Trong 2 ngày qua, việc ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh liên tục lên tiếng về những vấn đề liên quan đến Formosa cũng như về sự cố môi trường phần nào đã làm hài lòng dư luận dưới góc độ "lên tiếng hay im lặng".
Tuy nhiên, việc ông Cự khẳng định việc cấp phép thời hạn của giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư là 70 năm căn cứ vào Điều 36 của Luật Đầu tư quy định lại khiến dư luận băn khoăn khi nó trái với những gì phía Thanh tra Chính phủ đã công bố trước đó.
Dẫn ra các tiêu chí mà dự án của Formosa đạt được, ông Cự cho rằng việc cấp phép 70 năm là đúng theo quy định của pháp luật.
Thêm nữa, một trong những căn cứ để chứng tỏ việc cấp phép 70 năm là đúng pháp luật, theo ông Cự, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 826 ngày 30/1/2015, thống nhất việc cấp phép thời hạn của Dự án Formosa 70 năm là phù hợp, giữ nguyên với thời hạn trong Giấy chứng nhận đầu tư mà Khu kinh tế Vũng Ánh đã cấp.
Tuy nhiên, tại buổi họp báo Thanh tra chính phủ mới đây, về thời gian cấp phép cho Formosa, theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, dù Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) là giữ 70 năm nhưng kết luận của Thanh tra Chính phủ thời điểm đó đã khẳng định Hà Tĩnh làm như thế là chưa đúng pháp luật.
Nếu Chính phủ đồng ý thì mới được cấp phép 70 năm
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Cao Bá Trung - Giám đốc Công ty Luật INCIP (Hà Nội) nói: Vấn đề thẩm quyền cấp phép như thế nào và thời hạn được cấp phép đã được pháp luật quy định rõ ràng.
Ông Trung viện dẫn: "Theo Điều 52 của Luật đầu tư 2005, thời điểm Dự án Formosa được cấp phép thì "Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hoạt động dự án và không quá năm mươi năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không quá bảy mươi năm".
Như vậy, nếu được Chính phủ Quyết định thì dự án có thể lên đến 70 năm. Còn UBND tỉnh chỉ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến 50 năm mà thôi.
Luật sư Cao Bá Trung (Ảnh: Tuấn Nam)
Tuy nhiên, Luật sư Trung cũng dẫn Điều 36 Luật đầu tư 2005 quy định về ưu đãi sử dụng đất: "Thời hạn sử dụng đất của dự án đầu tư không quá năm mươi năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, thuê đất không quá bảy mươi năm".
Về mặt thực tiễn, thời hạn Dự án đầu tư bao giờ cũng tương ứng với thời hạn thuê đất.
Ông Trung nói thêm: "Về mặt pháp lý, trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư 70 năm, UBND tỉnh Hà Tĩnh phải có văn bản xin chủ trương của Chính phủ. Nếu Chính phủ đồng ý thì mới được phép cấp giấy chứng nhận đầu tư có thời hạn 70 năm...
Và với việc không đúng quy trình thì cho đến thời điểm trước khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý, quyết định hành chính cấp giấy chứng nhận đầu tư đó có thể bị huỷ".
"Lý giải của ông Võ Kim Cự là không hợp lý"
Trao đổi bên hành lang của Quốc hội về vấn đề này, LS Trương Trọng Nghĩa - ĐBQH đoàn TP.Hồ Chí Minh cho rằng: "Phải có uỷ ban làm việc mới đi đến kết luận được".
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, Thanh tra Chính phủ việc cấp phép cho Formosa 70 năm là sai. Việc Thủ tướng đồng ý cho tiếp tục giao cho Formosa 70 năm thì việc cấp phép cho Formosa 70 năm là tính từ thời điểm Thủ tướng đồng ý trở về sau. Còn trước thời điểm Thủ tướng đồng ý cho tiếp tục 70 năm thì là sai.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Tuấn Nam)
Trong một cuộc trao đổi khác, TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội nói: "Việc Hà Tĩnh cấp phép khi chưa có sự đồng ý (bằng văn bản của Chính phủ) có nghĩa là làm không đúng luật.
Sau này khi có Thanh tra Chính phủ vào cuộc và Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của bộ KH&ĐT về việc giữ 70 năm. Yếu tố này không có giá trị "hồi tố" (không có hiệu lực trở về trước), tức là không thể thay thế cho văn bản đồng ý ngay từ đầu làm cơ sở để phía Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư 70 năm".
Như vậy, theo TS Đinh Xuân Thảo, lý giải của ông Võ Kim Cự về việc cấp phép đầu tư cho Formosa 70 năm là không hợp lý.
Trước đó, ngày 25/3/2015 - thời điểm Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố Kết luận thanh tra số 1538/KL-TTCP ngày 3/7/2014 của TTCP về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vấn đề này đã được đưa ra.
Tại thời điểm đó, ông Võ Kim Cự cho rằng việc này UBND tỉnh đã xin ý kiến của Chính phủ, Bộ KHĐT đã có ý kiến đồng ý cấp phép 70 năm. Tuy nhiên, Phó tổng TTCP Nguyễn Đức Hạnh (người chủ trì buổi công bố kết luận - PV) nhấn mạnh:
"Không nên đồng nhất 2 khái niệm; việc Chính phủ và Bộ KHĐT có ý kiến đồng ý cho thuê đất 70 năm là sau khi có kết luận của TTCP. TTCP kết luận việc Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư khi chưa được Chính phủ đồng ý là vi phạm".