Năm 2015 với tiền vệ Lê Văn Thắng được anh chia sẻ là năm “đại cát, đại lợi”. Với 16 bàn thắng tại V-League, tiền vệ gốc Thanh Hóa giành danh hiệu Vua phá lưới nội, vượt qua kỷ lục 14 bàn của Công Vinh.
Thành công về chuyên môn, Văn Thắng còn được nở nụ cười mãn nguyện từ tin vui gia đình: “Đầu năm nay, em gái tôi đã sinh con. Giờ cháu được 9 tháng rồi. Thấy cháu bình thường, khỏe mạnh tôi sung sướng lắm”.
Một bé gái 9 tháng tuổi khỏe mạnh và phát triển bình thường với bất cứ gia đình nào cũng là niềm vui. Nhưng với gia đình của cầu thủ sinh năm 1990, cảm giác hạnh phúc ấy còn lớn gấp nhiều lần.
Thẳm sâu trong tâm trí của tiền vệ xứ Thanh là cơn ác mộng lẩn khuất đâu đó thỉnh thoảng rình rập hiện về. 10 năm trước, khi Văn Thắng mới 15 tuổi, anh mất mẹ sau một vụ tai nạn giao thông. Người em gái Lê Thị Hương ngồi cùng xe với mẹ hôm ấy bị chấn thương sọ não.
Ngược về quá khứ thêm 5 năm nữa, bố Văn Thắng cũng đột ngột ra đi sau một vụ tai nạn. Ở độ tuổi 15, đó là những cú sốc đủ sức nhấn chìm bất cứ đứa trẻ nào.
Nhưng thương em nằm điều trị trong bệnh viện, Văn Thắng không cho phép mình gục ngã. Nhờ người bác ruột chăm sóc em gái, anh lao vào luyện tập bóng đá, sau khoảng 2 năm gián đoạn vì chuyện gia đình.
15 tuổi mới bắt đầu ăn tập chuyên nghiệp thực thụ, hơi muộn so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng Văn Thắng lại là người tiến bộ nhanh nhất.
Anh chỉ mất 2 năm để lên đội một của CLB Thanh Hóa và góp mặt tại đội tuyển U17 Việt Nam đá giải vô địch Đông Nam Á năm 2007.
Ở đội bóng xứ Thanh, mọi người vẫn truyền tai nhau câu chuyện “cậu bé mồ côi” ghim khăn tang cha mẹ vào trong ngực áo khi luyện tập, lúc ngủ thì để lên đầu giường để vợi bớt nỗi đau và có thêm ý chí phấn đấu.
“Bóng đá đối với tôi giống như một lối thoát, một cách kiếm tiền để điều trị và chăm lo cho em gái. Tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải cố gắng hết sức”, Văn Thắng tâm sự.
Những khoản tiền đầu tiên anh kiếm được từ bóng đá không nhiều, chỉ là mức phụ cấp vài trăm ngàn đồng dành cho cầu thủ trẻ. Để có tiền gửi về nhà chữa bệnh và chăm sóc cho em gái, chàng tiền vệ quê Nông Cống còn phải kiếm việc làm thêm, thi thoảng lại cậy nhờ sự giúp đỡ của các thầy, các anh trong đội.
Vừa tập đá bóng vừa lo kiếm tiền, tuổi thơ khó nhọc và gian nan đã để lại dấu ấn trên hình thể của Văn Thắng, từ nước da đen sạm, đôi gò má nhô cao cho đến một cơ thể mảnh khảnh quá mức.
Cái biệt danh Thắng “điếc” mà đồng đội trêu đùa cũng ra đời từ dạo ấy, bởi Văn Thắng lúc nào cũng có vẻ ngáo ngơ, thẫn thờ, sau những cú sốc quá lớn xảy đến với anh.
