Góc nhìn: De Gea cũng chỉ là con rối của Jorge Mendes

Ng. Huy |

Tương lai của David De Gea không do anh tự quyết định. Chỉ cần Real Madrid rút lui, sẽ là một thảm họa với De Gea. Đó cũng là cái giá cho việc lệ thuộc vào “cò” Jorge Mendes.

1. Nếu Real Madrid đồng ý trả 40 triệu euro cho Man United trong vụ David De Gea, để hoàn thành phi vụ đình đám này trước 23h59’ ngày 31/8, thì điều đó chẳng khác gì việc Chủ tịch Florentino Perez tự tay tát mình.

Perez luôn nhấn mạnh trong những ngày qua, rằng Real không thể chi quá 25 triệu euro cho một cầu thủ đang ở trong năm cuối hợp đồng. “Chúng tôi mua Kroos với chỉ chừng ấy tiền”.

Khác với thương vụ Kroos, điều duy nhất mà Perez đang chấp nhận khi đàm phán với Man United là đưa kèm vào hợp đồng điều khoản “bonus” 5 triệu euro.

Con số này có chảy vào tài khoản Man United hay không thì phải chờ đợi vào tương lai, dựa theo thành công của Real và đóng góp của De Gea.

Perez sẽ quyết tâm giữ vững lập trường 25 triệu euro tiền mặt, trong khi Man United đòi nhiều hơn con số này 15 triệu euro.

Điều đó cũng đồng nghĩa, De Gea vẫn nằm trong biên chế Man United vào ngày 1/9 tới là một khả năng không nhỏ.

Khi ấy, thị trường chuyển nhượng ở Tây Ban Nha khép lại, và De Gea cần đợi sớm nhất là tháng Giêng 2016 để trở về thủ đô Madrid.

2. Ai là người bất lợi nhất trong trường hợp kịch bản kể trên diễn ra? Chỉ có De Gea là bất lợi.

Real hiện còn Keylor Navas và Kiko Casilla. Chỉ khi nào mua được De Gea, đội bóng thủ đô Madrid mới bán Navas. Man United thì đang có một Sergio Romero bắt quá ấn tượng những trận đấu vừa qua.

Họ đang có Johnstone để làm dự bị. Chưa kể, Victor Valdes cũng còn nằm trong biên chế “Quỷ đỏ”.

Không chỉ vậy, Man United cũng đang cho thấy họ không quan tâm đến tiền sau khi đã chi rất nhiều cho việc đầu tư nhân sự.

Với tiềm lực tài chính hùng mạnh, “Quỷ đỏ” đang muốn khẳng định vị thế của mình ở châu Âu: Hoặc Real phải chấp nhận chi 40 triệu euro, hoặc họ sẽ biến De Gea thành một món hàng vứt đi. Nhà giàu thì phải chơi sang như vậy!

Từ một người hùng đích thực, với hai mùa giải liên tiếp giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất của Man United, De Gea đang đối mặt nguy cơ không thể thi đấu nhiều tháng tới.

Thực vậy, nếu Real bỏ cuộc thì De Gea chỉ biết ngồi khán đài mỗi khi Man United xuất trận. Đó là cách để Louis van Gaal và Man United trừng phạt kẻ phản bội đội bóng.

De Gea chưa bắt phút nào trong mùa giải mới, và việc Vicente Del Bosque triệu tập anh vào thành phần ĐTQG TBN chỉ là ưu ái cá nhân.

Nhưng nếu De Gea không bắt trong nhiều tháng, thì chính Del Bosque cũng không thể đảm bảo cho anh một suất ở La Roja khi bước vào EURO 2016.

3. Ngồi ngoài nhiều tháng và không thể sang Pháp mùa Hè năm sau là bi kịch lớn của một trong những thủ môn xuất sắc nhất thế giới hiện tại.

Nhưng đó cũng là cái giá phải trả hoàn toàn xứng đáng cho De Gea.

Thủ thành 24 tuổi này đã lệ thuộc quá nhiều vào Jorge Mendes, ông trùm chuyển nhượng người Bồ Đào Nha - là đại diện của những người như Jose Mourinho, Cristiano Ronaldo, James Rodriguez, Angel Di Maria…

Khi De Gea chọn Mendes làm đại diện vài năm trước, anh được hứa hẹn một ngày sẽ khoác áo Real. Lời hứa ấy của Mendes khiến De Gea nhiều lần từ chối gia hạn hợp đồng với Man United. Đúng hơn, De Gea hệt như con rối của Mendes.

Có một điểm mà De Gea dường như không để ý: Real hiện tại chẳng hơn Man United điểm gì, ngoại trừ danh hiệu Champions League 2014.

Đội bóng ấy bất ổn, trong 6 năm với Perez chỉ giành 1 chức vô địch La Liga, và mãi là một cái bóng làm nền cho vinh quang của Barca.

Họ không có sự tôn trọng những đóng góp của từng cá nhân, và phải mời về một HLV đã “lỗi thời” là Rafa Benitez.

Lương cao ư? Đừng mơ. Đến một người như Sergio Ramos phải làm loạn mãi mới được nâng từ mức 5,5 lên 10 triệu euro.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại