1. Vị chính trong bài "xuân dược" nổi tiếng của Võ Tắc Thiên
Theo sử sách Trung Hoa, Võ Tắc Thiên là vị nữ hoàng đế duy nhất của Trung Quốc. Bà không chỉ nổi tiếng về tài lãnh đạo mà còn có khả năng quan hệ tình dục không ai sánh bằng.
Theo sách Cựu Đường Thư còn ghi chép lại, Võ Tắc Thiên có đời sống tình dục vô cùng sung mãn và có rất nhiều tình nhân. Đến tận khi 80 tuổi, không đêm nào bà ngủ thiếu đàn ông.
Hình ảnh tái hiện Võ Tắc Thiên trên màn ảnh (Ảnh minh họa)
Sử sách cũng kể lại rằng, khi Võ Tắc Thiên quá tuổi trung niên, khả năng sinh lý đã suy giảm. Bà liền vời ngự y vào triều để nghiên cứu thuốc hồi xuân.
Các ngự y đã tìm kiếm khắp nơi để tìm cho ra các loại thảo dược về bào chế thuốc hồi xuân cho bà, sau đó đã bào chế được một bài thuốc bao gồm các vị: Nhục thung dung, viễn chí, tục đoạn, mỗi thứ 40 g, ngũ vị tử 30 g, xà sàng tử 25 g, chỉ thực 25 g. Tất cả tán mịn, dùng dạng bột hoặc sắc lấy nước uống.
Theo lời các ngự y, loại thuốc này uống vào chỉ chốc lát là có thể hưởng lạc thú sung sức như thời thanh xuân. Võ Tắc Thiên đã dùng thuốc này hàng ngày và hiệu quả đúng như bà mong đợi.
Tương truyền thêm rằng thời đó có vị quan Thái thú Lã Cung Đại đã 70 tuổi bị bất lực nên chưa có con. Ông lén đem vị thuốc này về dùng thì sinh được 3 con trai rồi không dùng nữa. Số thuốc còn lại ông đem vứt ra vườn liền được 1 con gà trống đến ăn. Sau khi ăn, chú gà này tìm ngay gà mái hành sự liên tục khiến cho gà mái trọc cả lông trên đầu.
Từ đó, bài thuốc được đặt tên theo sự kiện này là "Thốc kê hoàn".
2. Vị thuốc có mặt trong hầu hết các bài thuốc "xuân dược"
Nhục thung dung hay còn gọi là nhục tùng dung, thung dung, địa tinh (nghĩa là tinh chất của đất), kim duẩn. đại vân, hoắc tư lệnh (vì có tác dụng bổ thận mạnh)... là vị thuốc có mặt trong các bài "xuân dược" từ hàng ngàn năm nay, nó được tôn vinh không khác gì một loại "thần dược".
Loại cây này có tên khoa học là Herba Cistanches Caulis Cistanchis, là loại cây cao từ 15 - 30cm, cũng có khi dài tới hàng mét. Cây ra hoa vào tháng 5, tháng 6, hoa dày đặc mọc ra từ phần ngọn, màu vàng nhạt, hình chuông, xẻ 5 cánh. Cánh hoa màu xanh hoặc tím nhạt; tới các tháng 6, tháng 7 kết quả, nhỏ li ti.
Nhục thung dung có phần thân rễ phát triển thành củ, người ta thường dùng bộ phận này để làm thuốc. Củ nhục thung dung to, mềm, nhiều dầu, ngoài có vảy mịn, có màu đen là chất lượng tốt.
Nhục thung dung
Trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", GS Đỗ Tất Lợi xác nhận: "Vị thuốc nhục thung dung ít dùng, nhưng lại rất được sử dụng chữa những trường hợp yếu sinh lý, sinh dục. Sách thần nông bản thảo xếp vị nhục thung dung vào hàng "thượng phẩm".
Cũng theo GS Đỗ Tất Lợi, nhục thung dung có vị ngọt, chua, tính hơi ôn. Không có độc. Có tài liệu nói cay, ôn, đại nhiệt. Có tác dụng tư âm, bổ thận, ích tinh, huyết, tráng dương, hoạt trường (mạnh dương chơn ruột). Dùng trong những trường hợp liệt dương, lưng gối lạnh đau (nam giới), vô sinh bạch đới khí hư (nữ giới), huyết khô, táo bón.
Những người thận dương vượng, đại tiện lỏng, dương vật dễ cương lại di mộng tinh thì không được dùng.
Lương y Vũ Quốc Trung, Phòng chuẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hội Đông y Hà Nội cho biết, nhục thung dung là vị thuốc đông y có tác dụng bổ thận tráng dương có mặt trong hầu hết các bài thuốc tăng cường bản lĩnh phòng the cho phái mạnh.
Nhục thung dung có thể đem ngâm rượu hoặc làm thành thuốc viên, cũng có thể nấu cùng thịt dê, gạo tẻ, hành, gừng thì càng tăng cường tác dụng ổn bổ ích khí.
Lương y Vũ Quốc Trung cũng mách cách chế biến nhục thung dung đơn giản nhất là nấu cháo, theo cách như sau: 11 - 22g nhục thung dung, 75g thịt dê, 75g gạo tẻ. Sau khi nấu sôi thì cho thêm muối, gừng tươi, hành trắng mỗi thứ một ít vừa đủ. Ăn nóng vào buổi sáng và tối khi bụng đói, có công năng ích gan thận, bổ tinh huyết, kiện tỳ vị, nhuận tràng, thông tiện.
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)