Thế rồi nhờ thi đấu tốt, tiền lương của Văn Thắng ở đội bóng nghèo Thanh Hóa dạo ấy được tăng lên hơn một triệu mỗi tháng. Anh vẫn hầu như không chi tiêu gì cho riêng mình, mỗi lần lĩnh lương lại nhờ người chuyển hết về quê cho bác ruột để chăm sóc em gái.
Sau khoảng một năm điều trị, em Lê Thị Hương ra viện nhưng bị ảnh hưởng ở vùng đầu nên tinh thần và khả năng học tập không được tốt khiến người anh trai lúc nào cũng nặng trĩu trong lòng.
Tiền vệ quê Nông Cống lại phấn đấu nhiều hơn, chạy nhiều hơn, chuyền nhiều hơn và ghi nhiều bàn thắng hơn để sớm được tăng lương, thưởng.
Từ những năm 2009-2010, bóng đá Thanh Hóa bước vào thời doanh nghiệp thế chỗ quốc doanh nên mang đến nhiều cơ hội để cầu thủ cải thiện cuộc sống.
Văn Thắng vs SLNA
Sự tiến bộ nhanh chóng của Văn Thắng trên sân cỏ song hành cùng những khoản thu nhập lớn (chừng vài chục đến vài trăm triệu) mà vài năm trước anh không dám nghĩ đến.
Song cũng phải chờ đến năm 2014, khi hết tuổi đào tạo, tiền vệ sinh năm 1990 mới được “đổi đời” bằng vụ chuyển nhượng trị giá 4,5 tỷ đồng từ Thanh Hóa về Ninh Bình.
Thế nhưng cái số vất vả vẫn không thôi buông tha Văn Thắng. Chưa kịp ấm chỗ, tiền chưa kịp nhận đủ, anh và hàng loạt cầu thủ của CLB Ninh Bình lâm vào cảnh “đứng đường” sau quyết định giải thể đội bóng - hậu quả của vụ án bán độ tại AFC Cup.
Văn Thắng lại khăn gói vào Cần Thơ (và mới đây lại quay ra Hải Phòng) đánh đu với nghiệp quần đùi áo số. Nhưng dù vất vả đến mấy, anh tâm sự vẫn hạnh phúc chán so với quãng thời gian 10 năm trước.
Vài năm trước, bạn gái của Văn Thắng được đồn đoán là Hồng Cúc, một nữ sinh trung học tại thành phố Thanh Hóa.
Khi túi tiền rủng rỉnh, việc đầu tiên Văn Thắng thực hiện là xây căn nhà mới khang trang, tiện nghi cho em gái và người bác ở quê nhà. Mỗi tháng, anh đều đặn gửi về 5 triệu nuôi em ăn học.
Khi em Lê Thị Hương học xong cấp 3, lại một tay Văn Thắng chu cấp vốn làm ăn, rồi lo chuyện tổ chức đám cưới và ổn định cuộc sống.
Nhưng những dư chấn của vụ tai nạn 10 năm trước khiến em gái Văn Thắng có lẽ sẽ không bao giờ trở lại được như một người bình thường. Nên đến tận bây giờ, người anh trai vẫn phải đứng ra nuôi em rồi nuôi cháu.
Đặt câu hỏi Văn Thắng: “Bao giờ mới lo cho mình?”, Thắng bẽn lẽn bật mí: “Tôi cũng có bạn gái rồi nhưng chưa muốn tiết lộ. Chúng tôi còn đang trong giai đoạn tìm hiểu và còn phải lo nhiều việc rồi mới tính đến chuyện hôn nhân”.
Câu chuyện đời của Vua phá lưới nội V-League 2015 mới chỉ trôi qua những trang đầu tiên nhưng thực sự đáng khâm phục.
Ở đó là một tình cảm sâu sắc và một nghị lực phi thường để có thể hoàn tất 3 vai diễn cuộc đời: người anh, người cha trong gia đình và người hùng trên sân cỏ.
Văn Thắng đã 2 lần tham dự SEA Games cùng U23 Việt Nam vào các năm 2011 và 2013. Anh ghi được tổng cộng 4 bàn ở 2 giải đấu đó