Những năm gần đây tại các nước châu Á, bệnh đái tháo đường ở trẻ em đang ngày càng có xu hướng gia tăng.
Căn bệnh này ở trẻ nhỏ được giới chuyên gia chia thành 3 loại: Đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2 và đái tháo đường do di truyền đơn gen.
Trong số các triệu chứng của bệnh đái tháo đường ở trẻ em, một tín hiệu sớm dễ bị phụ huynh nhầm lẫn nhất chính là sự háu ăn một cách bất thường của các bé.
Câu chuyện về bé 11 tuổi mắc tiểu đường: Bài học cảnh giác cho các bậc phụ huynh
Đang biếng ăn bỗng trở nên ăn nhiều rất có thể là dấu hiệu báo trước bệnh tật ở trẻ em. (Ảnh minh họa).
Câu chuyện này được đăng tải trên trang báo Sohu (Trung Quốc) và được cư dân mạng nước này chia sẻ rầm rộ. Nguyên nhân là bởi đây cũng là nhầm lẫn nguy hiểm thường gặp đối với nhiều bậc cha mẹ trong việc chăm sóc con cái.
Nguyên văn nội dung câu chuyện như sau:
"Tiểu Mễ năm nay 11 tuổi. Cháu bé vốn rất kén ăn, nhưng 1 tháng trở về trước đột nhiên trở nên háu ăn lạ thường. Thấy con ăn được, cả nhà đều vô cùng phấn khởi, còn cố ý khuyến khích bé ăn nhiều hơn.
Nào ngờ không lâu sau đó, Tiểu Mễ có dấu hiệu cảm cúm, sốt cao không thuyên giảm, lại nôn mửa liên tục, thậm chí có lúc còn hôn mê bất tỉnh. Chỉ đến khi đưa con nhập viện, gia đình mới tá hỏa khi phát hiện bé đã mắc tiểu đường và hôn mê do nhiễm độc Ceton Acid."
Câu chuyện này là minh chứng cho tình trạng độ tuổi mắc bệnh của các bệnh nhân tiểu đường đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Điều này có liên quan trực tiếp tới thói quen và sinh hoạt và chế độ ăn uống mà các gia đình đặt ra cho con cái.
Trên thực tế, khi thấy con cái từ kén ăn bỗng trở nên ăn được, ngủ được, nhiều bố mẹ thường nghĩ rằng đó là dấu hiệu con đang "trổ mã", từ đó có thái độ coi nhẹ, bỏ qua hoặc cho các bé ăn thỏa thích, nhiệt tình.
Nhưng kỳ thực, cơ thể của con trẻ nếu hấp thu lượng calo quá nhiều từ thức ăn sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa và xáo trộn quá trình chuyển hóa bên trong. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân gây ra tiểu đường ở con trẻ.
Khi đã mắc bệnh tiểu đường, các bé rất dễ bị lâm vào tình trạng hôn mê do nhiễm độc Ceton Acid. Và sự thực là có không ít gia đình chỉ phát hiện ra điều bất thường khi bệnh tình của con đã chuyển nặng.
Lời khuyên của chuyên gia dành cho các gia đình có trẻ em mắc tiểu đường
Với những gia đình có trẻ em mắc tiểu đường, việc chú ý theo dõi đường huyết, xây dựng chế độ ăn uống khoa học đồng thời tuân thủ chỉ định của bác sĩ là vô cùng cần thiết. (Ảnh minh họa).
Theo kiến nghị của các chuyên gia, trẻ em mắc bệnh tiểu đường thường ở vào giai đoạn tiểu học hoặc trung học, một số ít còn bị bệnh chỉ vài tháng sau sinh hoặc ngay từ khi mới chào đời do yếu tố di truyền.
Một trong những khó khăn lớn nhất khi điều trị tiểu đường ở trẻ em là các bé còn quá nhỏ, quá trình tìm hiểu tình trạng bệnh cũng như chữa trị gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, người nhà của bệnh nhân cần kiên nhẫn và phối hợp chặt chẽ với bác sĩ mới có thể chữa khỏi bệnh cho con của mình.
Nhiều kiêng khem về chế độ ăn uống là một trong những khó khăn trong quá trình điều trị mà các bệnh nhân thường gặp phải, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Cũng chính bởi điều này mà các bác sĩ cần căn cứ vào tuổi tác, thể trạng để đưa ra những phác đồ điều trị chính xác, đồng thời cần cân nhắc kỹ lưỡng và đề ra kế hoạch cụ thể để điều chỉnh thực đơn ăn uống của các bé sao cho phù hợp.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên điều chỉnh thói quen vận động ở con trẻ. Tình trạng vận động quá mạnh hoặc không vận động đều không tốt với các bé mắc tiểu đường.
Ngoài ra, bệnh nhân mắc tiểu đường, đặc biệt là đối tượng trẻ em đều cần thường xuyên xét nghiệm glucose. Trong khi đó, việc thường xuyên lấy máu của các bé để kiểm tra quả thực là một thử thách đối với cha mẹ.
May mắn rằng tỷ lệ đường huyết và lượng đường trong nước tiểu của các bé thường không chênh lệch nhiều. Do đó, các gia đình có thể sử dụng việc lấy mẫu nước tiểu để thường xuyên theo dõi lượng glucose trong cơ thể các bé.
*Theo Sohu.com
Xem thêm:
Cách chữa bệnh tiểu đường bằng bấm huyệt