Chúng ta nợ Miura một lời xin lỗi

Ngô Trà |

Ngày mai, bóng lại lăn trên sân Mỹ Đình. Tuyển Việt Nam lại ra quân với một vị HLV mới, một lối chơi mới. Liệu có còn ai nhớ đến Miura?

Nỗi buồn người hâm mộ

Tròm trèm một năm trước, người viết được ngồi trên khán đài B sân Mỹ Đình xem đội tuyển Việt Nam thi đấu cùng một ông anh.

Anh là người từng bán chiếc xe đạp duy nhất để may lá cờ Tổ quốc 172 mét vuông cổ vũ cho Thể Công - đội bóng anh yêu đến điên cuồng.

Lá cờ rách trong chiều mưa Hàng Đẫy. Thể Công thua Công an Hà Nội và xuống hạng. Chàng trai 28 tuổi ôm lá cờ vào lòng khóc như một đứa trẻ.

Anh em thương, gom góp được hơn 14 triệu đồng may lá cờ Tổ quốc mới. Lá cờ 600 mét vuông theo chân anh ra Bắc và Nam, theo chân đội tuyển Việt Nam trên khắp các khán đài.

SEA Games 2005, anh theo chân đội tuyển Việt Nam sang tận Bacolod cổ vũ cho đội nhà. Để rồi mắt đỏ hoe, nuốt nghẹn vào lòng khi hay tin các cầu thủ của chúng ta dính vào bán độ.


Người hâm mộ liệu còn quan tâm đến bóng đá Việt Nam?

Người hâm mộ liệu còn quan tâm đến bóng đá Việt Nam?

Một năm trước trên sân Mỹ Đình, lững thững từ phía dưới, nơi cờ trống chiêng rộn ràng đi lên, anh buông thõng một câu:

“Mày có tin được không, dưới kia tao đếm được 14 hội cổ động viên Việt Nam. Chả ông nào chịu ông nào, thế là mạnh đứa nào, đứa nấy làm thôi”.

Nửa năm trước, cũng sân Mỹ Đình, cổ động viên Thái nhuộm xanh một góc khán đài A. Cái sự cổ vũ chuyên nghiệp của người Thái thì khỏi phải bàn.

Nhiều phóng viên dưới sân đến bây giờ vẫn bị ám ảnh bởi những tiếng sấm rền cổ vũ của hàng ngàn cổ động viên suốt từ đầu đến cuối trận “Ố lề ô lế ồ, ố lề ô lế ô” của người Thái.

Trận đấy, khán giả Việt Nam kéo đến chật sân. Là hiệu ứng của trận đấu trước, chúng ta suýt thắng cả Iraq. Trận đấu ấy, nhìn lên khán đài thưa thớt mà thấy thương cho bóng đá Việt Nam quá chừng.

Đau. Nhưng biết phải trách ai bây giờ?

“VFF chọn Miura không phải do CV của ông”

Đấy là lời của báo chí nước ngoài khi nói đến “trường hợp Miura”. Theo đó, VFF chọn Miura qua lời giới thiệu của liên đoàn bóng đá Nhật Bản, và bản thân HLV này không hề nổi tiếng.

Miura đến Việt Nam với sứ mệnh kết hợp “chất thép” của người Nhật với “chất lụa” của bóng đá Việt Nam.

Miura được chọn cho một tư tưởng, một lối chơi phù hợp với tầm vóc và thể lực của người Việt Nam.

Ông sang Việt Nam với tư cách một nhà truyền giáo, hơn là một “quái nhân” có thể ngay lập tức đem lại thành công, hay một “công cụ” để đem một lứa U19 mới nổi đến SEA Games 2017.

Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, Miura không hề thất bại, nhưng…

Giá như ông đừng khiến người hâm mộ phát điên lên khi thắng người Mã ngay trên đất khách, sau đấy lại đưa họ xuống tận đáy của cảm xúc khi thua “vỡ mặt” tại Mỹ Đình.


Niềm vui ghi bàn vào lưới Iraq

Niềm vui ghi bàn vào lưới Iraq

Giá như ông đừng khiến tuyển Việt Nam dẫn bàn Iraq đến tận phút bù giờ, làm ngây ngất biết bao con tim, rồi thua tan nát Thái Lan cũng ngay trên sân nhà sau đó.

Giá như ông đừng chọn lối chơi “quá đỗi tiêu cực” trước Thái Lan trên sân khách, để hạn chế tối đa cái sự thua kém của Việt Nam trước đối thủ.

Nên nhớ, người Thái đã ở một đẳng cấp khác so với chúng ta. Họ hướng đến World Cup như một mục tiêu, chứ không phải giấc mơ.

Giá như thế, giá như Miura đừng khơi lại cảm giác rưng rưng mỗi khi quốc ca được cử lên trên Mỹ Đình của người hâm mộ, để rồi bóp nghẹt trái tim họ khi tiếng còi mãn cuộc cất lên. Theo cảm xúc dâng trào của người hâm mộ, Miura phải “chết”.

“Chất thép” của Nhật Bản cuối cùng cũng gục ngã trước “chất lụa” của người Việt.

Thời của gió

Chưa đầy nửa năm, chúng ta đã kịp xóa trắng những gì Miura đã làm được tại đây. HLV mới, triết lý bóng đá mới, lối chơi mới. Tiqui-taka là điều người ta nhắc đến mỗi ngày. Nhưng tất cả vẫn chỉ đang dừng lại ở những lời tuyên bố đầy hào hứng.

“Đuổi Miura đi, tôi sẽ lo toàn bộ cho đội tuyển” - lời nói sang sảng của bầu Đức vẫn văng vẳng quanh đây. May mắn là VFF chỉ làm theo lời ông bầu này có một nửa.

Đến HAGL, bộ mặt của bầu Đức từ lúc người Việt biết đến đại gia này còn nợ lương cả cầu thủ lẫn nhân viên, thì chẳng may nghe theo lời ông, đội tuyển Việt Nam bây giờ sẽ ra sao?

Sự lăn xả, nhiệt tình trên sân cỏ, đặt nhiệm vụ Tổ quốc lên hàng đầu của thế hệ Vàng bóng đá Việt Nam đã mất.

Thay vào đấy, họ đem nhiệm vụ quốc gia ra mặc cả cho án phạt. Sự lăn xả chỉ còn thấy ở những pha triệt hạ đối phương hay "chiến đấu" với trọng tài.

Thời này, đội trưởng ĐTQG thay vì dẫn dắt đồng đội, lại chúi mũi dùng những điều thiêng liêng như “nhiệm vụ quốc gia” để “đâm sau lưng” đồng đội của mình ở CLB, cũng là đối thủ cạnh tranh của mình ở ĐTQG.

Liệu có thể lạc quan khi phải sống với những lời “chém gió” bay tung tóe khắp nền bóng đá Việt Nam?

Hãy thôi "chém gió"! Và nên một lần cúi thấp lưng chút nữa, như người Nhật vẫn làm hàng ngày, để nói lời xin lỗi Miura.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại