Nỗi đau lớn nhất của Lý Tiểu Long

Lê Sơn |

Triệt quyền đạo, đó là "tác phẩm" để đời của Lý Tiểu Long cho hậu thế, nhưng cũng là nỗi đau khi chưa xuất hiện ai đủ tài luyện nó cao siêu được bằng anh!

Triệt quyền đạo là môn võ gắn liền với Lý Tiểu Long, một huyền thoại đã được cả thế giới công nhận và ngưỡng mộ. Vậy những nét đặc sắc nhất của phái võ này là gì? Điều gì đã tạo nên sức mạnh của Triệt quyền đạo?

Đầu tiên cần hiểu Triệt quyền đạo là theo cách gọi của Việt Nam (triệt trong “triệt tiêu”) nhưng theo đúng ý của người sáng lập thì phải gọi là Tiệt quyền đạo (tiệt nghĩa là “cắt đứt đường quyền của đối phương”).

Nhìn chung hai cách gọi này cũng không có nhiều sự khác biệt.

Từ một trận quyết đấu

Khoảng năm 1965, khi Lý Tiểu Long đã trở thành một tên tuổi lớn trong làng võ không chỉ ở Hồng Kông mà đã lan rộng ra thế giới, sau khi đả bại hàng loạt cao thủ là những nhà vô địch karate và boxing của thế giới.

Ở thời điểm đó, có một cao thủ dạy kungfu là Hoàng Trạch Dân do vẫn còn nghi ngờ về khả năng của Lý nên đã đưa ra lời thách đấu.

Cao thủ họ Hoàng đã đưa ra một thỏa thuận là nếu Lý Tiểu Long thua anh sẽ phải hoặc đóng cửa võ quán tại Mỹ hoặc ngưng dạy những người da trắng, còn nếu Hoàng thua anh ta sẽ phải ngừng dạy võ.

Triệt quyền đạo là di sản võ thuật nổi bật nhất mà huyền thoại Lý Tiểu Long để lại.
Triệt quyền đạo là "di sản võ thuật" nổi bật nhất mà huyền thoại Lý Tiểu Long để lại.

Khi đưa ra lời thách đấu, Hoàng Trạch Dân đã vô cùng tự tin và không nghĩ là Lý Tiểu Long sẽ dám nhận lời thách đấu. Theo suy nghĩ của Hoàng thì Lý sẽ cố trì hoãn trận đấu.

Nhưng với cái tôi rất lớn, Lý Tiểu Long đã ngay lập tức nhận lời và yêu cầu đối thủ không phải đợi.

Hoàng Trạch Dân sau đó đã cố tình làm khó đối thủ khi tìm cách giới hạn kỹ thuật nhưng Lý Tiểu Long khước từ những quy định đó.

Trận đấu vẫn được diễn ra theo cách mà kẻ thách đấu không thể nào ngờ tới. Lý Tiểu Long nhanh chóng đánh bại kẻ thù chỉ sau vài chiêu và thắng oanh liệt.

Bị thua chóng vánh, Hoàng Trạch Dân toan bỏ chạy nhưng Lý Tiểu Long tóm lại và đánh gục hắn ngay trên võ đài. Đệ tử của Hoàng định can thiệp song James Jimmy Lee, một người bạn của Lý Tiểu Long đã ngăn lại.

Sau trận đấu này, Lý Tiểu Long nảy ra suy nghĩ rằng tại sao việc đánh gục đối thủ lại thường tốn nhiều thời gian. Anh bắt đầu suy nghĩ về bản thân và đặt ra câu hỏi phải tìm ra một phương pháp mới.

Đó chính là cơ sở sau này cho môn võ Triệt quyền đạo – “nghệ thuật chiến đấu bằng cách chặn đứng đòn tấn công của đối phương" đã được ra đời.

Một lần bế tắc đến cảnh giới tối cao

Có một lần khi trao đổi với sư phụ Diệp Vấn, sư phụ đã hỏi Lý Tiểu Long một câu nghe có vẻ vừa khó lại vừa dễ: “Võ thuật là gì?”

Câu hỏi của thầy khiến đầu óc Lý căng thẳng, không thể tìm ra được câu trả lời.

Lý bế tắc, không tập trung luyện võ, sư phụ Diệp Vấn hiểu ý mới bảo anh nên buông lỏng, về nghỉ ngơi, không nên luyện nữa.

Lý Tiểu Long về nhà suốt một tuần suy nghĩ vẫn không ra, nên ra bờ biển, lên chiếc ghe nhỏ bơi cho khuây khoả. Không ngờ, khi đấm xuống nước để bơi thuyền, anh đột nhiên tỉnh ngộ!

Xem Lý Tiểu Long thi triển một số đòn Triệt quyền đạo trên màn ảnh:

Từ đó, Lý đem võ học tích lũy bấy lâu của mình biến thành… nước. Nước vốn không có hình thái cố định, võ thuật cũng vậy. Sự mềm yếu của nước có thể phá mọi thứ cứng rắn, quyền thuật nếu có thể đạt đến cực nhu thì cũng trở thành chí cương.

Lý Tiểu Long lấy “nước” làm biểu tượng của cảnh giới võ thuật tối cao: “Hãy trở thành nước! Giống như nước vậy, khi bạn rót nó vào trong ly, nó thành chiếc ly; khi bạn rót nó vào chén, nó thành chén”.

Nghĩa là trong võ thuật mọi thứ đều là thiên biến vạn họa, không có gì là cố tính, là khuôn mẫu.

Với việc sáng tạo ra Triệt quyền đạo, có 1 thời Lý Tiểu Long đã từng bị coi là phản đồ Vịnh xuân quyền cũng như người thầy Diệp Vấn.

