Tình cảnh của các bác sĩ Zimbabwe
Cuộc đình công của các bác sĩ tại Zimbabwe đã làm tê liệt hệ thống y tế vốn đã bị bỏ bê nghiêm trọng ở quốc gia này. Dù được hứa hẹn về một tương lai tươi sáng sau khi nhà lãnh đạo Robert Mugabe từ chức một năm trước, trên thực tế, người dân Zimbabwe vẫn phải gánh chịu hậu quả "dây chuyền" từ sự suy thoái kinh tế.
Các bác sĩ mô tả lại tình trạng làm việc "kinh khủng": thực hiện phẫu thuật bằng tay trần, dùng túi nhựa đựng bánh mì để đựng phân bệnh nhân, máy móc và dụng cụ y tế hỏng hàng loạt, không được sửa chữa, thay thế. Nền y tế của Zimbabwe - từng có thời kì được đánh giá là số 1 ở châu Phi - nay đã "gục ngã".
"Thật đáng buồn. Các bệnh viện đều trống không. Bệnh nhân bị từ chối và phải tìm cách tới nơi khác trong vô vọng," ông Prince Butau, thủ quỹ của Hiệp hội Bác sĩ Bệnh viện Zimbabwe, cho hay. Hiệp hội này hiện đại diện cho khoảng 1.000 bác sĩ vẫn đang bám trụ tại các bệnh viện nhà nước.
Những lời hứa hẹn của tân tổng thống giờ chỉ còn là những lời "hứa suông".
Hàng chữ "Đảm bảo chăm sóc y tế chất lượng giá rẻ" được in trên một tấm biển khẩu hiệu tranh cử của tổng thống Emmerson Mnangagwa trong đợt bầu cử tháng 7/2018. 6 tháng sau khi ông Mnangagwa nhậm chức, ngành y tế của Zimbabwe đã ngày càng thiếu những loại thuốc y tế cơ bản như thuốc an thần và thuốc tránh thai.
Theo Washington Post, ông Mnangagwa và những thành viên khác trong bộ máy nhà nước thường được chăm sóc y tế tại nước láng giềng Nam Phi, trong khi cựu tổng thống Mugabe hay tới chữa bệnh tại Singapore.
Trong khi đó, tại Zimbabwe, người dân muốn được chăm sóc y tế phải tự đem thuốc, kim tiêm, băng gạc và đôi lúc phải mang cả nước tới bệnh viện.
Hồi tháng 11, Hiệp hội Y tế Zimbabwe - cơ quan đại diện cho những nhân viên y tế - đã cảnh báo rằng sức khỏe của các bệnh nhân đang "giảm sút" và "ngày càng suy kiệt" trong khi các cuộc phẫu thuật và chữa trị đều lần lượt bị hủy bỏ vì thiếu thuốc men.
Hoàn cảnh lao động thiếu thốn - cùng với thu nhập thấp - đã buộc các bác sĩ đình công, ông Butau cho hay.
Không có đủ găng tay, bác sĩ nhiều lúc phải dùng tay trần để thực hiện phẫu thuật. Khẩu trang và kính phòng hộ gần như là "chuyện trong mơ".
"Chúng tôi bị phơi nhiễm với các chất dịch, máu, virus HIV và viêm gan B. Tôi còn thấy nhiều bác sĩ sử dụng dây thừng để thay thế cho băng gạc. Chúng tôi không thể tiếp tục làm như vậy," ông Butau nói.
Wallace Hlambelo, một trong các bác sĩ tham gia đình công, kể lại việc phải dùng những túi nhựa để giúp bệnh nhân già đi đại tiện. "Những gì chúng tôi đang làm không phải là chữa trị. Bệnh nhân có thể thấy bác sĩ đang làm điều gì đó, nhưng chắc chắn không phải là chữa bệnh".
Chính phủ cam kết giải quyết vấn đề
Đầu tháng này, ông Mnangagwa đã tự cắt giảm lương của mình để giúp giải quyết cuộc đình công của các bác sĩ.
Tuy nhiên, hiện tại, tình hình tại các bệnh viện công vẫn vô cùng khó khăn.
Theo quan sát của phóng viên AP trong chuyến đi tới bệnh viện lớn nhất của Zimbabwe - Parirenyatwa - vào một ngày trong tuần, các hành lang của bệnh viện đều "lặng ngắt như tờ". Ở khu nhi khoa, các giường đều trống không. Các khoa khác cũng hầu như không có bệnh nhân bởi bệnh viện chỉ tiếp nhận những trường hợp nghiêm trọng nhất.
Bộ trưởng Tài chính Zimbabwe đã thông qua kế hoạch chi 694 triệu USD cho lĩnh vực y tế trong năm 2019 trong khi khoản tiền cần thiết hàng năm là 1,3 tỉ USD. Để đưa ngành y tế trở lại thời kì "đỉnh cao", Bộ trưởng Y tế cho biết Zimbabwe cần chi 8 tỉ USD - tương đương với toàn bộ ngân sách quốc gia năm 2019 của đất nước này.
Gánh nặng đang đặt lên vai những bệnh nhân nghèo.
"Chúng tôi đang cạn tiền vì các nhà thuốc yêu cầu trả bằng đồng USD," Nobert Nzonzo, một người thân bệnh nhân, chia sẻ.
Những bác sĩ không có đủ tiền tự chăm sóc bản thân cũng gặp tình cảnh không khác gì các bệnh nhân.
"Điều đó có nghĩa là tôi phải nhờ các bác sĩ khác giúp chữa trị miễn phí," bác sĩ Hlambelo nói. Xuất thân từ gia đình nghèo, người thanh niên 26 tuổi này từng hi vọng trở thành bác sĩ sẽ giúp gia đình thoát đói nghèo.
Bộ trưởng Y tế Obadiah Moyo cho biết chính phủ đang nỗ lực "hồi sinh" ngành Y tế.
"Những thách thức đặt ra rất lớn nhưng không phải không vượt qua được. Chúng tôi đã bắt đầu mua thuốc men, dụng cụ bảo hộ và những thứ cần thiết khác. Mọi thứ sẽ ổn," ông Moyo nói.