Hạ gục cao thủ bằng chiêu cắn, véo, chọc vào mắt

Lê Sơn |

Với những độc chiêu cắn, véo, chọc vào mắt… Kino Mutai được coi là môn võ thuộc loại “dị” và… “bẩn” nhất thế giới.

Những độc chiêu “xấu xí” có một không hai

Kino Mutai (Kinamotay) là hệ thống phương pháp chiến đấu do người Philippines sản sinh ra, chuyên dùng các ngón đòn sở trường là vật lộn, cắn, véo, chọc vào mắt, chọc vào cổ đối phương.

Môn võ này bị coi là rất “xấu xí” bởi nó không có một giới hạn nào, có thể dùng mọi thủ đoạn miễn sao khống chế hoặc chiếm thế thượng phong trước kẻ địch.

Ưu điểm lớn nhất của Kino Mutai là tính thực dụng, hiệu quả. Động tác của môn này đơn giản, không cầu kỳ bởi tính vô nguyên tắc. Việc ứng dụng những chiêu thức của môn này hoàn toàn không cần mất thời gian khổ luyện như các môn khác.

Một ưu điểm nữa là những động tác của Kino Mutai hoàn toàn không mất nhiều sức nên rất thích hợp cho phụ nữ, trẻ em, những người vốn có thể trạng yếu ớt.

Kino Mutai là môn võ xấu xí nhưng khá thực dụng.
Kino Mutai là môn võ "xấu xí" nhưng khá thực dụng.

Tất nhiên, các kỹ thuật cắn, véo trong môn Kino Mutai không “bừa bãi” giống như những người bình thường mà nó được thực hiện bài bản và có kiểm soát, nhanh chóng làm đối phương đau đớn, mất khả năng chiến đấu để dễ bề khống chế.

Đơn giản như động tác cắn, người tập Kino Mutai sẽ được học cách cắn vào thời điểm nào, bộ phận nào (thường là mặt, cổ, tai, bẹn, sườn, núm vú…) và kiểm soát lực cắn khiến cho đối thủ bị “tê liệt thần kinh tức thì” nhằm tẩu thoát khỏi tình huống cấp bách.

Trong trường hợp muốn gây sát thương lớn hơn, các võ sĩ Kino Mutai có thể cắn liên tục vào một điểm khiến đối thủ đứt động mạch gây chảy máu nghiêm trọng, có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Ở Philippines, các học viên của Kino Mutai luôn được khuyến cáo chỉ sử dụng những ngón đòn trong tình thế bắt buộc để tự vệ chứ đây không phải là thứ dùng để tấn công kẻ khác.

Ban đầu ở Philippines, Kino Mutai được giới phụ nữ đặc biệt ưa chuộng bởi những đòn thế rất thích hợp để họ dùng để tự vệ. Tuy nhiên vì tính hiệu quả của nó nên nhiều nam giới cũng theo học môn này.

Kino Mutai khá được ưa chuộng tại Philippines.
Kino Mutai khá được ưa chuộng tại Philippines.

Đến… Lý Tiểu Long cũng từng áp dụng Kino Mutai

Kino Mutai được đặt theo ngôn ngữ Cebuano, có nghĩa là “nghệ thuật cắn và véo”. Không biết chính xác môn này ra đời từ khi nào tuy nhiên tại Philippines, người ta coi đây là một “sản phẩm của chiến tranh”.

Ban đầu, với mục đích đối phó đối thủ có trang bị vũ khí, người Philippines chọn giải pháp tấn công cánh tay khiến kẻ thù bị tê liệt, bằng cách cắn vào động mạch.

Qua thời gian, kỹ thuật của Kino Mutai dần bài bản, có hệ thống và trở thành một môn võ thuật được công nhận.

Ngày này, với hầu hết các môn võ thể thao hiện đại (Boxing, Muay Thái, Taekwondo, Karate, Judo…), cắn là hành vi luôn bị cấm trong thi đấu. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thực tiễn để tự vệ, “ngón võ” này lại rất phát huy tác dụng.

Lý Tiểu Long từng nói về Kino Mutai.

Chính Lý Tiểu Long từng bày tỏ sự ủng hộ đối với môn Kino Mutai khi nói rằng: “Nếu tôi mà bị ghìm chặt bởi một đối thủ khỏe mạnh hơn, chắc chắn tôi sẽ chọn cách cắn người đó”.

Bởi theo huyền thoại võ thuật Trung Quốc, bản chất thực sự của võ thuật vốn không có quy tắc và giới hạn, miễn sao đạt được hiệu quả, đó mới là yếu tố quan trọng nhất.

Trước đây trong một bộ phim, chính Lý Tiểu Long cũng từng phải thực hiện pha cắn vào cánh tay đối thủ, rất giống môn võ Kino Mutai mới có thể xoay chuyển được tình thế và giành chiến thắng.

Một số "miếng" trong môn Kino Mutai.

Ngoài các độc chiêu cắn, véo, chọc vào mắt, cổ thì kỹ thuật vật hết sức được coi trọng bởi đó là “đặc sản” trong một cuộc đấu thực chiến.

Ngày nay ngoài Philippines thì khá nhiều nước phương Tây cũng tập luyện môn Kino Mutai như Anh, Mỹ, Mexico, Canada…

Vật trong Kino Mutai được cho là khá giống với môn Jiu-Jitsu của Brazil và những học viên Kino Mutai thường không bao giờ bỏ qua các kỹ thuật này.

Với sự kết hợp rất độc đáo giữa cắn, véo, chọc mắt… cùng vật, Kino Mutai được một số người coi là có không ít điểm tương đồng Triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long.

Tất nhiên, sự so sánh này chỉ dựa trên yếu tố phóng khoáng, không ước lệ của hai môn võ. Còn xét về yếu tố thẩm mỹ, rõ ràng Kino Mutai “xấu xí” hơn nhiều so với Triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại