiểu thuyết như cân đẩu vân, thiên lý nhĩ, thiên lý nhãn, đánh côn như xuất quỷ nhập thần… mặc dù đã được hư cấu nhưng đều bắt nguồn từ một số đặc trưng có thật.
Đó chính là sự kết hợp của thân tháp, thủ pháp, cước pháp, nhãn pháp… ở mức độ điêu luyện. Những cao thủ của hầu quyền có khả năng bay nhảy, nhào lộn, té ngã vô cùng khéo léo ít môn võ có thể sánh kịp.
Khi cần thiết, cao thủ Hầu quyền còn có thể tung ra những miếng đòn cực hiểm từ đôi tay được ví như những con dao sắt. Hai mục tiêu ưa thích nhất của môn võ này là đánh vào cổ và hạ bộ của đối phương.
Hầu quyền chính là loại võ công dựa theo thần thái, động tác, kỹ thuật chiến đấu của loài khỉ.
Môn công phu này được giới võ ưa chuộng vì nó đòi hỏi không những thể hiện được các động tác mau lẹ, uyển chuyển, biến ảo của khỉ mà còn làm sống được cái thần thái, thần khí của loài linh vật này.
Điều rất hay ở Hầu quyền là khi tập môn này, võ sinh sẽ được hoàn thiện tất cả những kỹ năng cơ bản trong võ thuật.
Đặc điểm của Hầu quyền là lấy nhu chế cương, kết hợp sự linh hoạt trong các động tác chạy, nhảy, nhào, lộn, tránh, né, chụp, bắt rồi tấn công vào yếu huyệt trên cơ thể đối phương, khiến Hầu quyền trở thành một trong những bộ môn quyền thuật ác hiểm nhất.
Người luyện tập Hầu quyền thường có thân thủ cao diệu, các động tác được phối hợp giữa thân pháp, thủ pháp, cước pháp, nhất là nhãn pháp phải sắc bén, xuất thần.
Người luyện Hầu quyền cũng thường phải hút môi lại khi thi triển công phu, thở bằng mũi, do đó việc luyện tập thở cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, để uyển chuyển và linh hoạt bay nhảy, người học Hầu quyền phải rất giỏi về khinh công và khí công.
Hầu quyền còn được phát triển về khí giới với các bài múa hầu côn, hầu kiếm…
Bí ẩn về nguồn gốc và tính thực chiến của Hầu quyền
Truyền thuyết nói đến Hầu quyền nhiều nhưng lai lịch, xuất xứ của môn võ này thì vẫn là một lớp sương mù bí ẩn.
Có nhà nghiên cứu cho rằng chính tác gia Ngô Thừa Ân của tiểu thuyết Tây Du Ký đã cảm tác nhân vật Tôn Ngộ Không từ Hầu quyền và người xưa lại dùng tích Tôn Ngộ Không để đặt tên cho một số chiêu thức của môn võ này.
Như vậy, hầu quyền ra đời trước Ngô Thừa Ân và tác phẩm Tây Du Ký.
Theo nhiều tài liệu của Trung Quốc, Hầu quyền được biết đến từ thời nhà Hán (206 trước Công nguyên) với điệu “Mi hầu vũ”.
Thời Tây Hán, một viên quan trong buổi đại yến, lúc ngà ngà say đã trình diễn vũ điệu Mi hầu khiến quan khách kinh ngạc.
Thời Hậu Hán (25 - 220) và Tam quốc phân tranh (220 - 260), danh y Hoa Đà sáng chế “Ngũ cầm hí” gồm: Hổ (cọp), Lộc (nai), Hùng (gấu), Viên (vượn) và Điểu (chim) để luyện tập cơ thể.
Đời nhà Minh (1368 - 1644), Hầu quyền đã nổi tiếng và phổ biến rộng trong giới võ lâm.
10 chiêu thức cơ bản của Hầu quyền.
Đối với khoa học hiện đại, khỉ là loài linh trưởng rất gần với con người với khả năng di chuyển bằng 2 chân cùng sự linh hoạt và khéo léo đáng ngạc nhiên của đôi tay.
Sau khi đúc kết những đặc thù chiến đấu trong tự nhiên, khỉ đã trở thành một nhân tố quan trọng trong võ thuật cổ truyền của nhiều quốc gia phương Đông, tiêu biểu nhất chính là Trung Quốc và Việt Nam.
Trong võ thuật, loài khỉ giữ một vai trò rất lớn bởi từ xa xưa khi võ Thiếu Lâm mới được hình thành, ban đầu có hệ thống Ngũ hình quyền (Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc).
Sau đó hệ thống này được phát triển ra thành Thập hình quyền (thêm Hầu (khỉ), Sư (sư tử), Tượng (voi), Mã (ngựa), Điêu (chim).
Theo quan điểm của võ thuật hiện đại, trên thực tế chiến đấu nếu đơn phương chỉ sử dụng Hầu quyền sẽ có nhiều khiếm khuyết.
Bởi trong võ thuật có nhiều môn rất dũng mãnh, hội đủ các yếu tố nhanh, mạnh, khéo léo, hiểm hóc.
Nên các môn như Hầu quyền, Đường lang quyền, Xà quyền, Hạc quyền ngay cả Long quyền, Hổ quyền, Báo quyền… cần phải có những sự kết hợp mới phát huy hết hiệu quả.
Đôi khi một trong các môn võ này được kết hợp với La hán quyền để có được những kỹ thuật thích hợp trong nhiều tình huống giao đấu khác nhau.
Tuy nhiên, nếu để rèn luyện nhằm mục đích giúp cơ thể khỏe mạnh, tráng kiện, tinh anh, khéo lẽo với những kỹ năng toàn diện thì tập luyện Hầu quyền chính là một giải pháp tối ưu.
Hầu quyền tại Việt Nam
Ở nước ta trước năm 1975 cũng có cao thủ hầu quyền học từ Đại Thánh bát quái môn tên là Trần Lâm. Trần Lâm qua đời để lại duy nhất một truyền nhân mang tên Trần Cửu.
Tại Huế có tồn tại một môn phái tên là Hồng phái-Hầu quyền đạo Việt Nam, được thành lập từ những năm 1975.
Một bài Hầu quyền cực hay trong môn wushu.
Chưởng môn võ này là võ sư Hoàng Thành, phó chưởng môn phái là võ sư Nguyễn Văn Anh, Trưởng tràng là võ sư Tôn Thất Bình. Môn phái được phát triển mạnh từ những thập niên 1980.
Đặc trưng của môn phái là nhu nhuyễn âm kình, nguyên lý âm dương tương tế, dĩ nhu thắng cương.
Môn phái Hầu Quyền này thuộc nội gia quyền, luyện nhu nhuyễn khá giống Thái cực quyền.
Tuy vậy, Hồng phái Hầu quyền đạo Việt Nam tương đối dị biệt so với các loại hầu quyền trên toàn thế giới như là Hầu quyền theo phái Thiếu Lâm của người Trung Hoa, hầu quyền của môn số môn phái của Võ cổ truyền Việt Nam.
Hiện nay, ở Hà Nội cũng có Hầu quyền của các Môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông, Bình Định Gia, Võ phái Nam Long Quyền với những bài quyền và binh khí rất đặc sắc.
Hiện nay ở Việt Nam có nhiều bài võ Hầu quyền nổi danh như:
Hầu vương quyền pháp (quyền pháp của vua khỉ), La hán Hầu quyền (quyền pháp La hán với Hầu quyền), La hán Hổ Hầu quyền (quyền pháp La hán với Hổ quyền và Hầu quyền);
Hầu quyền Đường lang thủ (quyền pháp Hầu quyền với Đường lang quyền - Bọ ngựa), Hầu Hạc song hình quyền (Hầu quyền và Hạc quyền)…