Thanh niên 20 tuổi có mạch máu như người 50,60 tuổi
Vào tháng 8 năm 2023, giống như mọi ngày bình thường, Tiếu Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi) thức dậy và ăn bữa sáng ở căng tin trường đại học rồi lên giảng đường. Tuy nhiên, khi bước đến gần cửa sổ của phòng học Tiếu Hoa đột nhiên cảm thấy tê và lạnh ở các ngón tay và bàn tay phải. Sau đó má và môi của anh cũng có cảm giác tương tự, đồng thời Tiếu Hoa bắt đầu cảm thấy chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu.
Tiếu Hoa kể lại: “Lúc đầu tôi nghĩ bản thân bị căng cứng cổ do ngủ sai tư thế nên tôi đã xoa bóp tay và mặt. Tuy nhiên, cảm giác tê cứng không hề biến mất mà còn lan rộng ra, đến khi toàn bộ cánh tay phải của tôi tê liệt hoàn toàn”.
Sau đó Tiếu Hoa đã được bạn học và giáo viên đưa đi cấp cứu tại Khoa cấp cứu của Bệnh viện số 3 trực thuộc Đại học Tôn Trung Sơn, Trung Quốc.
Trưởng khoa phẫu thuật mạch máu não, bác sĩ Uông Cầu Tinh, Bệnh viện số 3 trực thuộc Đại học Tôn Trung Sơn cho biết Tiếu Hoa nhập viện trong tình trạng yếu chi, hôn mê. Do đó, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành xét nghiệm máu, thực hiện điện tâm đồ, chụp CT vùng đầu và các xét nghiệm khác cho bệnh nhân.
Kết quả khám cho thấy bán cầu não trái của bệnh nhân bị phù và lưu lượng máu giảm ở vùng cấp máu động mạch não giữa. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não do tắc nghẽn mạch máu nội sọ lớn.
Kết quả kiểm tra vùng đầu của Tiếu Hoa. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Lúc đầu, Tiếu Hoa được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết rTPA (Alteplase) nhưng không đạt hiệu quả điều trị. Do đó, các bác sĩ tiếp tục tiến hành phẫu thuật cắt bỏ huyết khối động mạch não để loại bỏ cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công, Tiếu Hoa sau đó tiếp tục điều trị tại bệnh viện để cải thiện tuần hoàn, châm cứu và thực hiện các bài tập phục hồi chức năng.
Tiếu Hoa cho biết: “Sau 2 tháng điều trị, hiện tại sức khỏe của tôi đã trở lại bình thường, nhưng thỉnh thoảng khi đứng dậy, tôi vẫn sẽ bị hoa mắt giống như bị hạ đường huyết”.
Bác sĩ Uông nói: “Đây là bệnh nhân trẻ tuổi nhất phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ huyết khối mà khoa chúng tôi từng điều trị”.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị, bác sĩ cũng phát hiện tình trạng xơ cứng động mạch của Tiếu Hoa rất nghiêm trọng, bao gồm cả mạch máu ở tim. Bác sĩ Uông cho biết: “Thông thường mạch máu của một thanh niên 20 tuổi sẽ đàn hồi hơn và hình dáng đều đặn hơn. Tuy nhiên, Tiếu Hoa mới 20 tuổi nhưng mạch máu đã bị xơ cứng giống với người ở độ tuổi 50, 60”.
Nguyên nhân gây nhồi máu não
Lý giải về nguyên nhân khiến Tiếu Hoa mắc nhồi máu não khi còn trẻ, bác sĩ Uông cho biết nhồi máu não ở người trẻ thường liên quan đến yếu tố như:
Lối sống kém lành mạnh
Ví dụ những người trẻ tuổi chịu áp lực lớn từ học tập và công việc, thường xuyên thức khuya khiến thể chất kiệt quệ. Căng thẳng và không nghỉ ngơi đủ, lười vận động cũng là một trong những yếu tố gây hại cho mạch máu não.
Bên cạnh đó, nếu mọi người có thêm chế độ ăn uống kém, ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, ăn nhiều muối,... gây thừa cân, béo phì cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc xơ cứng động mạch hoặc hẹp mạch máu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhồi máu não ở người trẻ tuổi.
Những người thường xuyên hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc nhồi máu não cao hơn do nicotin và các hóa chất độc hại khác trong thuốc lá có thể làm hỏng mạch máu.
Chế độ ăn uống và lối sống kém lành mạnh gây thừa cân, béo phì và làm tăng nguy cơ mắc nhồi máu não. (Ảnh minh họa)
Yếu tố bệnh lý
Những người mắc bệnh tim, bệnh động mạch (rung tâm nhĩ, bệnh van tim hoặc viêm nội tâm mạc, tiền sử huyết khối), dị dạng mạch máu, huyết áp cao, đái tháo đường, viêm mạch trong các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ,... có nguy cơ mắc nhồi máu não cao hơn.
Chấn thương vùng đầu cổ
Các chấn thương vùng đầu và cổ do tai nạn có thể làm xoắn vặn, kéo giãn các động mạch, gây tụ máu hoặc phình mạch máu, hình thành huyết khối và có thể dẫn tới tắc mạch, nhồi máu não.
Các dấu hiệu nhận biết nhồi máu não
Khi mắc đột quỵ nhồi máu não, người bệnh có thể xuất hiện một số dấu hiệu nhận biết trên cơ thể, chẳng hạn như các dấu hiệu viết tắt là BE FAST:
B (Balance): Khả năng giữ thăng bằng, bệnh nhân mắc đột quỵ có thể mất khả năng giữ thăng bằng khi di chuyển, bị hoa mắt, chóng mặt, mất khả năng phối hợp vận động.
E (Eyes): Các vấn đề thị lực, bệnh nhân mắc đột quỵ có thể có dấu hiệu nhìn mờ, mất khả năng nhìn ở điểm bên trái hoặc bên phải.
F (Face): Dấu hiệu liệt mặt, một bên mặt của bệnh nhân có thể bị xệ xuống, miệng bị méo.
A (Arms): Dấu hiệu ở tay, bệnh nhân có thể bị yếu hoặc liệt một bên tay, không thể cầm nắm các đồ vật.
S (Speak): Khả năng ngôn ngữ, bệnh nhân không thể nói chuyện bình thường, nói nhịu giọng, nói ngọng.
T (Time): Khi phát hiện các dấu hiệu của đột quỵ thì cần nhanh chóng tận dụng “thời gian vàng” đưa bệnh nhân đến bệnh viện để bác sĩ cấp cứu kịp thời.