Nhưng sau đó chính Lý đã lên tiếng nói rằng: Triệt quyền đạo không phải là 1 môn phái, mà đó là 1 loại võ công, 1 phương thức chiến đấu sao cho đạt hiệu quả thực tế cao nhất.

Bản chất và sức mạnh của Triệt quyền đạo

Triệt quyền đạo là một môn võ bao gồm đòn thế của nhiều môn phái như quyền Anh, đấu kiếm của phương Tây, quyền Thái, Karate Nhật Bản, Taekwondo Hàn Quốc, võ Trung Hoa - Hồng gia quyền, Vịnh xuân quyền.

Trong đó đặc biệt nhấn mạnh các kỹ thuật của Vịnh xuân được Lý Tiểu Long gọi chung là Kungfu.

Triệt quyền đạo còn là sự kết hợp tài tình giữa nghệ thuật khiêu vũ của châu Mỹ và tinh hoa võ học của châu Á, nên có sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật và võ thuật.

Các đòn đánh của Triệt quyền đạo đều rất nhanh, mạnh và hiểm. Đây được coi là môn võ có tính thực chiến cao nhất, hơn cả Muay Thái hay Kickboxing.

Triệt quyền đạo áp dụng nguyên tắc “vô nguyên tắc” (nghĩa là chẳng có nguyên tắc nào).

Tập Triệt quyền đạo tại Việt Nam.
Tập Triệt quyền đạo tại Việt Nam.

Theo người sáng lập thì: Hãy vứt đi mọi thứ bạn có, bỏ đi những khái niệm đã ăn sâu vào đầu bạn để lấy tự do. Cái tự do đó sẽ giúp bạn hiểu biết tất cả những gì bạn đã bỏ đi, và rồi tiến tới hiểu thêm cả những gì bạn chưa biết.

Triệt Quyền Đạo không có điều gì ràng buộc bạn cả, nó chỉ cho bạn hướng để phát triển một cách không hạn chế. Bạn học Tiệt Quyền Đạo để sử dụng và cũng không cần nhớ là mình học môn gì.

Hình thức phi hình thức là sự yêu cầu trau dồi các kỹ năng rồi tiến tới không cần đến chúng, chỉ còn lại sự giản dị đến không ngờ.

Hãy đấm khi cần đấm hãy đá khi cần đá… Tóm lại, Triệt quyền đạo chủ yếu đánh vào điểm sơ hở của đối phương theo cách dùng vô chiêu thắng hữu chiêu.

Môn võ khó luyện nhất?

Phương pháp Triệt quyền đạo là "không phương pháp" nghĩa là trong cách tập luyện từ những cái đơn giản nhất cũng không theo một quy tắc cụ thể nào cả.

Thực tế, Triệt quyền đạo của Lý cũng không có hệ thống bài quyền hay kỹ thuật riêng biệt, phái này cũng không có biểu tượng.

Triệt quyền đạo không còn bị ước lệ bởi hình thức, vì thế theo một số nhà nghiên cứu thì gọi nó là một võ phái chẳng bằng nói đó là một khái niệm quyền thuật.

Phương châm tập luyện của Triệt quyền đạo là phải dựa vào trực giác của bản năng để có phản ứng nhanh nhất và hữu hiệu nhất.

Theo quan điểm của Lý Tiểu Long: Anh đánh bại cao thủ giỏi nhất nhưng không dùng một công phu cố định nào của riêng mình mà sử dụng chính những công phu mà người khác cho là lợi hại nhất để hạ gục họ.

Để trở thành một cao thủ Triệt quyền đạo khi việc tránh đòn và ra đòn trở thành bản năng, người tập phải hội tụ được rất nhiều yếu tố gồm: tính chuẩn xác (để tung đòn đạt hiệu quả nhất và ít tốn sức lực nhất).

Bên cạnh đó là tính tốc độ, tính uy lực, tính bền bỉ, tính thăng bằng, tính dự báo, tính thời điểm, tính nhịp điệu -tiết tấu và tính cơ thể tự cảm nhận. Để hội tụ được tất cả những yếu tố này quả là cực khó.

Theo các nhà nghiên cứu võ thuật, để tập Triệt quyền đạo không khó nhưng để giỏi Triệt quyền đạo lại là chuyện khác.

Phóng sự ngắn về Triệt quyền đạo tại Việt Nam:

Để trở thành một cao thủ Triệt quyền đạo cũng đòi hỏi người tập phải có sự hội tụ của ý chí, quyết tâm cao độ, phương pháp tập hiệu quả và cả thiên chất nữa.

Chính vì thế, Triệt quyền đạo được coi là môn võ rất khó học để trở thành giỏi, nó phức tạp hơn hầu hết các môn võ từ phương Đông tới phương Tây như Muay Thái, Karate, Taekwondo, Judo, Boxing…

Bởi vậy cũng dễ hiểu vì sao trong khi các môn võ khác thì thường có rất nhiều cao thủ và mỗi môn võ đều có không ít người có thể tập luyện đạt tới cảnh giới đỉnh cao.

Tuy nhiên với Triệt quyền đạo, sau người sáng lập Lý Tiểu Long thì các hậu bối dường như không ai có thể đạt tới cảnh giới có thể so sánh được với huyền thoại.

Một phần cũng vì cái bóng của Lý quá lớn khiến các hậu bối khó vượt qua được. Nhưng cũng vì triết lý của Triệt quyền đạo đằng sau sự đơn giản là những thứ quá cao siêu, nên khó có thể lĩnh hội hết được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại